Một số khái niệm đặc thù trong xã hội Nhật Bản
Trong quyển sách song ngữ Nhật-Anh “Linh hồn Nhật Bản” 英語で話す日本の心 / Keys to the Japanese Heart and Soul, do Suzuki Setsuko 鈴木節子 chủ biên (Bunkyō, Tokyo: Kodansha International 講談社, tái bản lần thứ 8 năm 1997), các tác giả đã giải thích một số khái niệm đặc thù của xã hội Nhật Bản, với cách trình bày ngắn gọn dễ hiểu nhưng vẫn đầy đủ thông tin. Trong bài này, chúng tôi xin trích lược một số khái niệm nhằm giúp độc giả Kilala hiểu sâu hơn về văn hóa và xã hội Nhật Bản.
Xã hội chiều dọc - タテ社会
Được biết đến rộng rãi nhờ vào quyển sách “Quan hệ con người trong xã hội hàng dọc” (タテ社会の人間関係) của nhà nhân chủng học Nakane Chie (中根千枝 - 1967), khái niệm này biểu thị nét đặc sắc của quan hệ con người trong xã hội Nhật Bản. Nakane cho rằng đơn vị cơ bản cấu thành nên xã hội Nhật chính là những nhóm cùng có chung một “nơi chốn” (場) và quan hệ giữa người với người trong nhóm được nối kết với nhau ưu tiên theo quan hệ chiều dọc.
Mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, đàn anh và đàn em, cha mẹ với con cái được xem như quan hệ theo chiều dọc điển hình nhưng những quan hệ như giữa vợ chồng với nhau lại nghiêng về chiều dọc hơn là chiều ngang. Những liên kết giữa công ty mẹ với công ty con, giữa tập thể và quan hệ với tập thể đều là quan hệ theo chiều dọc. “Các nhóm công ty liên kết với nhau” (keiretsu系列) cũng liên kết theo quan hệ dọc. Như vậy quan hệ theo chiều dọc nối kết các cá nhân trong tập thể, nối kết tập thể này với tập thể khác và hình thành cấp bậc (序列) cho toàn thể hệ thống. Thực tế thì ý thức về cấp bậc này mang ý nghĩa rất lớn với người Nhật , đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn trật tự xã hội.
Người ta thường cho rằng quan hệ trên dưới theo chiều dọc thì dựa vào trật tự thứ bậc hơn là dựa vào sự khác biệt năng lực: ẩn đằng sau ý thức của trật tự này có một thứ giá trị quan về sự bình đẳng của toàn thể. Do đó, xã hội theo chiều dọc vốn được cấu trúc theo trật tự toàn thể có cấu trúc khác biệt so với những xã hội phân chia giai cấp.
Nghĩa lý và nhân tình - 義理と人情
“Nhân tình”(人情), theo nghĩa rộng, là tình cảm của con người nói chung như tình yêu, hảo ý, nỗi tiếc nuối, sự thông cảm, nỗi buồn…nó là những thứ tình cảm “mang tính tự nhiên” đối với người khác, chẳng hạn quan hệ cha con hay quan hệ yêu đương.
“Nghĩa lý” (義理) là nghĩa vụ chúng ta phải làm như mệnh lệnh của xã hội trong quan hệ với tha nhân, như nghĩa vụ giữ gìn những mối quan hệ qua lại, chẳng hạn đền đáp người từng có ơn với mình,. Khái niệm này mang ý nghĩa đạo đức bắt buộc, được xem như là đương nhiên về mặt xã hội, dù có khi trái ngược lại với “nhân tình”. Đối với các võ sĩ trong thời đại phong kiến, “nghĩa lý” đầu tiên là hầu hạ chủ nhân dù có khi mất đi tính mạng, để đền đáp ân huệ” 恩 đã nhận được từ bậc quân chủ. Ở Nhật Bản, việc giữ gìn “nghĩa lý” mang một giá trị đạo đức cao, nếu quên đi sẽ dẫn đến mất lòng tin nơi người khác và cuối cùng mất đi sự ủng hộ.
Nói chung, tình cảm của con người không mâu thuẫn với quy phạm của xã hội vì thế việc giữ gìn “nghĩa lý” không phủ định “nhân tình”. Tuy nhiên, đôi khi, người ta dằn vặt giữa tình cảm tự nhiên và nghĩa vụ đối với xã hội. Mặc dù không còn thịnh hành trong xã hội Nhật Bản hiện đại nữa nhưng hai khái niệm này vẫn đóng vai trò quan trọng như là phương châm hành động của người Nhật ngày nay. Những ai thiếu “nghĩa lý” sẽ không thể giao thiệp tốt với người khác và khó có cơ hội thăng tiến trong công việc.
Sự cam chịu - 諦め
Cho đến gần đây người Nhật vẫn xem việc chịu đựng mọi đau đớn hay tử biệt sinh ly là một đức tính cao quý. Đây là khái niệm hành động mang tính truyền thống của Nhật Bản, được xem như một quy định phải tuân theo của các võ sĩ chịu ảnh hưởng Nho Giáo, dạy cho họ biết tầm quan trọng của sự nhẫn nại và kiềm chế cá nhân. Việc tự mình chịu đựng, chấp nhận điều không thể tránh được với tâm thế “cam chịu” phản ánh quan niệm định mệnh của tư tưởng Phật Giáo (có lẽ cả Đạo Giáo nữa). Quan niệm định mệnh luận này cũng bao hàm chủ nghĩa lạc quan trong câu nói hàng ngày “có khổ thì mới có vui” (苦あれば楽あり). Vận mệnh con người cũng giống như toàn thể tự nhiên, cùng với nỗi đau và sự khó khăn đều là những thứ phù du ngắn ngủi. Vì sự “cam chịu” đến mức gần như cấm dục mà nhiều người Nhật Bản đã chấp nhận vị trí của mình trong một xã hội phân chia giai cấp nghiệt ngã với tinh thần cam chịu không mấy khó khăn.
Sự hổ thẹn - 恥
Khi phân tích hai loại hình văn hóa “văn hóa tội lỗi” (罪の文化) và văn hóa hổ thẹn” 恥の文化Nhà nhân chủng học Ruth Benedict đã xếp Nhật Bản vào loại hình văn hóa hổ thẹn điển hình. Theo định nghĩa của Ruth, trong “nền văn hóa tội lỗi” đề cao tiêu chuẩn tuyệt đối của đạo đức, và dựa vào sự trưởng thành tự giác của cá nhân còn “nền văn hóa hổ thẹn” thì không cảm giác về tội lỗi với ý nghĩa tuyệt đối mà chỉ cảm thấy xấu xa khi hành vi bị chỉ trích mà thôi. Nói cách khác, “văn hóa hổ thẹn” được lập thành dựa trên sức mạnh câu thúc bề ngoài với hành vi tốt đẹp chứ không phải là sự tự giác tội lỗi mang tính nội tâm bên trong.
Tuy nhiên sự phân chia văn hóa “hổ thẹn” và “tội lỗi” như vậy là quá sức đơn giản. Thực tế, nền văn hóa Nhật Bản phụ thuộc rất lớn vào tâm hồn đạo nghĩa sâu sắc trong hành động của mình và nội tâm hóa cá nhân theo tiêu chuẩn hành động cho dù có phơi bày cho sự phán xét của công chúng hay không. Mặc dù có câu nói “khi đi du lịch thì cứ bỏ qua sự hổ thẹn của mình” (旅の恥はかきすて) nhưng khái niệm “hổ thẹn” của người Nhật được phản ánh chính xác hơn qua câu nói “người quân tử phải tự mình phản tỉnh (cẩn trọng)” (君子は独りを慎む). Người Nhật luôn cố gắng sống theo lý tưởng trong nội tâm của mình nhưng khi thất bại, họ thấy hổ thẹn với chính mình trong mắt mình và trong mắt người khác. “Hổ thẹn” không phải là một phản ứng đối với sự chỉ trích của người khác hay với nỗi sợ bị trục xuất như Benedict đã nói mà là sự phản ứng đối với sự tự giác rằng mình đã làm tổn thương hình ảnh lý tưởng của chính bản thân mình.
Xem thêm: Một số khái niệm đặc thù trong xã hội Nhật Bản (p2)
Dịch bởi Hoàng Long/ kilala.vn
19/03/2016
Bài: Hoàng Long, dịch từ nguyên tác Nhật ngữ/ Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận