Một số khái niệm đặc thù trong xã hội Nhật Bản (p2)

    Trong quyển sách song ngữ Nhật - Anh “Linh hồn Nhật Bản” 英語で話す日本の心 do Suzuki Setsuko 鈴木節子 chủ biên (tái bản lần thứ 8 - 1997), các tác giả đã giải thích một số khái niệm đặc thù của xã hội Nhật Bản với cách trình bày ngắn gọn dễ hiểu nhưng vẫn đầy đủ thông tin. Chúng tôi xin trích giới thiệu một số khái niệm nhằm giúp độc giả Kilala hiểu sâu hơn về văn hóa và xã hội Nhật Bản.

    Đọc phần 1: Một số khái niệm đặc thù trong xã hội Nhật Bản

    Giao tiếp phi ngôn ngữ (非言語コミュニケーション)

    giao tiếp phi ngôn ngữ
    (Ảnh minh họa: Rina/PIXTA) 

    Trong một xã hội cực kỳ thuần nhất như Nhật Bản, việc nắm vững những nghi lễ và động tác có ý thức hay vô thức đóng một vai trò quan trọng trong giao tiếp giữa những cá nhân với nhau. Việc giao tiếp được tiến hành với những ký hiệu phi ngôn ngữ nhằm tác động đến giao tiếp ngôn ngữ.

    Việc giáo dục rằng im lặng cũng là một hình thức trò chuyện xuất phát từ mối quan hệ giữa mẹ và con. Người mẹ Nhật Bản rất xem trọng sự giao tiếp phi ngôn ngữ với con cái mình, dạy cho con biết đức hạnh của sự vâng lời (素直). Trong mối quan hệ xã hội rộng lớn hơn, những phương thức hành động đan xen phức tạp giữa “ân huệ” (恩) và “nghĩa vụ” (義理) lập nên sự giao tiếp giữa những cá nhân với nhau. Khi có sự đối lập ý kiến giữa công và tư, để né tránh sự đối đầu, người ta thường im lặng, đè nén tâm trạng thật sự của mình để thuận theo ý của đối phương. Việc cố gắng giữ im lặng nhìn từ bên ngoài có thể cho thấy sự vui vẻ và quan tâm đến điều đó nhưng thực tế lại truyền đạt một thứ cảm tình sâu sắc. Sự im lặng trong cuộc trò chuyện thường thấy trong thời gian nghỉ vui vẻ để hưởng thụ bầu không khí chung.

    Sự nũng nịu (甘え)

    sự nũng nịu
    “Sự nũng nịu” được sinh ra từ lòng khao khát được yêu thương và cảm giác tuyệt vọng bất lực

    Sự nũng nịu (Amae) được định nghĩa là “nguyện vọng muốn được dựa vào, được chở che” và là danh từ của động từ “làm nũng” (Amaeru - 甘える). Không thể tìm thấy từ nào đồng nghĩa với nó trong tiếng Anh nhưng nó có nghĩa là nguyện vọng muốn được nương tựa vào người khác dựa trên tình yêu, sự nhẫn nại và khoan dung của họ.

    “Sự nũng nịu” được sinh ra từ lòng khao khát được yêu thương và cảm giác tuyệt vọng bất lực. Khái niệm này được phản ánh nhiều trong những mối quan hệ như cha mẹ và con cái, vợ và chồng, giáo viên và học sinh, lãnh đạo và cấp dưới, và “sự nũng nịu” này hiện diện khắp nơi trong suốt cuộc đời một người Nhật. Mặt khác, tác giả Takeo Doi lại định nghĩa “Amae” như là lòng ham muốn được “lạm dụng tình yêu thương của người khác”, “đắm mình trong sự nuông chiều của người khác” hay “phó mặc thân mình cho lòng tử tế của người khác”. Và Doi đã xem “Amae” như là chìa khóa để lý giải động lực tinh thần của nền văn hóa Nhật Bản giàu lòng khoan dung với việc nhờ vả và quan hệ nương tựa vào nhau. Trong các tác phẩm của mình, đặc biệt là quyển sách bán chạy nhất “Cấu tạo của ‘Amae’” (甘えの構造), Doi đã xem “Amae” như là hạt nhân trung tâm của các tình cảm liên quan và lấy các từ khác liên quan đến “Amae” làm chìa khóa để giải thích về song đề “nghĩa lý” (義理) và “nhân tình” (人情) của truyền thống văn hóa Nhật Bản.

    Bụng (腹)

    Bụng (phúc - Hara - 腹) là một khái niệm quan trọng trong tâm lý học đại chúng truyền thống Nhật Bản và trong quan hệ con người. Từ “bụng” bên cạnh việc chỉ một bộ phận thân thể ra thì còn được sử dụng nhiều trong các thành ngữ liên quan đến tình cảm, tư tưởng, ý hướng và tính cách con người. Ví dụ như khi giận dữ, người Nhật nói “bụng dựng đứng lên” (Hara ga tatsu - 腹が立つ). Khi muốn thăm dò kế hoạch, ý đồ và suy nghĩ của người khác mà không thông qua con đường ngôn ngữ, người Nhật lại dùng cụm từ “thăm dò bụng dạ” (Hara wo saguru - 腹を探る). Khi ai đó nói chuyện thẳng thừng, không rào đón thì đó gọi là “rạch bụng cho xem” (Hara wo waru - 腹を割る). Bụng của người xấu thì “đen tối” (Kuroi - 黒い). Phương pháp hiểu nhau không thông qua con đường ngôn ngữ trực tiếp thì được gọi là “phúc nghệ” (Haragei - 腹芸), tức “nghệ thuật hiểu bụng”. Những cách sử dụng từ “bụng” như thế cho thấy rằng người Nhật xem vùng bụng như trung tâm của tình cảm, tư tưởng và ý hướng con người.

    Trong tọa thiền (Zazen - 座禅) và nghệ thuật chiến chinh của võ sĩ đạo, người Nhật cho rằng việc dồn lực xuống huyệt đan điền dưới rốn vừa giúp giải tỏa căng thẳng vừa giúp tập trung tinh thần. Ngay cả việc mổ bụng tự sát (Harakiri - 腹きり) cũng chứng minh rằng vùng bụng chính là trung tâm của nhân cách và sinh mệnh con người.

    Khí (気)

    Khí là khái niệm quan trọng trong quan hệ con người và tâm lý học đại chúng truyền thống Nhật Bản. Khái niệm này được sử dụng với trên 40 cách biểu hiện khác nhau của tâm tư, biểu thị những ý nghĩa như “ý chí” (意志), “tinh thần” (精神) hay “tâm hồn” (心). Có thể chia ý nghĩa của “khí” thành bốn loại sau đây: Chỉ ý thức, tự giác, chính khí. Khi một người mất đi chính khí, ta nói anh ta bị “khí cuồng” (Ki ga kuruu - 気が狂う). Khi ai đó ngất xỉu, ta nói “khí đã xa” (ki ga tooku naru - 気が遠くなる). Khi bị mất tập trung, ta nói “khí phân tán” (Ki ga chiru - 気が散る).

    Sở thích, ý hướng, ý muốn. Khi một cá nhân tỏ ra tích cực với một việc gì đó, đây gọi là “khí tiến triển” (Ki ga susumu - 気が進む). Khi không còn giữ sở thích ban đầu, ta gọi đó là “khí thay đổi” (Ki ga kawaru - 気が変わる).

    Tâm trạng, tình cảm, cảm giác. Khi tuyệt vọng thì ta có thể mô tả bằng cụm từ “khí tiêu trầm” hay “khí bế tắc” (Ki ga shizumu/fusagu - 気が沈む/ふさぐ).

    Khí chất, tâm tư, tinh thần. Người nóng vội thường bị gọi là người có “khí ngắn” (Ki ga mijikai - 気が短い), người có tính cách tốt thì được gọi là người có “khí tốt” (Ki ga ii - 気がいい), người giỏi chịu đựng thì được gọi là người có “khí dài” (Ki ga nagai - 気が長い).

    Cần lưu ý rằng chủ thể trong những cách biểu hiện trên không phải là người mà là “khí”. Khi một người chịu đựng giỏi, thì cái “dài” đây không phải là “người” mà là “khí”. Tương tự như vậy, khi con người tuyệt vọng, không phải chính người đó mà là “khí” bị “tiêu trầm”.

    Sư vâng phục (素直)

    Từ “Sunao” (素直) được sử dụng với hình thức tính từ và biểu thị ý nghĩa “chính trực và biết nghe lời”. Đây được xem như một trong những đặc tính nhân cách đáng được mong đợi nhất ở trẻ con, và có từ trái nghĩa là động từ “ngang bướng, ương ngạnh” (Hinekureru - ひねくれる). Theo nhà tâm lý học Takeo Doi thì khi “amae” (cảm giác nũng nịu) không được thỏa mãn, người ta sẽ cảm thấy bất mãn sâu sắc và rơi vào tâm trạng khó chịu biểu hiện trong từ “Suneru” (すねる - hờn dỗi) hay “Higamu” (ひがむ - thiên vị, không công bằng). Điều này kéo dài nhiều năm sẽ trở thành một phần nhân cách của anh ta, và người đó sẽ bị xem là một con người “ngang bướng”. Ngược lại, những người “ngoan ngoãn” được thỏa mãn đầy đủ nhu cầu “Amae” từ nhỏ thì sẽ có niềm tin cơ bản vào quyền uy và hành động dựa trên giả định mình là người được chăm sóc, lo toan.

    Hoàng Long, dịch từ nguyên tác Nhật ngữ/ kilala.vn

    12/05/2016

    Bài: Hoàng Long, dịch từ nguyên tác Nhật ngữ
    Ảnh minh họa: PIXTA, Pixabay

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!