Momotaro: Anh hùng nhỏ tuổi trong truyện cổ tích Nhật Bản
Kho tàng văn học dân gian Nhật Bản nổi tiếng với những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn cùng những nhân vật mang phẩm chất anh hùng. Trong số đó, Momotaro có thể được xem là một trong những nhân vật truyền thuyết phổ biến nhất. Trong bài viết này, hãy cùng Kilala tìm hiểu về Momotaro và những bài học giá trị về người anh hùng này nhé!
Momotaro là ai?
Momotaro (桃太郎 - Đào Thái Lang) hay "cậu bé quả đào" là một anh hùng nổi tiếng trong văn hóa dân gian Nhật Bản. Do trong truyền thuyết, anh hùng này được “sinh ra” từ trong quả đào nên tên được ghép từ: Momo (quả đào) + taro (cậu bé).
Câu chuyện về Momotaro đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản, được truyền lại từ đời này sang đời khác và thậm chí được người nước ngoài biết đến.
Truyền thuyết về Momotaro và các dị bản
Nguồn gốc của truyền thuyết Momotaro
Ban đầu, truyền thuyết về Cậu bé quả đào chỉ là chuyện kể truyền miệng trong dân gian, xuất hiện từ thời Muromachi (1392-1573). Mãi đến thời Edo (1603-1867) thì truyền thuyết mới được ghi chép lại thành văn bản. Vào thời Meiji (1868-1912), câu chuyện về Momotaro đã được đưa vào sách giáo khoa và được giảng dạy trong trường học.
Tuy nhiên, do Momotaro vốn là câu chuyện truyền miệng trong dân gian nên bên cạnh bản phổ biến nhất được ghi chép trong sách truyện thì vẫn tồn tại nhiều dị bản khác nhau.
Truyền thuyết về Cậu bé quả đào Momotaro
Chuyện kể rằng ngày xưa, ở làng Okayama có đôi vợ chồng già nọ, dù cao tuổi vẫn chưa có con. Thường ngày người chồng lên núi đốn củi còn người vợ ra sông giặt quần áo. Một hôm, bà lão vẫn ra sông giặt đồ như thường lệ thì phát hiện có một quả đào khổng lồ trôi từ thượng nguồn xuống. Bà lão quyết định mang quả đào về và ăn cùng chồng mình.
Khi về nhà, đôi vợ chồng dùng dao bổ quả đào ra, không ngờ trong đó lại có một bé trai. Hai người cảm thấy đây là món quà thần linh ban tặng nên quyết định nuôi đứa trẻ và đặt tên là Momotaro - cậu bé sinh ra từ quả đào. Dưới sự chăm sóc của hai người, Momotaro lớn nhanh như thổi, trở thành một chàng trai khỏe mạnh.
Thuở ấy, dân làng bị bọn quỷ hung ác quấy phá. Một ngày nọ, Momotaro nói với cha mẹ mình: “Con sẽ đến Onigashima (hòn đảo quỷ) và tiêu diệt chúng.” Dù rất lo lắng nhưng hai vợ chồng vẫn đồng ý, chuẩn bị hành trang và làm bánh kibidango - một loại bánh bao làm từ mochiko (bột gạo) để cậu mang theo ăn dọc đường.
Momotaro lên đường đến Onigashima. Trên đường đi, cậu gặp một chú chó. Sau khi biết Momotaro đi diệt quỷ, chú chó đề nghị Momotaro cho nó ăn một chiếc kibidango và nó sẽ làm người bạn đồng hành của cậu.
Sau đó, Momotaro gặp một chú khỉ và một con chim trĩ. Cả hai cũng đề nghị như thế và trở thành bạn đồng hành với Momotaro. Cứ như vậy, hành trình đến Onigashima diệt quỷ của Momotaro có thêm chó, chim trĩ và một chú khỉ đồng hành.
Trong khi lũ quỷ trên đảo đang mở tiệc với những thứ chúng cướp từ dân làng thì Momotaro đã phối hợp với những người bạn để bất ngờ tấn công. Sau cùng, lũ quỷ đầu hàng, nhóm của Momotaro mang những thứ bọn quỷ đã chiếm đoạt về làng. Sau đó, Momotaro sống cuộc đời sung túc hạnh phúc cùng cha mẹ.
Các dị bản khác của Momotaro
Là một câu chuyện dân gian truyền miệng, tùy theo khu vực mà Momotaro sẽ có những dị bản khác nhau. Đa số các dị bản có sự đổi khác trong diễn biến câu chuyện.
Trong một số biến thể, người ta kể rằng Momotaro sinh ra từ một chiếc hộp hai màu đỏ trắng trôi trên sông. Sau khi chiếc hộp mở ra để lộ Momotaro thì hộp cũng biến mất. Ngoài ra còn có biến thể khác kể rằng bên trong chiếc hộp có quả đào, từ quả đào “nở” ra Momotaro. Các biến thể này phổ biến ở khu vực phía bắc Nhật Bản (Tohoku và Hokuriku)
Bên cạnh đó, có những biến thể liên quan đến quá trình trưởng thành của Momotaro. Có bản kể Momotaro lớn lên theo nguyện vọng của đôi vợ chồng già, là một cậu bé ngoan. Có bản kể Momotaro lớn lên mạnh mẽ nhưng lại lười biếng. Tuy nhiên, phiên bản bé ngoan phổ biến hơn vì người ta sẽ dùng đó để làm gương trong giáo dục trẻ em về lòng tốt bụng và dũng cảm.
Một dị bản khác liên quan đến hành trình diệt quỷ của Momotaro. Nếu như trong phiên bản phổ biến nhất, Momotaro tình nguyện đứng dậy giúp đỡ dân làng thì trong dị bản, hành trình này của cậu là do dân làng thúc đẩy.
Mỗi vùng miền, mỗi gia đình lại có những cách kể chuyện khác nhau, khiến cho hình tượng Momotaro trở nên phong phú và đa dạng. Nhìn chung các dị bản của Momotaro vẫn giữ cốt truyện gốc là cậu bé được đôi vợ chồng già nuôi lớn và diệt quỷ giúp dân làng. Kết truyện vẫn là Momotaro đã chiến thắng quỷ dữ, trở về sống hạnh phúc cùng cha mẹ.
Ý nghĩa của Momotaro trong văn hóa Nhật Bản
Momotaro trở thành hình tượng về người hùng trẻ tuổi trong văn hóa Nhật Bản với những phẩm chất: tốt bụng, tử tế và lòng dũng cảm. Bên cạnh đó, hành trình Momotaro cùng những người bạn đồng hành: chó, khỉ và chim trĩ cùng đến Onigashima diệt quỷ đã mang đến bài học về tinh thần đoàn kết và phân công, phối hợp hiệu quả.
Đó cũng là lý do vì sao câu chuyện về Cậu bé quả đào phổ biến rộng rãi tại Nhật trong suốt lịch sử và được đưa vào sách để giáo dục nhiều thế hệ học sinh về những giá trị tốt đẹp, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần chống lại cái ác.
Những địa điểm liên quan đến truyền thuyết Momotaro ngày nay
Có khá nhiều nơi được cho là quê hương của cậu bé quả đào nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin nào được xác nhận chính thức.
Trong truyện Momotaro có xuất hiện Kibidango, mà món bánh này vô cùng nổi danh ở tỉnh Okayama nên vô hình trung, đa số đều gọi Okayama là quê hương của Momotaro. Dù theo một số nguồn, Kibidango trong truyện Momotaro và Kibidango ở Okayama khác nhau nhưng vì tên gọi đồng âm nên vẫn xem như có sự liên hệ với nhau.
Ở Okayama, đền Kibitsu được xem là ngôi đền nguyên gốc của của Momotaro, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Tại ngôi đền này, những bức tượng, tranh vẽ và các hiện vật liên quan đến truyền thuyết Cậu bé quả đào được lưu giữ và trưng bày.
Sự yêu thích của người Okayama dành cho Momotaro lớn đến độ, sân bay Okayama còn có tên gọi khác là Sân bay Momotaro Okayama. Trước ga Okayama còn có một bức tượng của Momotaro, đây được xem là một trong những biểu tượng của thành phố.
Ngoài ra, địa danh Hòn đảo quỷ Onigashima xuất hiện trong chuyện kể được liên tưởng đến đảo Megijima, thuộc Biển nội địa Seto gần Takamatsu.
Câu chuyện về Momotaro vẫn luôn có sức hấp dẫn đối với người đọc ở mọi lứa tuổi, không chỉ đơn thuần là một câu chuyện giải trí mà còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Hình ảnh Momotaro với sự dũng cảm, lòng trung thành và tinh thần đoàn kết đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận