Maneki Neko: Nguồn gốc ra đời và ý nghĩa của biểu tượng mèo chiêu tài Nhật Bản
Ngày nay, chúng ta dễ bắt gặp những bức tượng Maneki Neko - chú mèo thần tài với cánh tay vẫy vẫy ở khắp mọi nơi, đặc biệt là tại các cơ sở kinh doanh, buôn bán. Vậy biểu tượng may mắn đáng yêu này ra đời như thế nào, ý nghĩa của nó là gì, hãy cùng Kilala tìm hiểu nhé!
Maneki Neko là gì?
Maneki Neko (hay mèo chiêu tài, mèo thần tài) là bức tượng mèo nổi tiếng của Nhật Bản được cho là mang lại may mắn và tài lộc cho chủ nhân. Thường được làm từ gốm, Maneki Neko có hình dạng một chú mèo đuôi cụt với chân trước giơ lên như đang vẫy tay.
Maneki Neko (招き猫) thường được trưng bày cạnh hoặc gần lối vào chính của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, quán bar, tiệm giặt quần áo. như một cách để hút vận may, “kéo” khách hàng vào bên trong.
Lịch sử phát triển và truyền thuyết về sự ra đời của mèo chiêu tài
Do sự phổ biến của Maneki Neko ở các khu phố Tàu, chúng thường bị nhầm lẫn là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, bức tượng này được cho là xuất hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản vào cuối thời kì Edo (1603-1868) hoặc trước đó không lâu, tại một trong ba ngôi chùa Gotokuji, Saihoji hoặc Jishoin. Tất cả đều nằm ở Edo, ngày nay là Tokyo.
Vì chúng có nguồn gốc từ kinh đô mới ở phía đông thay vì từ cố đô Kyoto và khu vực lân cận ở phía Tây nên có thể dự đoán rằng sự hình thành của Maneki Neko là tương đối mới trong lịch sử Nhật Bản. Và mỗi ngôi chùa ở Edo lại có một câu chuyện khác nhau về sự ra đời của chú mèo này.
Tại chùa Gotokuji, truyền thuyết dựa trên câu chuyện của Ii Naotaka
(1590-1659), lãnh chúa samurai của miền Hikone. Khi đi ngang qua
Gotokuji, Naotaka thấy một con mèo đứng trước cổng chùa và vẫy chân
trước như mời gọi ông.
Khi ông vừa bước vào trong thì một cơn giông lớn bất ngờ ập tới. May mắn vì nghe theo chú mèo, ông đã tránh được thiên tai và bảo toàn tính mạng.
Để tỏ lòng biết ơn, vị samurai quyết định quyên góp lâu dài cho ngôi chùa đang gặp khó khăn về tài chính này. Còn chú mèo thì trở thành biểu tượng của Gotokuji và mang lại may mắn cho chùa. Ngày nay, Gotokuji là một địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan "ngôi chùa của mèo chiêu tài".
Bắt đầu từ khi nào và ở đâu, tượng Maneki Neko bằng gốm xuất hiện vẫn là một bí ẩn. Nhưng đến cuối thời Edo, người dân thành thị đã bắt đầu tỏ rõ hứng thú với loại sản phẩm này. Bằng chứng là trong một bức tranh khắc gỗ vào năm 1852 của Utagawa Hiroshige mô tả khu chợ thời Edo, có một gian hàng bán rất nhiều tượng mèo gốm.
Và bức tranh này của danh họa Utagawa cũng liên quan đến một truyền thuyết dân gian thú vị. Gần Asakusa, Tokyo có một câu chuyện được lưu truyền về “Marushime Neko” của Đền Imado, đây là một biến thể của Maneki Neko với dáng ngồi nghiêng và đầu hướng về phía trước.
Năm 1852, một bà lão sống ở Imado nghèo đến mức không thể nuôi chú mèo cưng của mình nữa và buộc phải thả nó đi. Đêm đó, con mèo hiện ra trong giấc mơ của bà và nói: “Nếu bà chủ làm búp bê theo hình ảnh của con, con sẽ mang lại may mắn cho bà”.
Nghe theo lời chú mèo, bà lão làm những bức tượng nhỏ bằng gốm và đến bán trước cổng đền. Mèo đã giữ lời hứa, những bức tượng nhỏ đó nhanh chóng bán rất chạy, cứu bà lão thoát khỏi cảnh bần hàn.
Họa sĩ Utagawa đã minh họa những con mèo này trong tác phẩm khắc gỗ nổi tiếng của ông và đây cũng là hình ảnh lâu đời nhất được biết đến về chú mèo Maneki Neko.
Nhưng những con mèo này trông hơi khác so với phiên bản Maneki Neko ở thế kỷ 21: chúng không ôm đồng tiền vàng. Trông chúng khá giống với tượng Maneki Neko ở chùa Gotokuji ngày nay: đeo một chiếc chuông quanh cổ và được cho là sẽ mang lại may mắn cho chủ nhân.
Đến thời Meiji (1868-1912), người ta đã có thể sản xuất hàng loạt tượng mèo bằng khuôn thạch cao, biến Maneki Neko trở thành một nhân vật nổi tiếng trên toàn quốc. Chiếc chuông quanh cổ mèo được thay thế bằng đồng vàng koban, có lẽ liên quan đến sự thịnh vượng kinh tế ngày càng gia tăng của Nhật Bản.
Những con mèo gốm trước đây vốn trông giống mèo thật hơn là nhân vật hoạt hình. Nhưng vào những năm 50, các nhà sản xuất ở tỉnh Aichi đã dựa theo hình dáng của một loại búp bê địa phương là Okkawa Ningyo để điều chỉnh thành búp bê mèo chiêu tài. Phần đầu của chúng được phóng to bằng với phần thân và đôi mắt cũng to tròn hơn.
Cuối thế kỷ 20, Maneki Neko trở nên phổ biến với những cộng đồng nói tiếng Hoa thông qua Hồng Kông và Đài Loan. Vốn bàn thờ trong các quán trà ở Hồng Kông sẽ thờ các nhân vật trong truyền thuyết như Quan Vũ, nhưng sau đó họ đã trưng bày thêm chú mèo gốm.
Sự bùng nổ của văn hóa đại chúng Nhật Bản trong thời kỳ “Cool Japan” vào những năm 80 - 90 trùng với làn sóng nhập cư lần thứ hai của người Trung Quốc vào Hoa Kỳ, càng đưa Maneki Neko phổ biến trên toàn thế giới. Chúng xuất hiện dưới dạng các nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật, thời trang và thậm chí cả trò chơi điện tử.
Những đặc điểm của Maneki Neko
Về chất liệu
Maneki Neko thường được làm chủ yếu bằng gốm hoặc sứ, mặc dù cũng có những phiên bản giấy bồi, gỗ và nhựa, thậm chí là ngọc bích và vàng.
Với loại làm bằng gốm sứ, các phần riêng lẻ như đầu, thân, bàn chân, cánh tay giơ lên. đều được tạo hình riêng biệt từ đất sét trước khi gắn lại với nhau.
Các đường nét của chú mèo sau đó sẽ được khắc lên trước khi bức tượng được đem đi nung ở nhiệt độ cao. Sau khi nguội sẽ là bước sơn vẽ và hoàn thiện.
Ý nghĩa cái vẫy chân của mèo chiêu tài
Bạn có thể biết nhiều điều về Maneki Neko bằng cách kiểm tra hai chi trước của nó. Có những chú mèo giơ chân trái, chân phải hoặc đôi khi là cả hai, và đây không chỉ là một lựa chọn mang tính nghệ thuật Nhật Bản. Có một ý nghĩa và niềm tin riêng biệt đằng sau từng cử chỉ này.
- Giơ chân phải: Mang lại may mắn và tài lộc.
- Giơ chân trái: Thu hút khách hàng.
- Giơ cả hai chân: Mang đến sự bảo vệ.
Đặc biệt, bàn chân mèo càng giơ cao được cho là sẽ càng “kéo” được nhiều may mắn.
Ý nghĩa của vật Maneki Neko cầm hoặc đeo
Nếu quan sát kỹ các Maneki Neko, bạn sẽ nhận thấy chúng có thể cầm hoặc đeo những đồ vật khác nhau.
- Phụ kiện đeo cổ: Vòng cổ, yếm và chuông đều là những phụ kiện phổ biến cho Maneki Neko. Giống như ngày nay, những con mèo cưng vào thời Edo đều đeo vòng cổ có chuông để chủ nhân dễ dàng biết được vị trí của chúng. Đối với những chiếc yếm, người ta suy đoán rằng chúng có liên quan đến chiếc yếm mà các bức tượng Bồ tát Jizo mặc.
- Đồng tiền vàng: Maneki Neko thường cầm koban, một loại tiền vàng được sử dụng từ thời Edo. Một koban có giá trị bằng một ryo (lượng), đơn vị tiền tệ của Nhật Bản vào thời đó, tương đương khoảng 1.000 USD ở hiện tại. Bạn thậm chí có thể nhìn thấy một con mèo cầm đồng vàng có chữ “千万両” (senbanryo), tức mười triệu ryo.
- Cá chép (cá koi) hoặc một số loại cá khác: Đây được cho là biểu tượng của sự may mắn và giàu có.
- Túi đựng tiền: Tượng trưng cho may mắn, giàu sang.
- Đá cẩm thạch hoặc đá quý: Tượng trưng cho sự khôn ngoan, giàu có.
- Quạt hoặc trống: Cả hai vật này đều tượng trưng cho may mắn trong công việc làm ăn. Đặc biệt, chiếc trống là biểu tượng của một cửa hàng luôn đông khách.
- Hồ lô (hyotan): Xua đuổi điều xấu và thu hút may mắn.
Ý nghĩa màu sắc của Maneki Neko
Mặc dù thường được bắt gặp nhiều nhất ở dạng mèo tam thể, sau nhiều năm, với sự kết hợp của yếu tố phong thủy, các biến thể màu sắc khác nhau đã ra đời. Giống như cử chỉ và vật đi kèm, mỗi màu sắc của mèo chiêu tài lại gắn liền với một loại may mắn khác nhau.
- Màu trắng: Tích cực và thuần khiết
- Đen: Bảo vệ khỏi cái ác
- Vàng: Sự giàu có và thịnh vượng
- Đỏ: Hôn nhân, tình yêu và các vấn đề cá nhân
- Xanh lá: Giáo dục và y tế
- Xanh lam: Trí tuệ và thành công
- Hồng: Tình yêu và sự lãng mạn
- Vàng: Sự ổn định, sức khỏe và các mối quan hệ
Ngày kỷ niệm Maneki Neko tại Nhật Bản
Ngày 29/09 được chọn là "Maneki Neko no Hi" (Ngày Maneki Neko) ở đất nước mặt trời mọc. Ngày này được chỉ định vào năm 1995 bởi Hiệp hội Maneki Neko Nhật Bản - một nhóm những người yêu thích chú mèo vẫy tay này.
Sở dĩ ngày 29/09 được chọn là do cách chơi chữ: Trong tiếng Nhật, số 9 có thể được đọc là "ku" và số 2 có thể đọc là "fu", vì vậy 29/09 đại diện cho cụm từ “来る福 - kuru fuku), có nghĩa là "may mắn, đến đây".
Hằng năm vào ngày này ở Nhật Bản, các sự kiện liên quan đến Maneki Neko sẽ được tổ chức trên khắp cả nước. Trong số những sự kiện đó, nổi bật với quy mô tương đối lớn là sự kiện ở thành phố Seto, tỉnh Aichi và Lễ hội Kurufuku Maneki Neko tại thành phố Ise, tỉnh Mie.
Cách đặt mèo thần tài như thế nào?
Đối với các cơ sở kinh doanh, cửa hàng và văn phòng, nên trưng bày Maneki Neko tại khu vực lối vào, nơi tất cả những ai bước vào đều có thể nhìn thấy. Nếu không thể đặt ở vị trí như vậy, Maneki Neko phải được đặt ở khu vực phía Đông Bắc của văn phòng hoặc cửa hàng.
Còn đối với những ai trưng bày Maneki Neko trong nhà, bức tượng phải được đặt ở góc Đông Nam, nơi theo truyền thống gắn liền với tài lộc. Đối với những người có văn phòng tại nhà, Maneki Neko phải được đặt càng gần văn phòng càng tốt, tốt nhất là ở góc Đông Nam.
Mua mèo thần tài ở đâu?
Ngày nay, không khó để tìm mua mèo Maneki Neko, ngay cả tại Việt Nam cũng có nhiều cửa hàng nhập và bán tượng mèo chiêu tài. Còn nếu có dịp đến Nhật Bản, bạn sẽ thấy Maneki Neko được bán rộng rãi khắp nơi, từ các cửa hàng lưu niệm, đền chùa, trung tâm hoặc phố mua sắm.
Giá của mỗi bức tượng mèo dao động từ vài trăm đến hàng triệu đồng hoặc hơn, tùy thuộc vào chất liệu và độ tinh xảo của chúng.
Đến Nhật Bản tìm Maneki Neko
Nếu yêu thích những chú mèo vẫy tay xinh xắn này, sẽ có một số địa điểm bạn không nên bỏ lỡ khi đặt chân đến Nhật Bản.
Chùa Gotokuji
Như đã nhắc đến ở trên, chùa Gotokuji nằm ở phường Setagaya, phía Tây Nam Shibuya của Tokyo được xem là nơi khai sinh ra chú mèo chiêu tài.
Đến Gotokuji, bạn có thể mua tượng Maneki Neko đủ mọi kích thước, cầu nguyện và sau đó để tượng lại chùa. Có một khu vực chỉ định dành riêng cho những bức tượng như vậy, tại đây, hàng ngàn chú mèo Maneki Neko được đặt san sát nhau, tạo nên khung cảnh vô cùng ấn tượng.
Bên cạnh đó, cũng có người chọn mang Maneki Neko về nhà và đem nó trở lại chùa khi mong ước của họ đã được hoàn thành.
Thành phố Tokoname
Tokoname ở tỉnh Aichi là quê hương của dòng gốm Tokoname-yaki nổi tiếng, có lịch sử từ thế kỷ 12. Mặc dù các thợ gốm địa phương chế tác đủ loại đồ gốm, Tokoname vẫn là khu vực sản xuất Maneki Neko số một ở Nhật Bản.
Tại đây, những chú mèo may mắn có mặt khắp thành phố, đặc biệt là dọc theo Phố Tokoname Maneki Neko Dori - nơi có khoảng 40 tác phẩm điêu khắc mèo chiêu tài, và Khu mua sắm trung tâm Tokoname.
Bảo tàng Maneki Neko
Tọa lạc tại thành phố Seto, tỉnh Aichi, Bảo tàng Maneki Neko trưng bày khoảng 5.000 chú mèo chiêu tài đủ kích thước, hình dáng đến từ khắp nước Nhật. Trên thực tế, Seto chính là khu vực đầu tiên ở Nhật Bản sản xuất hàng loạt tượng Maneki Neko.
Bảo tàng Nghệ thuật Maneki Neko ở Okayama cũng là “ngôi nhà” của 700 bức tượng mèo gốm được thu thập từ khắp cả nước. Du khách có thể cầu nguyện và vẽ Maneki Neko của riêng mình tại đây.
Tạm kết
Bắt nguồn từ Nhật Bản, chú mèo Maneki Neko đã "chu du" muôn nơi, góp phần lan tỏa văn hóa xứ Phù Tang đến với thế giới. Và không chỉ có chú mèo vẫy tay này, người Nhật còn sở hữu rất nhiều biểu tượng may mắn khác như chiếc bùa hộ mệnh Omamori, búp bê Nhật Bản Daruma hay cờ cá chép Koinobori với nguồn gốc và ý nghĩa cũng thú vị không kém!
kilala.vn
19/09/2023
Bài: kirin
Đăng nhập tài khoản để bình luận