Lễ hội Gà trống - Tori no Ichi
Thông thường trong một tháng có 3 ngày được gọi là ngày Dậu, gồm ngày Dậu đầu tiên, ngày Dậu thứ hai và Ngày Dậu thứ ba. Tuy nhiên, nếu ngày Dậu đầu tiên rơi vào ngày đầu tiên của tháng 10 âm lịch thì tháng đó sẽ có 3 ngày Dậu. Nhưng nếu rơi vào khoảng ngày 10 thì tháng đó chỉ có 2 ngày Dậu. Theo dân gian, những năm có ngày Dậu thứ 3 là những năm dễ xảy ra hoả hoạn.
Hiện nay, do Nhật Bản không còn sử dụng âm lịch nên hầu hết các lễ hội được tổ chức theo dương lịch. Vì vậy, Tori no ichi cũng được tổ chức vào các ngày Dậu tháng 11 (tương đương tháng 10 âm lịch). Năm 2023, lễ hội sẽ diễn ra vào ngày 11/11.
Gà trống trong văn hóa Nhật Bản
Trong tiếng Nhật, con gà được gọi là Niwatori (鶏), thuộc họ Điểu-Tori (鳥). Truyền thuyết Nhật Bản kể rằng, tổ tiên của dân tộc - Nữ thần Mặt Trời Amaterasu vì tức giận hành động ngang ngược của người em trai là Thần Bão tố Susano nên đã lánh vào hang động, khiến dương gian chìm trong bóng tối. Các vị thần đã cho những con gà trống khỏe nhất đậu trên các thanh gỗ bắc thành những cây sào, cất tiếng gáy vang với hy vọng nữ thần khi nghe tiếng gà gáy sẽ ló dạng như thói quen của bà khi bình minh đến. Quả nhiên, nữ thần Amaterasu đã ra khỏi hang, mang lại ánh sáng ấm áp cho trần thế.
Chính vì vậy, ở Nhật Bản, gà trống là một biểu tượng linh thiêng, gắn liền với các câu chuyện thần thoại mang đậm nét đặc trưng của tín ngưỡng bản địa. Thanh sào mà gà trống đậu lên chính là nguồn gốc của chiếc cổng Torii (鳥居), biểu tượng ngăn cách hai thế giới linh thiêng và phàm tục trong Thần đạo.
Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, gà trống còn là sứ giả cảnh báo thời điểm dễ xảy ra hỏa hoạn. Trong thực tế, vào cuối tháng 11, tiết trời trở nên lạnh hơn khiến nhu cầu sử dụng lửa tăng lên. Vì vậy, khả năng xảy ra hỏa hoạn là rất cao. Do đó, tiếng gà gáy trong những ngày này như một thông điệp của thần linh nhắc nhở con người phải cẩn thận với lửa.
Lễ hội Gà trống – Tori no Ichi (酉の市)
Tori (酉) trong “Tori no Ichi” cũng có nghĩa là con gà nhưng được viết theo chữ Hán, tương đương với Dậu, con giáp thứ 10 trong 12 con giáp theo cung Hoàng đạo của văn hóa Trung Hoa.
Trước đây, lễ hội được gọi là Tori no Machi (酉のまち) và một số tên khác như Otori – Matsuri(大酉祭), hay Otorisama (お酉様). Ban đầu, lễ hội được tổ chức tại các đền thờ Otori Jinja (鷲神社 ) như một nghi lễ nông nghiệp với ý nghĩa tạ ơn thần linh đã ban cho nhà nông một mùa bội thu. Trong dịp này, người nông dân dùng gà trống như vật tế cảm tạ thần linh. Về sau, vào thời Edo (1600-1868), Tori no Machi được đổi tên thành Tori no Ichi với ý nghĩa cầu mong sự bình an trong cuộc sống và với sự sung túc, thịnh vượng trong kinh doanh.
Ngày nay, đền Otori ở quận Taito-Asakusa, đền Hanazono ở Shinjuku, đền Kitano ở Nakano và đền Ebara ở Shinagawa.là những nơi tổ chức Tori no Ichi được nhiều người biết đến. Đặc biệt, Tori no Ichi được tổ chức tại đền Hanazono ở Shinjuku còn mang ý nghĩa tưởng niệm vị anh hùng thời cổ đại Yamato Takeru. Theo truyền thuyết, trên đường đi trấn giữ biên giới phía Đông, ông đã dừng chân tại Hanazono để cầu thắng trận. Để tưởng nhớ kỷ niệm này, các ngày Dậu trong tháng 11 cũng được chọn làm ngày tưởng nhớ đến ông.
Cây cào may mắn – Engi Kumade (縁起熊手 )
Trong những ngày diễn ra lễ hội, du khách đến các gian hàng xung quanh đền thờ để thưởng thức những món ăn đặc trưng, tốt cho sức khỏe như bánh dày nướng Kogane, khoai môn hấp Kashira Imo. Tuy nhiên, sẽ là một thiếu sót nếu du khách bỏ qua những gian hàng bày bán các cây cào may mắn - Engi Kumade, một biểu tượng của sự bình an và sung túc. Cào được xem là một nông cụ không thể thiếu của người nông dân trong công việc đồng áng. Đồng thời, Kumade cũng mô phỏng hình dáng chiếc móng nhọn của loài chim ưng và loài gà. Do đó, khi đến với Tori no Ichi, người Nhật thường mua cây cào làm bằng tre Kumade mang về trưng bày trong nhà hoặc trong công ty với niềm tin trong năm tiếp theo sẽ gặt hái được nhiều tiền tài và phúc lộc trong cuộc sống, đặc biệt là trong kinh doanh.
Trên Kumade có gắn nhiều vật trang trí có ý nghĩa cầu lộc, cầu tài. Nổi bật nhất là mặt nạ Otafuku - biểu tượng của niềm vui và may mắn; chú mèo thần tài Maneki Neko; chim hạc Tsuru và rùa Kame- biểu tượng của sự trường thọ; thuyền châu báu Takurabune và nhiều thẻ bài ghi những câu chúc tụng cầu mong tài lộc. Kumade thường được đặt ở những vị trí cao và trang trọng hướng ra cổng hoặc lối đi vào. Có khi Kumade cũng được đặt ở bàn thờ Kamidana như một vật trang trí chào đón một năm mới sắp đến.
Đặc biệt, người mua có thể trả giá để mua được Kumade với giá rẻ. Sang năm sau, bạn có thể mang Kumade của năm ngoái đến đổi và mua một Kumade lớn hơn để thay thế. Vì đây là vật may mắn gắn liền với kinh doanh nên người Nhật tin rằng nếu năm nay có thể mua Kumade lớn hơn năm ngoái, nghĩa là kinh doanh năm nay tốt hơn năm trước và sẽ ngày càng phát triển.
Nếu có dịp sang Tokyo vào tháng 11, ngoài việc thưởng thức khung cảnh mùa thu tuyệt đẹp, du khách đừng quên hòa mình trong bầu không khí vui tươi và phấn chấn mà lễ hội Tori no Ichi mang lại để trải nghiệm thêm một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của quốc gia này.
Kim Oanh / kilala.vn
17/11/2015
Bài: Kim Oanh / Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận