Kumiko - khéo léo đến từng chi tiết

    Những căn phòng kiểu truyền thống Nhật Bản thường dùng một loại cửa trượt gọi là Shoji. Nét độc đáo của các cánh cửa trượt Shoji này chính là một đặc trưng trong nghệ thuật kiến trúc của Nhật. Và một phần quan trọng để cấu thành Shoji chính là bộ khung cửa Kumiko.

    Kumiko là gì?

    Kumiko (組子) là tên gọi của những khung gỗ trên cửa Shoji, thường được dùng cho các căn phòng kiểu truyền thống Nhật Bản. Mỗi khung Kumiko có kích thước từ 6 - 10mm và không có họa tiết chuẩn nào cho Kumiko. Người thợ thủ công có thể tạo nên muôn vàn họa tiết khác nhau cho Kumiko tùy theo phong cách và sự khéo tay của họ.

    Các mảnh gỗ mỏng được tạo rãnh, đục lỗ và làm mộng, sau đó lắp riêng bằng cưa, đục và các công cụ khác nên không phải gỗ nào cũng có thể dùng để chế tạo Kumiko. Thông thường, Kumiko được làm từ loại gỗ lá kim, bao gồm gỗ tuyết tùng Canada, gỗ cây bách Nhật Bản, tuyết tùng Nhật Bản, Kiso Cypress, tuyết tùng Akita và tuyết tùng Jindei. Sở dĩ gỗ của những loại cây này được ưa chuộng là vì chúng là cây mọc thẳng, gỗ mịn và chất lượng cao.

    kumiko là gì
    Ảnh: tanihata.co.jp.

    Kỹ thuật chế tạo Kumiko

    Cấu tạo của Shoji được hình thành dựa trên tiêu chí tối thiểu nguyên vật liệu. Mỗi Soji chỉ được làm từ 2 nguyên liệu chính là: kumiko bằng gỗ và giấy washi. Việc thiết kế Kumiko như thế nào để tối ưu hóa vai trò của nó cũng là một nghệ thuật.

    Theo thông tin của Tanihata Co. - 1 công ty làm gỗ ở tỉnh Toyama, kỹ thuật điêu khắc làm khung gỗ Kumiko được phát triển từ thời Asuka (khoảng năm 600 - 700). Vào thời điểm đó, người ta dùng kỹ thuật này để tạo khung cho cửa lùa, ngăn phòng hoặc dùng làm Ramma (những mảnh gỗ trang trí phần trên cửa ra vào trong nhà truyền thống Nhật).

    Những người thợ thủ công phải nắm chắc kiến thức về các loại gỗ bao gồm chất gỗ và cả mùi gỗ. Sau khi chọn được loại gỗ phù hợp, người thợ sẽ tạo khung cho gỗ. Hàng trăm miếng gỗ sau khi tạo khung sẽ được cắt thành từng mảnh mỏng và tiến hành làm trơn láng bằng những dụng cụ mài. Đặc biệt, những mảnh gỗ này được cắt chính xác đến 1/1000mm để thống nhất về mặt kích thước và lắp ghép được. Sau đó, hàng trăm mảnh gỗ này sẽ được lắp ráp cẩn thận vào khung lớn.

    Mặc dù nghệ nhân có thể thỏa sức sáng tạo nhưng các mẫu họa tiết cho Kumiko không phải chọn tùy ý mà là theo khuôn mẫu định sẵn. Thực tế, khoảng 200 mẫu họa tiết cho Kumiko được sử dụng đến ngày nay đã có từ thời Edo. Mỗi mẫu họa tiết đều có ý nghĩa riêng hoặc là mô phỏng theo những chi tiết có trong tự nhiên với ngụ ý cầu mong điềm lành. Hơn nữa, những thiết kế Kumiko này không chỉ đẹp mà còn được phải đáp ứng được nhu cầu lấy sáng và thông gió tốt.

    Một số thiết kế Kumiko

    Thiết kế Shippou: theo Phật giáo, shippou đại diện cho một bộ châu báu gồm: vàng, bạc, ngọc lưu ly, thạch anh, san hô và mã não. Với thiết kế những hình tròn đan xen vào nhau, shippou đại diện cho sự hòa hợp.

    thiết kế họa tiết Kumiko
    Ảnh: kofukan.jp.

    Thiết kế Goma: lấy cảm hứng từ hoa mè - đại diện cho sự trường thọ. Thiết kế goma thường được dùng cho trong các ramma.

    thiết kế goma
    Ảnh: tanihata.co.jp.

    Thiết kế Sanjyu-hifu: các đường gỗ đan chéo nhau tạo thành các hình thoi lớn nhỏ khác nhau. Họa tiết này mô phỏng lại sự tươi tốt của cây trồng với mong muốn mang đến điềm lành, sức khỏe và sự thịnh vượng. Do đó loại họa tiết này thường được sử dụng trong các khách sạn và sảnh cưới.

    thiết kế sanjyu-hifu
    Ảnh: team yellow.

    Thiết kế Asanoha: họa tiết mô phỏng lá cây gai dầu. Gai dầu vốn là loài cây sinh trưởng nhanh chóng, cây mọc thẳng đứng, có sức sống mạnh mẽ. Vậy nên loại họa tiết này được dùng khá phổ biến.

    thiết kế asanoha
    Ảnh: heartwoodcreative.com.au.

    Ngày nay, ngoài ứng dụng Kumiko vào các khung cửa Shoji hay các Ramma cho gian phòng truyền thống, Kumiko còn được dùng làm khung đèn, hay thậm chí là mặt ghế, mặt cửa kéo của tủ gỗ. Qua thời gian, Kumiko đã trở thành một yếu tố tồn tại song hành cùng sự phát triển của đời sống con người Nhật Bản.

    kilala.vn

    06/04/2020

    Bài: Aki Kanou

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!