KOICHI SHIMIZU: tự học bằng chính sự tôi luyện

    Koichi Shimizu là nghệ sĩ âm thanh và đa phương tiện, đồng thời cũng là nhà tổ chức sự kiện, hiện sinh sống tại Bangkok, Thái Lan. Sinh năm 1972 tại Nhật, học ngành kĩ sư âm thanh tại New York từ 1991-1993. Shimizu chuyển đến Bangkok vào năm 2003. Lĩnh vực hoạt động của Shimizu rất đa dạng, bao gồm sáng tác nhạc, thiết kế âm thanh cho phim/ quảng cáo truyền hình, sắp đặt nghệ thuật đa phương tiện, trình diễn. Anh hiện điều hành hãng thu âm độc lập SO::ON Dry FLOWER từ 2003.

    Với vai trò là kỹ sư âm thanh và người soạn nhạc cho phim, Shimizu đã làm việc với 3 đạo diễn là Pen-ek Ratanaruang, Apichatpong Weerasethakul and Aditya Assarat. Hai phim Shimizu làm việc với Apichatpong là Syndromes and A Century và Uncle Boonmee who can recall his past lives (Cành Cọ Vàng 2010 tại LHP Cannes). Anh đoạt giải Nhạc Sĩ Xuất Sắc cho phim Nymph (đạo diễn Pen-ek) tại LHP Quốc Tế Dubai 2010)

    Anh sẽ mô tả bản thân ra sao – một nhạc sĩ/nghệ sĩ lấn sân sang lĩnh vực tổ chức? một người thái gốc nhật, hay một nghệ sĩ toàn cầu, không màng đến ranh giới địa lý? hay một nghệ sĩ “cuồng” nhạc thể nghiệm tình cờ sinh sống tại bangkok 10 năm qua và tạo lập một tên tuổi riêng cho mình tại đó?

    (Cười) Cứ gọi tôi là một nghệ sĩ kiêm nhà sản xuất người Nhật điều hành SO::ON Dry FLOWER, một tập thể yêu âm nhạc tại Bangkok, Thái Lan.

    Được biết anh đã từng theo học ngành âm thanh (sound engineering) trước đây. Thực tế này có vai trò như thế nào đối với các hoạt động âm nhạc anh đang theo đuổi tại Thái Lan ngày nay? Anh có từng theo khóa đào tạo âm nhạc chính quy nào hay chưa?

    Thú thật tôi gần như không còn nhớ những gì đã học từ trường lớp, vì tôi hoàn toàn không phải là một học viên giỏi giang gì cả. Tôi chỉ nhớ được học những kiến thức hết sức cơ bản. Còn ngày hôm nay, tôi có được hoàn toàn nhờ vào việc tự học, tự phạm sai lầm và hoàn thiện. Tôi chưa từng theo học một khóa đào tạo chính quy nào cả về âm nhạc, lẫn sản xuất âm thanh, mà học trực tiếp từ bạn bè xung quanh, đặc biệt là cách sử dụng các phần mềm như Max/MSP. Do đó, dù tôi sáng tác hay sản xuất bất cứ thứ âm thanh nào, thể nghiệm hay âm thanh của các nhóm nhạc độc lập mà tôi tham gia, chúng hoàn toàn tự học bằng chính sự tôi luyện mà thôi.

    Khán giả trung thành của anh tại Bangkok bao gồm những ai? Người Thái, người Nhật sống ở Thái, du khách nước ngoài, và có chăng cả những người cuồng văn hóa Nhật?

    Họ là người nghe nhạc sống tại Bangkok, là fan của nhạc độc lập, phá cách. Đôi khi cũng có cả người nước ngoài và người Nhật muốn tìm kiếm sự mới mẻ, nhưng điều này còn tùy thuộc vào nghệ sĩ nào đang đứng trên sân khấu ngày hôm đó. Tôi cũng từng gặp gỡ các khán giả bay sang từ Singapore, Malaysia, v.v để xem chương trình chúng tôi tổ chức.

    Tôi không bao giờ có chủ đích thực hiện các chương trình thuần tính giao lưu văn hóa Nhật – Thái hay các thể loại tương tự, mà tôi muốn chúng diễn ra một cách tự nhiên. Do vậy, tôi không nghĩ đã thu hút được các khán giả “cuồng nhật”, trừ phi đó là các chương trình hòa nhạc quy mô lớn cho các nhóm nhạc tên tuổi như Toe, MONO (PV: ban nhạc MONO được rất nhiều khán giả Việt yêu thích đã đến Bangkok trình diễn trong năm 2013, lần thứ 2)
    Sự đón nhận và hỗ trợ anh nhận được từ cộng đồng người Nhật sống tại Thái Lan như thế nào? Japan Foundation tại Thái Lan có rất nhiều hoạt động thú vị và liên kết đa dạng trong đời sống xã hội, theo quan sát của chúng tôi, chẳng hạn bộ phim Last Life in the Universe nổi tiếng được dựa trên nguyên mẫu một quản thư làm việc tại Japan Foundation. Vậy họ giúp đỡ các chương trình do anh, một người Nhật, tổ chức ra sao?
    Thật sự thì chúng tôi không nhận được bất cứ hỗ trợ về tài chính nào từ Japan Foundation, bởi tiêu chí hoạt động của họ nhắm đến các tổ chức phi lợi nhuận và các hoạt động thuần tính nghệ thuật. Tuy nhiên, họ lại nhiệt tình hỗ trợ trong quảng bá, chẳng hạn đặt poster tại trụ sở văn phòng và phổ biến thông tin về các chương trình của chúng tôi đến cho người Nhật sinh sống tại Bangkok. Riêng về mình, như bạn đã chỉ ra, Japan Foundation đã và vẫn luôn mang đến rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa như triển lãm nghệ thuật, chiếu phim, và đồng thời mang nhiều nghệ sĩ đặc sắc đến Bangkok.
    Nhìn chung, có một ranh giới rõ rệt giữa những hoạt động chúng tôi ở SO::ON Dry FLOWER (PV: hãng thu âm và nhà tổ chức do Koichi thành lập) đang thực hiện và những hoạt động do Japan Foundation tổ chức. Những gì SODF thực hiện không hoàn toàn mang tính văn hóa, và rất khó lòng tiến hành nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ các công ty, tập đoàn thương mại (như thế đồng nghĩa với việc chúng tôi không thể nhận tài trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận như Japan Foundation). Tuy nhiên, tôi luôn muốn thiết lập một mối quan hệ hữu hảo với họ và hy vọng rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ có thể hợp tác với nhau.

    Sol art Space là một venue nghệ thuật thuộc SODF. Vì sao anh lại lập ra riêng cho mình một không gian nghệ thuật như vậy? có phải vì sự khan hiếm vốn có của loại hình âm nhạc anh theo đuổi, hay chỉ vì anh cần một không gia cho riêng mình?
    SOL quả thật là “đất nhà” cho các hoạt động của SODF, thế nhưng về cơ bản SOL là không gian nghệ thuật dành cho tất cả mọi người muốn sử dụng nó vào đúng mục đích. Tôi đã muốn có một không gian dành riêng để khai phá các ý tưởng sáng tạo (trong âm nhạc) mà không luôn phải tìm kiếm một địa điểm khác. SOL là không gian nghệ thuật đa năng, không chỉ dành riêng cho các buổi hòa nhạc, mà còn có thể quay video, thể nghiệm âm thanh, ghi âm, v.v

    Là nhà tổ chức sự kiện, anh có vấp phải sự cạnh tranh (nếu có) từ các trào lưu âm nhạc đa dạng và phân cắt khác tại Thái Lan hay không?
    Tại đây có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các label và nhà tổ chức, nhưng chỉ ở mức độ cá nhân, và thực ra mà nói nó càng khuyến khích để tôi cố gắng làm ngày một tốt hơn. Hầu hết họ đều là bạn bè của tôi. Nhìn chung, bối cảnh nhạc live tại Thái Lan đã rất khởi sắc từ năm ngoái (2012). Ngày càng có nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc thú vị đặt chân đến Bangkok để biểu diễn, và những người trẻ đã bắt đầu đứng ra tổ chức sự kiện hay party cho riêng mình.

    Tôi cũng được biết rằng có không ít người chơi nhạc thể nghiệm tại Thái Lan mà anh hợp tác (chẳng hạn nhóm nhạc Thái-Nhật Destkop Error anh tham gia) xuất thân từ gia đình trung lưu hoặc khá giả. Điều này theo anh có phản ảnh sự thiên lệch và ưu đãi từ phía người được tiếp xúc với thứ âm nhạc vốn không đặc thù dành riêng cho họ, điều dường như vẫn phổ biến tại các quốc gia khác không thuộc Mỹ, Châu âu và Nhật bản?
    Thế này, không phải tất cả bọn họ đều xuất thân giàu có, nhưng điều đó quả thật xảy ra. Ở các nơi như Nhật hay Mỹ, ta có thể làm việc bán thời gian (part time) để chu cấp việc trở thành nghệ sĩ nhưng rất khó được như thế tại Thái Lan. Hoặc người đó phải có công việc 8 giờ/ngày (và như thế sẽ ngốn sạch thời gian cho việc khác) hoặc họ có sự hậu thuẫn từ chính gia đình để làm việc họ hằng yêu thích. Họ cũng có thể chọn trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng buộc phải sáng tác ra một bản hit, điều cực kỳ khó khăn khi chọn chơi nhạc phi thương mại. Hơn nữa, nhạc indie tại Thái vẫn rất cô biệt và khó tìm được sự hưởng ứng từ các nơi khác để đi tour ra khỏi Bangkok. Các bạn trẻ vẫn có thể sáng tác ra album và nổi tiếng trên Facebook hay Youtube, nhưng vẫn không có đủ điều kiện lẫn môi trường để duy trì đam mê của họ.
    Trở lại với cộng đồng nhạc thể nghiệm, không có nhiều các cá nhân như thế và nếu có hầu hết cũng chỉ là các dự án cá nhân. Nhiều người trong số họ là những nhạc sĩ thật sự tài năng và chơi trong một ban nhạc hẳn hòi. Số khác đến từ môi trường hàn lâm, và số khác có gia đình khá giả. Làm và chơi nhạc thể nghiệm để kiếm sống tại một quốc gia như Thái Lan gần như không thể. Tôi rất vui khi chứng kiến một số nghệ sĩ vẫn theo đuổi con đường của mình trong hoàn cảnh như thế, khi những gì họ thực hiện sẽ không gặt hái được thành quả tức thời. Hẳn họ đã tìm ra được ý nghĩa cho riêng mình để tiếp tục duy trì nó.

    Rời khỏi Bangkok, Thái lan, dường như trào lưu thể nghiệm tại các quốc gia Đông Nam Á khác, trừ Singapore, vẫn giữ một khoảng cách nào đó với nhau? Nguyên nhân theo anh là vì sao?
    Tôi đồ rằng do chính các nghệ sĩ. Tại Mỹ, Nhật, Singapore, họ có những nghệ sĩ thể nghiệm nhiệt huyết sẵn lòng lên đường đi lưu diễn vòng quanh thế giới và mở rộng các mối quan hệ. Trào lưu chỉ có thể phát triển khi tồn tại những nghệ sĩ như thế. Tôi có thể đưa ra một ví dụ, trào lưu phim độc lập tại Thái Lan đã trở nên nhộn nhịp hơn sau thành công ở phạm vi quốc tế của đạo diễn Apichatpong (PV: Apichatpong Weerasethakul, một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất thế giới đến từ Đông Nam Á, đã đoạt nhiều giả Nhành cọ vàng và Sư tử Vàng). Apichatpong khuyến khích các học viên điện ảnh đứng ra tự thực hiện tác phẩm của mình và tham gia vào các liên hoan phim.

    Khi lưu diễn tại Nhật, quê hương anh, công chúng đón nhận âm nhạc của Desktop Error như thế nào? Anh vẫn còn giữ liên lạc với những diễn biến và những nhân vật trong giới âm nhạc Nhật, hay anh chỉ giữ lại những mối quen biết cá nhân và không bận tâm đến Nhật Bản?
    Desktop Error đã tạo ấn tượng rất tốt với khán giả Nhật, khẳng định được rằng nhạc Thái vẫn có thể “wow” khán giả dù họ không hề hiểu tiếng Thái. Tôi cũng rất thỏa mãn khi trình diễn tác phẩm của mình tại Tokyo, điều mà tôi chưa từng làm 10 năm qua, thật đáng khích lệ.
    Tôi cũng có theo dõi những gì xảy ra tại Nhật qua internet, nhưng cũng không thật toàn tâm toàn ý với nó. Tôi chia sẻ quan điểm với Takashi Kizawa (PV: tức Numb, nghệ sĩ Nhật đã trình diễn tại Tp.HCM cuối năm nay, 2013) rằng chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều mình thích, dù sống tại hai đất nước khác nhau (và cũng vì vậy, chúng tôi lại có gấp đôi cơ hội được gặp gỡ những người chia sẻ cùng một đam mê). Do đó với cá nhân tôi, sống ở đâu không quan trọng cho bằng chúng ta đang làm những gì ở đó.

    Anh sẽ nói gì về bối cảnh underground tại Nhật  cách đây 20 năm và bối cảnh hiện tại? Ai là những người hùng trong âm nhạc của anh? Và từ đó anh đã làm gì để có được như ngày hôm nay?
    Tôi không biết ngày nay mọi thứ thực sự diễn ra tại Nhật như thế nào vì tôi không còn ở đó nữa, nhưng tôi đoán rằng nó đã trở nên chia cắt rất nhiều, và mọi người cập nhật với nhau chỉ qua internet mà ít có sự gặp gỡ trực tiếp hơn trước kia. Khi còn sống ở Tokyo khoảng năm 2000, tôi hãy còn rất hào hứng khi tham gia vào bối cảnh underground khi đó, và có lẽ đó cũng chính là thế hệ cuối cùng còn chú trọng đến sự giao tiếp, chia sẻ kinh nghiệm “con người” nhất. Có rất nhiều cửa hàng bán đĩa và bọn tôi đến đó để gặp nhau, chia sẻ thông tin và chơi demo cho nhau nghe. Có nhiều hãng đĩa do người trẻ đứng ra hoạt động, và họ tổ chức những buổi diễn cho riêng mình, với mong muốn mọi thứ càng lúc càng sôi nổi, đông đúc hơn!

    Những người hùng âm nhạc của tôi khi đó chính là những nghệ sĩ đã tạo lập được tên tuổi ở nước ngoài (ngoài Nhật Bản), đặc biệt là DJ Krush huyền thoại. Numb cũng là người hùng của tôi, vì tôi học được rất nhiều điều thú vị từ anh ấy.
    Trong nhiều năm (sau đó), tôi bị mất phương hướng trong sáng tác. Tôi trở nên quá bận bịu và không thể nào sáng tác nhạc đúng với con người của mình. Tôi vẫn còn đó đam mê, nhưng không tài nào hình dung ra được ai sẽ là người thưởng thức. Numb luôn khuyến khích tôi thực hiện album cho riêng mình, bảo tôi chớ bận tâm suy nghĩ những điều không cần thiết, mà cứ bắt tay vào thực hiện. Cuối cùng, sau 10 năm, từ khi tôi đặt chân đến Bangkok, giấc mơ kia đã gần thành hiện thực (tất nhiên là trừ việc phát hành album cho riêng mình (cười)

    Là một người Nhật, anh nghĩ như thế nào về chất “Nhật” trong âm nhạc và các hoạt động sáng tạo mà anh theo đuổi? Có thể ví như các tác phẩm của nhà văn Haruki Murakami, dù được xem là rất Tây nhưng vẫn có một chất “Nhật” không thể lẫn vào đâu được? Đặt nó trong bối cảnh sáng tác với các nghệ sĩ người Thái, một cốt cách Thái?
    Ý thức về bản tính Nhật của tôi càng lúc càng thưa dần. Tôi thích tự do và không mang cảm giác phụ thuộc vào một nơi nào cả. Nhưng cũng có đó những khác biệt về cách làm việc và nhiều thứ khác nữa mà tôi thấy rõ giữa tôi và những người bạn Thái Lan. Chúng ta đều là người Châu Á, do đó tôi tin rằng chúng ta có cùng một thôi thúc về sáng tác, dù đó là âm nhạc hay là nghệ thuật, nhưng quá trình lại khác nhau. Người Thái rất biết cách tận hưởng những gì họ thực hiện, hoàn toàn vô tư và thích đùa vui; làm theo cảm hứng chứ không gây áp lực lên bản thân. Tôi quan sát thấy nhiều nghệ sĩ Nhật sáng tác ra những tuyệt tác, nhưng chỉ sau khi đã giày vò bản thân với quá nhiều mâu thuẫn và đau đớn. Đó là khác biệt về lối sống và văn hóa của 2 quốc gia, dù hết sức tự nhiên khi mọi thứ đều có ưu và khuyết tùy theo cách chúng ta nhìn nhận. Tôi thích kết hợp những khác biệt đó vào trong tác phẩm hợp tác với những người bạn Thái, nhưng hoàn toàn không gượng ép.

    Làm thế nào anh duy trì và cân bằng đam mê trong những gì mình đang làm? Trong một sự cam kết gắn bó dài đến 10 năm, đam mê ấy hẳn đã biến thành sự “nghiện ngập” cũng nên.
    Tôi đã làm những gì đang làm nhiều năm, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn và đôi khi buộc phải chấp nhận rủi ro để giữ cho mọi thứ được tiến triển. Tôi cho rằng những gì mình làm là một thách thức, dù không biết sẽ đạt được điều gì nhưng nó giúp tôi tiến về phía trước. Đam mê, đôi khi nữa là trách nhiệm duy trì bối cảnh nhạc độc lập nhỏ nhoi này luôn sống động chính là động lực của tôi. Đôi lúc tôi mất rất nhiều tiền vào việc tổ chức và cảm thấy thất vọng, nhưng tôi lại tiếp tục làm. Có lẽ như bạn nói ở trên, tôi nghiện nó rồi.

    Giới thiệu bộ phim Syndromes and A Century

    Phim như một trong những cách thu giữ kí ức, hay phim chính đã là kí ức. Và đó là kí ức không phải của ai khác ngoài chính người tác giả. Trong Syndromes and A Century, Apichatpong đã làm sống lại những kí ức thơ ấu khi sống với ba mẹ ở một căn nhà nhỏ trong khuôn viên bệnh viện. Nhịp phim được vận hành chậm rãi như sự tìm kiếm nội tâm e thẹn và cấu trúc phim được xoay vòng như ý niệm về sự chuyển động đa chiều của kí ức. Những ý chuyện vụn vặt và những hình ảnh nguyên thủy nối tiếp được kết nối, không phải bởi một nội dung có thể mô tả theo kiểu câu chuyện tự sự, mà bởi sự tồn tại liên tục và mập mờ của không gian và thời gian, của cái có thể thấy và cái không được thấy, của ý thức và tiềm thức.

    01/01/2015

    Thực hiện: Du Lê

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!