Kodama - Mộc Linh của người Nhật

    Theo quan niệm của người Nhật thời cổ đại, tiếng cây cổ thụ ngã xuống trong cánh rừng chính là tiếng kêu ai oán của Kodama trú ngụ trong thân cây ấy. Đối với người Nhật, hết thảy những sự vật trên thế gian đều mang lấy những điều kỳ diệu và đặc biệt, những thân cây trong khu rừng cũng như thế. Do đó mà quan niệm về Kodama đã được ra đời và trở thành một tín ngưỡng đặc biệt đối với người dân Nhật Bản.

    Kodama - Mộc Linh ngàn đời của người Nhật

    Kodama là một quan niệm tín ngưỡng vô cùng lâu đời ở đất nước mặt trời mọc. Nó được truyền miệng trong dân gian từ trước khi Nhật Bản bắt đầu có chữ viết. Chính vì lẽ đó mà qua hàng trăm năm, với rất nhiều những biến thể và dị bản, Kodama hiện tại có đến tận 3 cách viết khác nhau:

    古多万 là cách viết cổ xưa nhất của Kodama, tuy nhiên ý nghĩa của cụm từ này tương đối mơ hồ. Từng Hán tự trong cụm này có nghĩa là 古 (ko: cổ) - 多 (da: đa/nhiều) - 万 (ma: vạn/10.000). Vì tiếng Nhật cổ lúc này chưa có hệ thống ngôn ngữ viết nên khi Hán tự du nhập vào, các từ sẽ được viết dựa trên cách đọc của nó thay vì ý nghĩa.

    Qua thời gian, khi người Nhật Bản bắt đầu xây dựng cho mình hệ thống chữ viết riêng thì Kodama được viết là 木魂 (木: ko/mộc – 魂: dama/linh hồn) và 木魅 (木 : ko/mộc – 魅 : dama/linh hồn).

    Đến ngày nay, người Nhật thường sử dụng 木霊 (木: ko/mộc – 霊: dama/hồn) để nói về Kodama hay còn gọi là Mộc Linh - linh hồn của cây.

    tượng Mộc Linh ở Yakushima
    Tượng Mộc Linh ở Yakushima. 

    Kodama ngày xưa được xem là những vị thần trú ngụ trong thân cây. Chúng không liên kết với duy nhất một cây mà có thể tự do di chuyển từ cây này sang cây khác, đi khắp khu rừng để làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ và giữ gìn sự cân bằng của thiên nhiên. Tuy nhiên, một số người khác lại cho rằng thực chất Kodama trú ngụ trong một thân cây riêng của mình và cái cây ấy có hình dạng như bất kỳ cái cây nào khác trong khu rừng. Tương truyền rằng, tai ương sẽ ập xuống những thợ mộc vô tình đốn ngã một thân cây nơi có Kodama trú ngụ. Họ chỉ có thể nhận ra sự ẩn thân của các Kodama trong thân cây qua dòng nhựa đỏ như máu chảy ra từ vết đốn.

    Bên cạnh đó, Kodama còn tồn tại dưới dạng thể của âm thanh, đó là những tiếng vang vọng lại nơi cánh rừng, núi, thung lũng. Tiếng của những thân cây ngã xuống được xem là tiếng than khóc ai oán của những Kodama. Mặc dù vậy, ngày nay âm thanh của núi rừng lại gắn liền với yêu quái (Yokai), cụ thể là loài quỷ Yamabiko, chứ không còn là âm thanh của những "thần rừng" Kodama như trong quan niệm Nhật Bản xưa. 

    Dẫu cho ở hình dạng nào đi nữa thì Kodama đều được cho là có năng lực siêu nhiên, chúng có thể ban phước hoặc nguyền rủa người thường. Kodama khi được thờ phụng và tôn kính sẽ bảo hộ cho những ngôi nhà và làng xã. Ngược lại, những kẻ cả gan bạc đãi hay khinh thường các Linh Mộc sẽ dính những lời nguyền rủa chết chóc.

    Kodama - những linh hồn được tạo hình và sống mãi với thời gian

    Không ai thực sự biết được Kodama trông như thế nào. Trong tất cả những ghi chép cổ xưa nhất, người Nhật bản vẫn cho rằng chúng là những sinh vật không có hình dáng nhất định. Đồng thời, rất khó để phân biệt Kodama với những thân cây bình thường trong rừng.

    Sau này, người ta bắt đầu có nhiều cách để mô tả Kodama: đôi khi chúng có hình dạng những đốm sáng mờ nhạt bay lơ lửng trong không khí như đom đóm, khi lại là một sinh vật trông như yêu tinh được lấy cảm hứng từ văn hóa châu Âu. Tuy nhiên, hình ảnh Kodama gần đây được gắn với hình ảnh một linh hồn có dạng hình người cùng chiếc đầu nhỏ lắc lư vô cùng dễ thương. Hình ảnh này được bắt nguồn từ bộ phim hoạt hình của hãng Ghibli mang tên Công chúa Momonoke của đạo diễn Miyazaki Hayao. Hình ảnh này của Kodama khiến chúng trở nên gần gũi và quen thuộc hơn với nhiều người, để rồi giờ đây khi nhắc đến Kodama, người ta sẽ nghĩ đến những linh hồn với chiếc đầu xoay tròn này. 

    một số tượng khắc mô phỏng hình Mộc Linh
    Một số tượng khắc mô phỏng hình Mộc Linh.

    Ngày nay, Kodama vẫn được thờ phụng như một tín ngưỡng dân gian ở nhiều nơi khác nhau trên đất nước Nhật Bản. Có thể kể đến khu vực đảo Aogashima thuộc quần đảo Izu, người dân vẫn dựng những đền thờ nhỏ dưới gốc cây tuyết tùng (sugi) để thờ phụng các Kodama. Trong khi đó, tại làng Mitsune, đảo Hachijo-jima, người dân sẽ tổ chức lễ hội hằng năm để tạ ơn "Kidama-san" hay "Kodama-san", để cầu mong sự tha thứ khi họ đốn cây để khai thác gỗ. 

    Kodama - linh hồn của những thân cây ấy vẫn tồn tại trong văn hóa của người Nhật như một cách để thể hiện sự tôn trọng của họ đối với cây cối, với thiên nhiên và tạo hóa. 

    kilala.vn

    20/05/2020

    Bài: Khánh Hà / Ảnh: PIXTA
    Nguồn tham khảo: hyakumonogatari.com

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!