Kì diệu những ngôi nhà vẫn trụ vững sau thảm họa động đất
Trận động đất ngày đầu năm đã phá hủy các tòa nhà bằng gỗ trên khắp bán đảo Noto, nhưng nhờ kiến trúc thông minh hàng chục năm tuổi, những ngôi nhà của một làng chài nhỏ vẫn đứng vững.
Để chịu được mưa, tuyết và gió khắc nghiệt của vùng Biển Nhật Bản, những ngôi nhà ở Akasaki đều được lắp cửa sổ bằng kính, bức tường bên ngoài làm từ những thanh gỗ chắc chắn, xếp theo chiều ngang. Bên trong, cấu trúc của căn nhà được cố định bởi các dầm lớn phía trần nhà.
Anh Masaki Sato, chủ của một ngôi nhà 85 tuổi mà anh sở hữu từ năm 2017, cho biết vì ngôi nhà này nằm trên khu đất hẹp, được chia thành nhiều phòng nhỏ và có nhiều cột nên đã trụ vững trong động đất. Trước khi thảm họa xảy ra thì ngôi nhà của anh Masaki được dùng để làm nhà nghỉ cho khách du lịch, có phục vụ bữa sáng trong các tháng mùa hè.
Tại nhà của Masaki, bát đĩa bằng gốm bị vỡ, đồ dùng bị đổ và một cánh cửa trượt bằng gỗ mới cũng bị phá hủy, để lại các mảnh vụn vương vãi khắp sàn nhà, như minh chứng cho một trận động đất lớn vừa đi qua. Nhưng “may mắn rằng ngôi làng vẫn còn đó”, anh Masaki cho biết.
Seiya Shinagawa, một ngư dân đã nghỉ hưu, cũng chia sẻ rằng những ngôi nhà quanh làng vẫn nguyên vẹn như vậy, do chúng đều được thiết kế giống nhau với một nhà kho được đặt ở phía bờ biển như vật chắn gió cho ngôi nhà chính nằm ở phía sau.
Vào cuối những năm 1930, một trận hỏa hoạn đã bùng phát và phá hủy một phần của ngôi làng. Chính vì thế, khi xây dựng lại, người dân đã quyết định xây các ngôi nhà theo thiết kế thống nhất và chắc chắn hơn.
Trái ngược với sự bình yên của ngôi làng, một tuần sau khi xảy ra động đất, hàng nghìn người ở những khu vực chịu ảnh hưởng như Nishiaraya, tỉnh Ishikawa, vẫn không có điện nước và vẫn chưa được thông báo khi nào kế hoạch tái thiết có thể bắt đầu.
Trận động đất mạnh 7,6 độ richter đã khiến ít nhất 200 người thiệt mạng vào ngày đầu năm mới và 120 người được báo cáo mất tích. Chính phủ sẽ sử dụng 4,74 tỷ yên dự trữ ngân sách cho các nỗ lực tái thiết. Nhưng thời tiết khiến công việc này trở thành một nhiệm vụ nguy hiểm, dự kiến sẽ có nhiều tuyết và mưa hơn trong những ngày tới. Sụt lở, đá cuội và vết nứt trên đường đã chôn vùi nhà cửa và cản trở các tuyến đường tiếp cận.
Giám đốc sở cứu hỏa Nishiaraya, Hisashi Ida cho biết rủi ro lớn nhất là không thể xới tuyết: “Máy móc sẽ không thể tiến vào và đi trên những đoạn gập ghềnh có tuyết tích tụ sẽ gây thương tích. Tôi lo lắng rằng đây sẽ là một ‘thảm họa thứ cấp’”.
Trận động đất ngày đầu năm mới là trận động đất nguy hiểm nhất ở Nhật Bản kể từ năm 2016 - khi 276 người thiệt mạng trong trận động đất xảy ra ở khu vực phía tây nam Kumamoto.
kilala.vn
Nguồn: Japan Today
Đăng nhập tài khoản để bình luận