Khi nào điều ước viết trên chuông gió thành hiện thực?

    Bạn có biết chuông gió còn được dùng để trao gửi điều ước của bạn đến thần linh. Và khi nào thì điều ước của bạn sẽ thành hiện thực hay không?

    Những thanh âm trong trẻo của chuông gió vang lên trong mùa hè là nét đẹp văn hóa theo mùa nổi bật của nước Nhật. Tiếng chuông leng keng giúp xua tan cái nóng nực của mùa hè, đồng thời còn được cho rằng có thể xua đuổi ma quỷ, mang đến bình an cho gia đình. Ngoài ra, bạn cũng có thể trao gửi những điều ước của bản thân đến các vị thần linh bằng cách viết nguyện ước lên mảnh giấy treo bên dưới chuông. Và bạn có biết khi nào thì điều ước này sẽ thành sự thật hay không?

    Văn hóa viết điều ước lên chuông gió

    Chuông gió Fuurin được người Nhật chế tác với thiết kế đơn giản hình bát úp, bên trong có gắn lưỡi treo, bên dưới lưỡi treo thường đính thêm một tờ giấy nhỏ và xinh xắn – gọi là giấy cầu may hay dải chuông gió. Ngoài chức năng trang trí, dải giấy này còn được xem là chiếc cầu nối đưa các mong ước của bạn đến với thần linh. Người Nhật sẽ viết lên dải giấy những lời cầu chúc ngắn gọn, súc tích và thận trọng chọn lựa màu sắc của dải giấy tùy theo nguyện ước của mình. Màu đỏ đại diện cho nguyện ước cầu duyên, màu xanh lam là cầu cả năm luôn mạnh, màu xanh lá cây cầu bình an cho gia đình, màu tím cầu việc học hành suôn sẻ và màu vàng cầu buôn may bán đắt. Mỗi khi gió thổi qua, lưỡi treo chạm với bát úp, tạo nên thanh âm trong trẻo và gửi những điều ước được ghi trong giấy cầu may đến các vị thần. 

    Và khi mảnh giấy viết điều ước treo bên dưới chuông bị cắt bởi gió, người Nhật cho rằng đó cũng chính là lúc điều ước của bạn trở thành hiện thực. Thật thú vị phải không?

    Vài điều thú vị về chuông gió Nhật Bản

    Ban đầu, chuông gió Nhật Bản không phải làm từ thủy tinh!

    Chuông gió trong tiếng Nhật là “Fuurin – 風鈴” với “fuu – 風” là gió và “rin – 鈴 có nghĩa là cái chuông. Fuurin có mặt lần đầu tại Nhật Bản vào thời Edo, được bày bán trước cổng chùa Kawasaki-Daishi. Ban đầu, chuông gió được làm từ gốm sứ và kim loại với phần thân có tạo hình như một chiếc chuông thu nhỏ. Mãi đến khi kỹ thuật đúc thủy tinh của Hà Lan du nhập vào Nhật Bản, người Nhật mới sáng tạo nên chuông gió thủy tinh với thanh âm trong trẻo hơn. Lúc này, hình dáng của chuông gió được đơn giản hóa thành hình bát úp, trên thân còn được trang trí bằng nhiều màu sắc và hình ảnh đáng yêu hơn.

    khi nào điều ước viết trên chuông gió thành hiện thực

    Vật dụng nhỏ nhắn lại có thể xua đuổi tà ma

    Người Nhật tin rằng tiếng chuông gió Fuurin có thể xua đuổi tà ma, giúp gia chủ an bình an. Dưới thời Kamakura, để xua đuổi con quỷ mang đau ốm vào phòng tên là Yakubyougami, giới quý tộc lúc bấy giờ nhà nhà đều treo chuông gió trước cửa nhà. 

    vật dụng nhỏ nhắn lại có thể xua đuổi tà ma

    Người Nhật có hẳn lễ hội dành cho chuông gió

    Khoảng vào giữa tháng 7 hằng năm, khi bước vào mùa hè tại Nhật Bản, lễ hội chuông gió Fuurin Ichi sẽ được tổ chức tại chùa Kawasaki Daishi, thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa. Tại đây, có hơn 900 loại chuông gió từ 47 tỉnh thành tại Nhật được trưng bày, có cả chuông gió từ vùng cực bắc Hokkaido và vùng cực nam Okinawa. Ngoài ra, trong khuôn viên nơi diễn ra lễ hội, còn có nhiều quầy bán các món ăn đặc trưng Nhật Bản như bạch tuộc nướng Takoyaki, Kakigoori,. làm xua đi cái nóng mùa hè và “no căng dạ dày” cho du khách.

    người Nhật có hẳn lễ hội dành cho chuông gió

    Ngoài lễ hội chuông gió Fuurin Ichi, thành phố Kawasaki còn có nhiều điều thú vị khác đón chào bạn đến khám phá! Tìm hiểu thêm tại đây

    kilala.vn

    08/03/2021

    Bài: Ngọc Oanh
    Ảnh: shiqiao.cocolog-nifty

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!