NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Khám phá Chiyogami: những vuông giấy hoa văn truyền thống Nhật Bản

    Khám phá Chiyogami: những vuông giấy hoa văn truyền thống Nhật Bản

    Với màu sắc sặc sỡ cùng họa tiết mang đậm bản sắc văn hóa xứ Phù Tang, những vuông giấy Chiyogami từ lâu đã trở nên quen thuộc trong đời sống, từ những con búp bê giấy truyền thống được các bé gái yêu thích cho đến đến những món đồ trang trí thủ công. Trong hành trình khám phá văn hoá kỳ này, hãy cùng Kilala tìm hiểu về những vuông giấy đã tô điểm sắc màu cho ngành thủ công Nhật Bản trong suốt hàng trăm năm qua. 

    Chiyogami là gì? 

    Chiyogami (千代紙), hay còn được gọi là Yuzen Washi (友禅和紙), là loại giấy washi truyền thống đủ màu sắc in hình các hoa văn truyền thống Nhật Bản. Có nhiều giả thuyết xoay quanh nguồn gốc của tên gọi Chiyogami. Nhiều người cho rằng cái tên này bắt nguồn từ loại giấy yêu thích của công chúa Chiyohime ở cố đô Kyoto. 

    chiyogami
    Ảnh: j-Grab

    Một số ý kiến khác lại cho rằng, do loại giấy này thường có hoa văn mang ý nghĩa cát tường như cây thông, tre, quả mơ, cánh hạc, rùa hay các loại kỳ trân dị bảo trong văn hóa Nhật Bản, nên được đặt tên như vậy với mong muốn những điều may mắn sẽ được dài lâu. Từ “chiyo” (千代) vốn mang ý nghĩa tốt lành, biểu thị cho sự trường tồn và vĩnh cửu, như trong cách nói “千代に八千代に” (chiyo ni yachiyo ni - nghìn năm muôn thuở). 

    Lịch sử phát triển của Chiyogami

    Thời kỳ đầu, Chiyogami được làm bằng cách áp màu lên giấy washi bằng kỹ thuật Suminagashi (thủy ấn họa - vẽ họa tiết bằng mực nổi trên nước rồi nhúng giấy washi vào), hoặc kỹ thuật Fuki (dùng cọ và chổi để vẩy màu tạo thành hoa văn). Loại giấy trang trí này ban đầu được dùng để gói đồ vật nhỏ hoặc làm lớp lót bên trong các sản phẩm thủ công.

    Sau đó, nhờ vào sự phát triển của kỹ thuật in mộc bản nhiều màu, họa tiết của Chiyogami dần trở nên tinh xảo với những hoa văn phức tạp. Các hoạ tiết thường thấy trên giấy này đặc trưng cho thị hiếu và tinh thần thẩm mỹ của người Nhật từ thời Edo. 

    hoa-tiet-tren-chiyogami
    Họa tiết giấy Chiyogami lấy cảm hứng từ những hoa văn truyền thống Nhật Bản trên áo kimono.

    Chúng thường được lấy cảm hứng từ các hoa văn in theo phương pháp nhuộm Yuzen trên áo kimono, với đa dạng chủ đề từ cảnh sắc thiên nhiên như “hoa, điểu, phong, nguyệt” (花鳥風月), đến các yếu tố đặc trưng của nghệ thuật Kabuki hay phong tục tập quán đương thời, mang đậm nét thẩm mỹ “iki” (ý nhị, tinh tế) đặc trưng của người Nhật.

    Từ chốn cung đình như Ooku (hậu cung trong Mạc phủ Edo), Chiyogami dần lan rộng và trở nên phổ biến trong tầng lớp bình dân. Loại giấy này được dùng để gói bánh kẹo, dán lên các hộp trà hay hộp phấn trang điểm, và là chất liệu chính để làm búp bê Anesama Ningyo - món đồ chơi yêu thích của các bé gái thời Edo.

    anesama-ningyo
    Búp bê Anesama Ningyo được làm từ giấy Chiyogami. Ảnh: Japan Toy Museum

    Cho đến ngày nay, loại giấy này được các nghệ nhân và người yêu thủ công trên khắp thế giới ưa chuộng cho nhiều sản phẩm thủ công sáng tạo như làm búp bê giấy, đồ trang sức, tranh ghép, làm bìa sách, sổ tay hay dùng để gói quà…

    Nghệ thuật làm Chiyogami mộc bản thời Edo

    Trước đây, người ta sản xuất Chiyogami bằng phương pháp in mộc bản, gồm ba công đoạn chính: vẽ tranh, khắc bản và in ấn. Trong thời Edo, ba công đoạn này sẽ do ba nghệ nhân chuyên biệt đảm trách: họa sĩ (絵師 - eshi), thợ điêu khắc (彫師 - horishi) và người in ấn (摺師 - surishi)

    Trước tiên, họa sĩ sẽ vẽ bản thiết kế chính và sao chép lên giấy mỏng, rồi chuyển cho thợ điêu khắc để căn ke và khắc lên bản gỗ. Loại gỗ dùng để làm bản khắc thường là gỗ anh đào đã phơi khô trong 20-30 năm để hạn chế bị co lại hoặc nở ra khi thời tiết thay đổi. 

    ban-khac-go
    Ảnh: Haibara Museum

    Sau khi hoàn thành bản khắc gỗ, người in ấn sẽ pha màu và in thử. Một bản khắc in giấy Chiyogami có thể cần đến 20-30 màu. Các lớp màu được in tuần tự, thường bắt đầu với các nét viền đen và kết thúc bằng các màu nổi bật như đỏ tươi hay chàm sẫm. Công đoạn in cũng cần được căn chỉnh cẩn thận để tờ giấy không bị xê dịch. Cả quá trình làm ra một tờ giấy Chiyogami mộc bản đòi hỏi sự tỉ mỉ và lành nghề của các nghệ nhân. Vì vậy mà giấy Chiyogami in mộc bản được xem là sản phẩm nghệ thuật truyền thống cao cấp và quý hiếm cho đến ngày nay. 

    phuong-phap-in-moc-ban
    Phương pháp in mộc bản thường được sử dụng cho tranh khắc gỗ và cả giấy Chiyogami trước đây. Ảnh: Museum Haibara

    Ngày nay, các nhà sản xuất giấy Chiyogami thường sử dụng phương pháp in lụa thủ công với mỗi lớp màu sắc trong tổng thể họa tiết được in riêng biệt bằng loại mực chất lượng cao. Khi in, người thợ sẽ dùng khuôn lụa và dao gạt mực để ép từng lớp màu lên nền giấy washi, sau đó để khô hoàn toàn trước khi in lớp màu tiếp theo. 

    chiyogami-in-lua
    Chiyogami ngày nay sử dụng phương pháp in lụa thủ công. Ảnh: Emi Ink

    Bên cạnh đó, các nhà thiết kế Nhật Bản ngày nay luôn không ngừng sáng tạo ra những hoạ tiết mới, kế thừa tinh hoa nghệ thuật cổ truyền và kết hợp với thị hiếu đương đại. Nhờ đó mà vẻ đẹp của giấy thủ công truyền thống Chiyogami luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ với những nghệ nhân thủ công trên toàn thế giới.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!