Học sinh cấp 3 Nhật Bản chế tạo lại mẫu xe cổ thời Edo
Một nhóm học sinh cấp 3 tại trường trung học Hikone Sogo dưới sự hướng dẫn của thầy giáo đã chế tác lại mẫu xe cổ từ thời Edo.
Dưới sự hướng dẫn và truyền cảm hứng của thầy Takafumi Kumagai, nhóm học sinh năm cuối của trường trung học Hikone Sogo bao gồm trưởng nhóm Akinari Muranishi đã chế tác thành công mô hình Shinsei Rikushuhonsha – phương tiện cổ thời Edo.
Ý tưởng chế tác lại mô hình xe đạp cổ Rikushuhonsha
Mỗi năm, học sinh tại trường Trung học Hikone Sogo, thành phố Hokone, tỉnh Shiga đều tham gia lớp nghiên cứu về lịch sử và văn hóa địa phương bên ngoài trường học. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội trong đại dịch Corona mà hoạt động này đã bị hủy bỏ vào năm ngoái. Để thay thế cho hoạt động này, thầy giáo Takafumi Kumagai đã đề xuất học sinh chế tạo lại mô hình xe đạp cổ thời Edo tên gọi là Rikushuhonsha (陸舟奔車). Mong muốn của thầy là tạo một sân chơi lành mạnh để các em được thỏa hết niềm đam mê.
Thầy Kumagai nảy ra ý tưởng này từ việc học sinh đã được chiêm ngưỡng mô hình Rikushuhonsha trưng bày tại chùa Choshoin, thành phố Hikone khi tham gia một khóa thiền tại đây. Ngôi chùa này cũng là nơi đặt mộ của nhà phát minh thời Edo Hiraishi Kuheiji Tokimitsu (1696-1771). Mô hình này được làm dựa trên bản thiết kế “Shinsei Rikushuhonsha no Ki” năm 1732 của Kuheji.
Rikushuhonsha được xem là một trong những phương tiện giao thông đầu tiên của Nhật Bản từ thời Edo (1603-1867), có hình dáng giống như một con thuyền và được làm từ những tấm ván ép. Phương tiện chạy bằng bàn đạp này có cấu tạo gồm 3 bánh: 1 bánh trước và 2 bánh sau, cùng tay lái đứng. Kích thước dài 2,2m và rộng 1m.
Những thử thách khi chế tác mô hình
Akinari Muranishi đảm nhiệm vị trí trưởng nhóm dự án chế tác mô hình Rikushuhonsha rất khéo tay trong việc làm đồ thủ công. Ban đầu, sau khi thầy giáo Kumagai đề xuất dự án làm mô hình này với nhóm học sinh, Muranishi đã không có ý định tham gia vì chưa trải qua khóa học nào về kỹ sư nên nghĩ rằng không thể nào làm ra một phương tiện di chuyển được. Nhưng sau đó, cậu dần tự tin hơn khi nhìn thấy thầy của mình đã mua các tấm ván ép, bánh xe, bu lông và các vật liệu khác tại cửa hàng bán đồ làm vật dụng handmade (cửa hàng DIY).
Thầy giáo Kumagai đã vẽ lại một bản thiết kế chi tiết mô hình Rikushuhonsha dựa trên bản vẽ Shinsei Rikushuhonsha no Ki tại Thư viện cộng đồng Hikone. Vào mỗi thứ Sáu hàng tuần sau giờ học, nhóm học sinh đã ở lại trường để làm mô hình này. Họ tự đặt ra một nguyên tắc là mô hình chỉ được chế tạo bằng các vật liệu có sẵn trong cửa hàng DIY.
Một trong những khó khăn khi chế tạo mô hình Rikushuhonsha là làm sao để tay lái làm chuyển động được bánh xe phía trước. Họ đã sử dụng dây thừng màu đen và vàng hoặc dây rút cáp để kết nối hai bộ phận này nhưng chúng bị kéo căng hoặc tuột ra. Cuối cùng, nhóm học sinh sử dụng dây thép để giải quyết vấn đề này và đã thành công.
Sau khi hai học sinh Muranishi và Tatsumi vượt qua kỳ thi tuyển đại học, họ tiếp tục làm mô hình trong suốt kỳ nghỉ đông. Thử thách cuối cùng phải vượt qua chính là làm sao vận hành được hai bánh phía sau của mô hình. Bàn đạp bằng nhựa nhanh chóng bị vỡ nên họ nhanh chóng chuyển qua vật liệu sắt. Để làm được, Muranishi đã nhờ bố của mình – thợ hàn tay nghề cao chỉ cho cậu cách hàn các thanh sắt với nhau.
Mô hình hoàn thành và được mang đi trưng bày
Mô hình đã được đem đến trưng bày tại chùa Choshoin vào tháng 2 trong dịp kỷ niệm 250 năm ngày mất của nhà sáng chế Kuheiji. Du khách có thể tham quan và lái thử mô hình này đến cuối tháng 3 nếu đặt trước.
kilala.vn
29/03/2021
Bài: Ngọc Oanh
Nguồn: Asahi Shimbun
Đăng nhập tài khoản để bình luận