Hoa Ajisai và sự vô thường của đời người
Ý nghĩa của hoa Ajisai
Ajisai thường được biết đến với tên tiếng Việt là cẩm tú cầu. Trong tiếng Nhật, ngoài cách biểu thị bằng 3 chữ Hán "Tử Dương Hoa" (紫陽花), Ajisai còn có tên gọi khác là 集真藍, mang nghĩa “Những bông hoa nhỏ màu xanh chụm lại rồi nở rộ”. Dù thực tế, Ajisai có nhiều sắc màu khác nhau như hồng nhạt, tím, trắng nhưng màu xanh để lại ấn tượng đậm nét nhất khi nghĩ đến hoa cẩm tú cầu.
Theo quan niệm của người Nhật, hoa Ajisai có cả hai nét nghĩa tốt và xấu. Về mặt nghĩa tốt, Ajisai biểu thị lòng khoan dung, sự khiêm tốn và mang hình ảnh một người con gái tràn đầy sức sống và với đặc tính gồm những bông hoa nhỏ chụm lại, Ajisai còn gợi lên sự gắn kết trong gia đình.
Mặt khác, hoa Ajisai còn mang ý nghĩa là sự dễ đổi thay. Có lẽ xuất phát từ việc màu sắc của loài hoa này sẽ thay đổi dựa trên độ pH của đất, nghĩa là phụ thuộc vào môi trường, nên người ta đã gán nó cho ý nghĩa “hay thay đổi, không kiên định”. Trong một xã hội đề cao tính nhất quán và lòng trung thành như Nhật Bản thì sự hay thay đổi mang đến ấn tượng không mấy tốt đẹp nên người ta xem đó là nét nghĩa xấu của hoa Ajisai.
Nhưng phải chăng hay thay đổi là một điều không tốt?
“Vạn vật đều vô thường"
Trong giáo lý của đạo Phật có lời dạy rằng vạn vật đều vô thường. “Vô” là không, “Thường” là vĩnh hằng. Như vậy “Vô thường” mang nghĩa mọi vật đều vận động, biến đổi không ngừng trong không gian và theo thời gian. Không có cái gì trên đời này là đứng yên hay tồn tại mãi mãi. Thân vô thường, tâm vô thường và vật cũng vô thường.
Thật vậy, thân thể ta từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời đều liên tục thay đổi. Mỗi một giây có hàng triệu tế bào cũ trong cơ thể chết đi, rồi lại sinh ra hàng triệu tế bào mới thay thế. Chính vì sự biến đổi này mà con người phát triển không ngừng: từ bé cho đến lớn, rồi già đi và chết. Tâm tưởng con người cũng thay đổi trong từng sát-na (đơn vị thời gian trong Phật giáo). Giây phút này ta đang vui thì ngay phút sau ta có thể chuyển sang buồn. Hôm nay ta thích món đồ này nhưng không gì đảm bảo ngày mai sự yêu thích ấy vẫn còn vẹn nguyên. Cảnh vật, sự đời lại càng vô thường. Trăng lúc tròn lúc khuyết, sông khi lở khi bồi, đời lúc thăng lúc trầm, sát-na trước tiếp nối sát-na sau, đâu có gì là đứng yên mãi?
Nói về sự vô thường, thiền sư Vạn Hạnh có bài kệ như sau:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”
Dịch nghĩa:
“Đời người như bóng chớp, có rồi không
Vạn thứ cây mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo
Đạt đến thông hiểu rồi thì sự thịnh suy không sợ hãi
Thịnh suy chẳng qua như giọt sương treo đầu ngọn cỏ.”
Như vậy, màu sắc của hoa Ajisai thay đổi phụ thuộc vào môi trường. Nó thể hiện sự “vô thường” theo triết lý của Phật giáo. Nên đứng từ góc độ Phật giáo thì đó là ý nghĩa không xấu, ngược lại còn cho thấy một quy luật hiển nhiên của vạn vật.
Nếu nhìn theo khía cạnh khác thì việc thay đổi màu sắc của Ajisai có thể xem là sự linh hoạt, thích ứng với môi trường sống. Thế giới không ngừng vận động, thậm chí đang thay đổi chóng mặt nhờ những cải tiến vượt bậc về khoa học công nghệ. Điều đó buộc mỗi cá nhân phải cuộn mình phát triển từng ngày. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta chẳng cần phải kiên định hay trung thành với một điều gì. Con người sẽ dễ tan vào làn sóng "hiện đại" ấy nếu không biết cách giữ bản sắc của mình. Linh hoạt để thích ứng với sự biến động của thời thế nhưng không bẻ cong bản ngã. Tựa như loài hoa Ajisai, dù màu sắc có thay đổi nhưng chúng vẫn là những bông hoa chụm lại như quả cầu nhỏ rất riêng, rất đặc biệt, luôn tỏa hương khoe sắc cho đời.
kilala.vn
19/06/2020
Bài: Kim Ngân
Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận