Hitodama: Ngọn lửa ma trơi trong văn hóa Nhật
Trong màn đêm tĩnh lặng xuất hiện những quả cầu lửa trôi lơ lửng, toát lên thứ ánh sáng lập lòe ma mị dẫn dắt con người bước vào một thế giới kỳ bí đáng sợ. Thứ kỳ lạ kinh dị này được gọi là Hitodama.
Sinh vật huyền bí trong văn hóa dân gian
"Hitodama - 人魂" (Nhân Hồn) được hiểu là linh hồn của người chết đã tách khỏi cơ thể và hóa thành những quả cầu lửa trôi lơ lửng giữa không khí khi tối muộn.
Những quả cầu thường có màu đỏ, cam hoặc xanh trắng và còn có đuôi, hay trôi nổi xung quanh nghĩa địa, nhà tang lễ hoặc những ngôi nhà hoang. Hitodama lượn lờ gần mặt đất, thường xuất hiện vào ban đêm nhưng thỉnh thoảng cũng “ló dạng” lơ lửng giữa ban ngày.
Hitodama vô hại nhưng lại hay bị nhầm lẫn với những yêu quái nguy hiểm có khả năng biến hình dưới dạng quả cầu lửa nên thường bị gắn mác là thứ ma quỷ gây nên nỗi kinh hoàng, sợ hãi cho người dân. Cũng từ đây trong dân gian, những câu chuyện ma về Hitodama được thêu dệt nên mang màu sắc tâm linh kỳ bí.
Từ xa xưa vào thời cổ đại, Hitodama đã được đề cập trong các ghi chép về văn học dân gian. Trong Vạn diệp tập từng mô tả: “Khi con người ở một mình và vô tình nhìn thấy Hitodama thì người đó sẽ nghĩ đến những thứ tang thương đã diễn ra trong đêm mưa”.
Người dân vùng Okinawa gọi Hitodama là Tamagai, còn vùng Nakijin thì quan niệm Hitodama xuất hiện trước khi một đứa trẻ được sinh ra. Ở một số vùng khác lại cho rằng đây là những ngọn lửa bí ẩn khiến con người tìm đến cái chết.
Ở Kawakami, Quận Inba, tỉnh Chiba (nay là Yachimata) gọi Hitodama là Tamase, miêu tả linh hồn người chết thoát ra khỏi cơ thể sau 2 hoặc 3 ngày kể từ lúc tử vong và tìm đến những ngôi đền hay những người có mối quan hệ sâu sắc với Tamase tại dương gian. Những người nhìn thấy Tamase sẽ nghe được âm thanh mà chúng phát ra và cảm nhận được sự hiện diện của sinh vật kỳ bí này.
Giải mã về Hitodama
Trong văn hóa dân gian, Hitodama là hiện thân của linh hồn người đã khuất xuất hiện tại dương gian. Nhưng khi khoa học đã phát triển, những bí ẩn về hiện tượng Hitodama đã được giải mã.
Theo nghiên cứu khoa học, Hitodama là một hiện tượng sinh ra từ phản ứng hóa học của 2 chất khí là photphin (PH3) và diphotphin (P2H4). Hai chất này hình thành do sự phân hủy xương hay xác của con người hoặc động vật được chôn dưới lòng đất.
P2H4 là chất có khả năng tự cháy trong không khí, khi cháy tạo ra nhiệt lượng với nhiệt độ lên đến khoảng 150oC và khiến PH3 tiếp tục cháy. Hai khí này khi thoát ra ngoài gặp không khí sẽ bốc cháy và tạo nên đốm lửa nhỏ màu xanh nhạt lúc ẩn lúc hiện. Ánh sáng này về ban đêm mới nhìn thấy rõ bằng mắt thường còn ban ngày đã bị mặt trời che khuất.
Việc Hitodama lượn lờ, bay lơ lửng và còn đuổi theo con người khi họ hoảng loạn bỏ chạy được giải thích là do ngọn lửa này thường lơ lửng trong không trung. Khi con người bỏ chạy sẽ sinh ra luồng khí chuyển động khiến ngọn lửa bay theo hướng người chạy.
Một giả thuyết khác cho rằng có thể con người đã nhầm lẫn và nghĩ đom đóm là Hitodama. Loài côn trùng này phát ra ánh sáng lập lòe và bay lượn lờ trong rừng, quanh những cánh đồng, xuất hiện trong những đêm hè ở khu vực sống của con người. Thứ ánh sáng của đom đóm khi nhìn từ xa, đặc biệt là ở các bãi tha ma khiến con người lầm tưởng là Hitodama và sợ hãi chạy trốn.
Ngoài ra hiện tượng Hitodama còn được cho là do nhầm lẫn với các ngôi sao băng, hay các loại động vật khác có các tế bào rêu phát sáng bám trên chúng. Theo thí nghiệm năm 1976 của giáo sư Masao Yamana từ Đại học Meiji, sự bùng cháy do phản ứng của các hợp chất hóa học như khí metan ở các khu vực đầm lầy, sông hồ cũng tạo nên ánh sáng khiến loài người khi trông thấy nhầm tưởng đến ma quỷ.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận