Higuchi Ichiyo: Nữ văn sĩ tài hoa bạc mệnh của triều đại Meiji
Higuchi Ichiyo là nữ nhà văn chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật Bản và cũng là một trong số những nhà văn có sức ảnh hưởng lớn sinh ra vào thời Meiji (1868 - 1912).
Dù chỉ sống 24 năm ngắn ngủi và sáng tác ở 5 năm cuối đời nhưng nữ văn sĩ Higuchi Ichiyo đã để lại một kho tàng các tác phẩm văn học có giá trị vượt thời gian, trong số đó phải kể đến tác phẩm Takekurabe (Một mùa thơ dại) xuất bản năm 1896, đã được dịch sang tiếng Việt.
Với sức ảnh hưởng to lớn, bà trở thành người phụ nữ thứ 3 tại Nhật được in chân dung trên tờ 5.000 yên. Sinh ra trong bối cảnh người phụ nữ bị coi là rẻ rúng, trở thành tài sản của người chồng và không có bất kỳ tiếng nói nào, Higuchi Ichiyo đã vượt lên trên tất cả những định kiến xã hội và tạo nên nhiều thành tựu mà ngay cả những đấng mày râu thời Meiji chưa chắc thực hiện được. Cùng Kilala khám phá cuộc đời đầy hào hùng của nữ nhà văn Higuchi Ichiyo.
Thời thơ ấu của Higuchi Ichiyo
Nhà văn Higuchi Ichiyo (樋口一葉) tên khai sinh là Higuchi Natsuko, sinh ngày 02/05/1872 tại Edo (Tokyo ngày nay). Năm 1867, cha của bà là Higuchi Noriyoshi đã mua được tước vị Samurai, gia đình bà chuyển từ giai cấp nông dân lên giai cấp Samurai.
Bà được cho đi học 6 năm theo như quy định bắt buộc của trường học thời Meiji, sau đó phải dừng việc học vì quan niệm thời đó cho rằng trường học không dành cho phụ nữ. Phụ nữ phải trở thành "Lương thê hiền mẫu" (良妻賢母 – ryousaikenbo). Sau khi kết hôn, phụ nữ trở thành tài sản của chồng và không có bất kỳ tiếng nói nào trong gia đình. Thậm chí, lúc bấy giờ, phụ nữ còn bị bán như một món hàng hóa và trở thành gái mại dâm.
Đi ngược lại quan niệm xã hội, cha bà, một người được giáo dục tốt và rất yêu văn học đã tiếp tục cho bà được theo con đường học vấn. Ông mua nhiều tập thơ và thuê gia sư riêng về dạy cho bà tại nhà.
Tuy nhiên, năm 1877, giai cấp Samurai bị xóa bỏ trong cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân, gia đình bà trở lại cuộc sống thường dân. Năm 1886, nhờ vào sự động viên của cha, bà đã bắt đầu học sáng tác thơ truyền thống Waka (和歌) tại học viện về thơ nổi tiếng Haginosha – ngôi trường dành cho hoàng gia, con gái của các gia đình quý tộc thời bấy giờ. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu con đường trở thành nhà văn của bà. Khi theo học tại học viện, Higuchi Ichiyo trở thành học trò của người sáng lập Nakajima Utako.
Ngoài các bài giảng về thơ và văn học cổ điển thời Heian như Cổ kim hòa ca tập (Kokinshuu – 古今集), Truyện Genji và Truyện Ise vào mỗi tuần, bà còn tham gia cuộc thi sáng tác thơ hàng tháng dành cho tất cả học sinh được tổ chức tại trường.
Bà được miêu tả là người có vóc dáng nhỏ nhắn, mái tóc mỏng, tính cách nhút nhát và kiêm tốn. Khi học tại ngôi trường dành cho giới quý tộc, Higuchi Ichiyo cảm nhận sâu sắc mình khác biệt với phần lớn các học sinh tại đây. Nhưng không vì thế mà bà ngừng cố gắng và thu mình vào vỏ ốc. Sau nửa năm theo học tại trường, tài năng của Higuchi đã tỏa sáng. Bà giành được điểm cao nhất trong cuộc thi thơ của trường, vượt qua cả học sinh khóa trên.
Sóng gió bất ngờ ập đến
Năm 1889, cha và anh trai của bà qua đời do căn bệnh lao. Một anh trai khác của bà đã rời nhà ra đi từ trước. Lúc này, bà trở thành trụ cột của gia đình và gánh vác trên đôi vai bé nhỏ trọng trách to lớn là chăm sóc mẹ và em gái. Đây là một điều rất khác thường vào thời Meiji, bởi phụ nữ thời này được xem như tài sản của cha hoặc chồng mình. Trước khi cha bà qua đời, bà đã từng được hứa hôn với một sinh viên Luật có gia cảnh khá giả. Tuy nhiên, sau khi biết được hoàn cảnh nghèo khó của gia đình bà, người này đã phản bội và rời đi.
Lúc này, mẹ bà lại không cho phép bà được tiếp tục đi học. Vì vậy, cơ hội trở thành giáo viên cũng biến mất, tuy cơ hội này đã đến khi bà còn theo học tại trường Haginosha. Tài chính gia đình dần trở nên eo hẹp khiến gia đình Higuchi Ichiyo, mẹ và em gái phải kiếm sống bằng nghề may vá, giặt giũ và nhiều công việc khác, cũng như đi vay nợ khắp mọi nơi từ người thân và hàng xóm.
Trước những áp lực của cuộc sống, bà quyết định sẽ theo đuổi con đường viết lách nghiêm túc. Để luyện tập khả năng viết, vào năm 1891, bà bắt đầu bằng việc viết nhật ký và duy trì đến 5 năm cuối đời. Nếu con đường duy nhất để phụ nữ thời bấy giờ có thể kiếm được tiền là phải làm gái mại dâm hoặc trở thành tình nhân của một người đàn ông giàu có, Higuchi Ichiyo lại muốn tự kiếm tiền bằng chính tài năng viết lách của mình.
Sự nghiệp viết lách dù ngắn ngủi nhưng đầy thăng hoa
Năm 1892, sau khi nhìn thấy người bạn cùng lớp nổi tiếng nhờ việc viết tiểu thuyết, Higuchi Ichiyo đã quyết định trở thành tiểu thuyết gia để kiếm tiền nuôi gia đình. Bà lấy bút danh là Ichiyo (一葉 – Nhất Diệp), nghĩa là "một chiếc lá". Theo nhà văn Nhật Chiêu, ý nghĩa của bút danh này xuất phát từ cọng lau mà Bồ Đề Đạt Ma dùng để vượt sông Dương Tử. Bút danh thể hiện khao khát vượt qua các con sóng của cuộc đời và đi đến bến bờ hạnh phúc.
Sau 9 tháng kể từ khi sáng tác nghiêm túc, bà đã ra mắt tiểu thuyết đầu tay mang tên Umoregi (tạm dịch: Sự mờ nhạt) và nhận được nhuận bút đầu tiên. Tác phẩm được đăng trên tạp chí Miyako no hana và đặt dấu mốc trở thành nhà văn chuyên nghiệp của Ichiyo. Bà nhanh chóng được độc giả biết đến và được xem là một nhà văn trẻ đầy tiềm năng.
Để có thể xuất bản sách vào thời Meiji, các nhà văn trẻ cần sự giúp đỡ từ người hướng dẫn đã là một nhà văn trong giới văn học lúc bấy giờ. Higuchi Ichiyo đến nhờ sự hướng dẫn của nhà văn Tosui Nakarai. Bà không ngờ rằng mình sau này sẽ bị thu hút bởi người đàn ông này. Tuy nhiên, việc họ gặp gỡ riêng để thảo luận về tác phẩm không hề dễ dàng và thoải mái, bởi quan niệm nam nữ gặp riêng khi không có bất kỳ mối quan hệ nào là trái luân thường đạo lý. Nhưng cuối cùng, Tosui Nakarai cũng giúp đỡ bà hoàn thành việc xuất bản tác phẩm đầu tay.
Thế nhưng, Tosui Nakarai lại là kẻ trăng hoa, đi tung tin đồn rằng Higuchi Ichiyo đã quan hệ với hắn. Tin đồn nhanh chóng lan rộng khắp nơi, nhất là tại khu vực trường Haginosha – nơi bà từng theo học và làm trợ giảng. Bà nhận được thông tin này từ cô giáo của mình Nakajima Utako. Thật sự sốc và cảm thấy bị xúc phạm nghiêm trọng, Higuchi Ichiyo đã cắt đứt mọi liên hệ với Tosui Nakarai. Cùng với hôn ước trước đó bị hủy bỏ, sự việc lần này đã chém thêm một nhát dao nữa vào trái tim bà, trở thành chủ đề lặp đi lặp lại trong nhiều truyện của bà ở thời kỳ đầu sáng tác (1892 – 1894).
Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, người bạn thân và cô giáo đã luôn bên cạnh hỗ trợ cho Higuchi Ichiyo bằng cách giới thiệu cho bà nhiều mối quan hệ trong giới văn học, trong đó có nhóm văn học nổi tiếng Bungakkai. Bà đã vượt qua nỗi đau và tiếp tục sáng tác.
Trong quá trình sáng tác, Higuchi Ichiyo phải đấu tranh dữ dội giữa việc viết để có tiền nhuận bút nuôi cả gia đình hay theo đuổi nghệ thuật chân chính. Điều này làm cho Higuchi Ichiyo cảm thấy quá mệt mỏi, nên bà từng có thời gian tạm dừng việc viết lách và chuyển sang kinh doanh. Tháng 8/1893, gia đình bà chuyển đến sống tại khu phố Ryosen (竜泉) cách phố đèn đỏ Yoshiwara tầm 5 phút đi bộ. Gia đình bà đã mở một cửa hàng tạp hóa bán đồ đan lát, đồ gốm và kẹo để kiếm kế sinh nhai. Mặc dù cửa hàng có chút tiếng tăm nhưng lại không có doanh thu buộc bà phải đóng cửa và chuyển nhà đi sau đó 10 tháng. Kể từ lúc này, bà quay trở lại con đường viết lách. Những năm tháng sống gần khu phố đèn đỏ Yoshiwara đã truyền cảm hứng cho bà viết nên tác phẩm nổi tiếng Takekurabe xuất bản năm 1896. Tác phẩm đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa đề "Một mùa thơ dại" và được nhà xuất bản Hội Nhà Văn ra mắt độc giả Việt Nam vào năm 2013. Cuốn tiểu thuyết miêu tả sống động những kỷ niệm thời thơ ấu: các lễ hội, các trò chơi đến những trải nghiệm đầy nước mắt khi trưởng thành của bà.
Giai đoạn sáng tác đỉnh cao của Higuchi Ichiyo là từ năm 1894 đến năm 1896. Ở giai đoạn này, các tác phẩm không chỉ bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm sống gần khu đèn đỏ mà còn quan tâm nhiều hơn đến số phận bi kịch của người phụ nữ thời Meiji. Ngoài ra, phong cách sáng tác của bà cũng như chịu ảnh hưởng bởi nhà văn Ihara Saikaku. Các tác phẩm của Ihara Saikaku đã đề cập đến số phận của những nhân vật thấp cổ bé họng trong xã hội mà trước đó, chưa có nhà văn nào nhắc đến. Chịu ảnh hưởng từ ông, bà đã mang đến cho độc giả góc nhìn đầy khác biệt nhưng cũng đầy đau khổ về thân phận những người phụ nữ thấp cổ bé họng, chịu nhiều cay đắng, dồn ép đến bước đường cùng vào thời bấy giờ. Các tác phẩm điển hình giai đoạn này là: Ootsugomori (Vào ngày cuối cùng của năm) xuất bản năm 1894, Nigorie (Vùng nước rắc rối) xuất bản năm 1895, Juusanya (Đêm mười ba) xuất bản năm 1895, Takekurabe (Một mùa thơ dại) xuất bản năm 1895 và Wakare Michi (Những ngã đường cách biệt) xuất bản năm 1896. Trong đó, 2 tác phẩm Juusanya và Takekurabe được đánh giá là tác phẩm hay nhất của nữ nhà văn.
Những tác phẩm sáng tác trong giai đoạn cuối đời đã giúp danh tiếng của Higuchi Ichiyo càng ngày càng lan rộng khắp Edo. Bà được giới chuyên môn đánh giá cao vì cách viết theo lối truyền thống và được gọi là người phụ nữ cuối cùng của thời đại Meiji cũ. Đặc biệt, bà còn sử dụng nhiều từ ngữ mới được tạo ra ở thời Minh Trị để tạo nên chất "Higuchi Ichiyo" không lẫn vào đâu được. Tại ngôi nhà nhỏ của mình, bà được nhiều nhà văn, sinh viên ngành thơ, người hâm mộ đến thăm và nhận nhiều lời mời hợp tác từ các nhà phê bình và biên tập viên. Vì thường xuyên đau đầu và căn bệnh lao dày vò bà đã ngừng viết vài tháng trước khi qua đời vào năm 1896.
Ra đi ở độ tuổi xinh đẹp nhất
Higuchi Ichiyo qua đời vào ngày 23/11/1896 ở tuổi 24 do căn bệnh lao giống như anh trai và cha của bà, để lại sau lưng là sự tiếc nuối khôn nguôi của độc giả dành cho nữ nhà văn tài hoa. Bà đã viết khoảng 21 truyện ngắn, 4.000 bài thơ, một số tiểu luận cùng cuốn nhật ký ghi lại cuộc đời 24 mùa xuân của mình. Cuộc đời của bà cũng được dựng thành nhiều bộ phim truyền hình tại Nhật Bản như phim Ichiyo Higuchi (1939) của đạo diễn Kyotaro Namiki, phim Takekurabe (1955) của đạo diễn Heinosuke Gosho.
Để tưởng nhớ nữ nhà văn tài hoa bạc mệnh, vào mùa thu năm 2004, chân dung của bà được in trên tờ 5.000 yên. Higuchi Ichiyo trở thành người phụ nữ Nhật thứ ba được in lên tờ tiền sau hoàng hậu Jinguu vào năm 1881 và tác giả của Truyện Genji Murasaki Shikibu vào năm 2000.
Ngoài ra, tại khu phố Ryosen, quận Taito, Tokyo bà từng sống và lấy nguồn cảm hứng sáng tác nên tác phẩm Một mùa thơ dại, một bảo tàng tưởng niệm đã được xây dựng, có tên là Ichiyo Memorial Museum.
Higuchi Ichiyo là phụ nữ hiện đại đầu tiên tự nuôi sống mình và gia đình bằng việc viết lách trong thời Meiji. Bà trở thành hình tượng người phụ nữ đầy nghị lực và can trường không để hoàn cảnh quyết định số phận, mà quyết liệt theo đuổi ước mơ của mình.
kilala.vn
21/04/2021
Bài: Ngọc Oanh
Ảnh bìa: 4travel.jp
Đăng nhập tài khoản để bình luận