Hiểu văn hóa “nói vậy mà không phải vậy” của dân Kyoto qua loạt sticker hài hước
Người Kyoto có một nét văn hóa giao tiếp khá thú vị, gọi là “Ikezu” - không trực tiếp nói ra suy nghĩ thực sự của mình mà diễn đạt theo cách khác. Chẳng hạn như khi một người Kyoto nói rằng “bạn có chiếc đồng hồ thật đẹp”, đó có thể không thực sự là lời khen mà điều họ thật sự muốn nói là “cuộc trò chuyện này đã diễn ra quá lâu rồi...” (nhắc nhở đã đến lúc kết thúc).
Bộ sản phẩm bao gồm 4 thiết kế, mỗi thiết kế có mặt trước thể hiện biểu cảm lịch sự và mặt sau thể hiện ý nghĩa thực sự đằng sau những câu nói.
Mặt trước của nhãn dán đầu tiên có hình một người phụ nữ mặc kimono trông tử tế và ấm áp nói bằng phương ngữ Kyoto: “Bồn cầu của tôi có thể ngồi không thoải mái, nhưng bạn cứ tự nhiên sử dụng nếu thích”. Có lẽ bạn sẽ nghĩ người phụ nữ này thật tốt bụng, nhưng khoan đã, hãy lật mặt sau của sticker, bạn sẽ nhìn thấy dòng chữ: “Bạn sẽ không tiểu đứng, được chứ?” - đó mới là điều người phụ nữ đang nghĩ.
Bạn có thể đính nhãn dán ở những nơi phù hợp với ý nghĩa của các thông điệp. Chẳng hạn như hãy dán ở hộp thư nhãn có câu: “Rất tiếc tôi chỉ có một hộp thư nhỏ. Xin lỗi vì gây ra phiền toái cho bạn”. Như bạn có thể đoán, đây không phải lời xin lỗi chân thành về kích thước của hộp thư mà ý nghĩa thực sự của nó là “Đừng nhét vào hộp thư của tôi những tờ rơi vô nghĩa”.
Một nhãn dán khác với nội dung “Xin chào mừng. Ôi chao, bạn đang mặc bộ cánh tuyệt nhất. Bạn đã đến Hồ Biwa chưa?” và nó có nghĩa là “Đừng bước vào đây với bộ trang phục nhếch nhác”.
Cuối cùng là nhãn dán với câu “Bạn có biết, không cần phải húp mì soba ở Kyoto mới thấy ngon”. Ý nghĩa thực sự ở đây là: “Đừng là người ăn uống ồn ào”.
Nhân vật xuất hiện trên mỗi nhãn dán là Rie Ohnishi, chủ sở hữu thế hệ thứ tư của một cửa hàng bán quạt truyền thống ở Kyoto. Cô ấy có được lượng người theo dõi lớn trên mạng, không chỉ vì ngoại hình và công việc kinh doanh mà còn vì khả năng tạo ra những khuôn mặt ngộ nghĩnh.
Nếu muốn học về Ikezu, bạn có thể tìm thấy sản phẩm này tại các cửa hàng lưu niệm ở Kyoto (xem danh sách bên dưới) với giá 800 yên (khoảng 130.000 đồng) cho một bộ bốn nhãn dán.
- Saga Arashiyama Bunkakan (11 Saga Tenryuji Aonobaba-cho, Ukyo-ku, Kyoto-shi, Kyoto)
- Kyoto Souvenir Uramatsu (548-3 Nakano-cho, Shijo Kamiru, Shinkyogoku-dori, Nakagyo-ku, Kyoto)
- Kaze no Eki (Tầng 2, 176-2 Futagami-cho, Kamigyo-ku, Kyoto-shi, Kyoto)
- HOTEL MUSO (678 Ishifudono-cho, Shimogyo-ku, Kyoto-shi, Kyoto)
- Ryokan Koro (114 Horinokami-cho, Nakagyo-ku, Kyoto-shi, Kyoto)
- SecondDesk Kitaoji Horikawa (14-2 Murakino Nishigoshoda-cho, Kita-ku, Kyoto-shi, Kyoto)
- SHOPpeaberry (307-1 Imayakuya-cho, Kamigyo-ku, Kyoto-shi, Kyoto)
- Onishi Tsune Shoten (23 Hontoro-cho, Shimogyo-ku, Kyoto-shi, Kyoto)
Xem thêm: Honne và Tatemae: Ranh giới giữa lịch sự và giả tạo
kilala.vn
Nguồn: SoraNews24
Đăng nhập tài khoản để bình luận