Hành trình giải cứu giống chó Sanin Shiba khỏi tuyệt chủng
Sanin Shiba nhỏ nhắn và rất thông minh
"山陰柴犬 – Sanin Shiba Inu" (chó Sanin Shiba) được nuôi chủ yếu ở thị trấn Yurihama, quận Tohaku, tỉnh Tottori. Chúng còn được gọi với cái tên “じいぬ- Jiinu”. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Nagoya và một số nơi khác, Sanin Shiba được cho là có mối liên hệ với các giống chó đến từ Hàn Quốc.
Chiều cao trung bình của một chú Sanin Shiba đực là khoảng 40cm và đối với con cái là 37cm. So với giống chó Shiba thông thường, Sanin Shiba có đầu nhỏ, chân thon dài, thân hình gầy và săn chắc. Tai của chúng cũng nhỏ, vểnh lên và nằm gần nhau hơn. Với cấu tạo tai khác biệt, khuôn mặt của chó Sanin Shiba trông giống như mặt một chú cáo hoặc có khi còn được ví như một vị Samurai già. Đặc biệt, chúng có bộ lông rất mượt, pha trộn một chút đỏ với vàng, trắng, đen tạo nên nét độc đáo riêng của giống Sanin Shiba.
Chó Sanin rất thích vận động và có sức đề kháng tốt hơn so với giống Shiba thông thường. Chúng có thể “đi khẽ, bước nhẹ” trên bãi cỏ, cực kỳ trung thành với chủ, ngoan ngoãn, nhẫn nại và bình tĩnh. Vì vậy, trước đây, Sanin từng là trợ thủ đắc lực cho người đi săn. Tuy nhiên, chúng đẻ rất ít, chỉ từ 2 đến 3 con trong một lần sinh và có chu kỳ phát dục cũng dài hơn bình thường. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng loài khó tăng trưởng.
Loài chó nhỏ đứng trước nguy cơ tuyệt chủng
Đầu thời kỳ Showa (1926 – 1989), nhiều giống chó phương Tây du nhập vào Nhật Bản và nhanh chóng được lai tạo với các giống địa phương, dẫn đến nguy cơ biến mất của loài chó bản địa. Nhận thấy điều này, Masuzo Osaki đã lập nên nhóm Ikuseikai và bắt đầu việc nghiên cứu các giống chó bản địa tại tỉnh Tottori, đặt nền móng cho việc bảo tồn Sanin Shiba.
Osaki đã thu thập và lai tạo nhiều giống chó Shiba như Inaba ở vùng Đông Nam Yazu, Hoki ở trung tâm vùng Tohaku. Tuy nhiên, công việc bảo tồn chịu nhiều ảnh hưởng và gặp vô vàn khó khăn bởi chiến tranh. Khi cuộc chiến Thái Bình Dương (07/12/1941 – 02/09/1945) diễn ra, Nhật Bản tham chiến với tư cách phe Trục chống lại quân Đồng Minh. Vì vậy, việc lai tạo các giống chó của ông Osaki rơi vào khó khăn do tình trạng thiếu lương thực diễn ra trên diện rộng. Lúc này, ông đã nhờ sự trợ giúp của chính quyền tỉnh Tottori và các quan chức khác để quản lý việc bảo tồn từ 20 – 30 cá thể chó bản địa của tỉnh. Sau đó, Osaki đã tiến hành lai tạo chúng với giống chó Sekishu tại phía Tây của tỉnh Shimane, gần tỉnh Tottori. Đây được xem là cột mốc đánh dấu sự ra đời của giống chó Sanin Shiba ngày nay.
Vào lúc 15h ngày 17/4/1952, một trận đại hỏa hoạn đã diễn ra tại thành phố Tottori, thiêu rụi 5.288 trong tổng số 12.000 ngôi nhà tại đây và khiến hơn 130 người bị thương, trên 1/3 diện tích của thành phố bị xóa sổ. Đây là trận hỏa họa lớn nhất Nhật Bản kể từ sau chiến tranh, tác động lớn đến những nỗ lực bảo tồn chó bản địa vùng Tottori của ông Osaki. Chưa dừng lại ở đó, suốt thập niên 50, 60, dịch bệnh Ca rê* đã diễn ra đến hai lần và lan rộng khắp tỉnh Tottori khiến rất nhiều chú chó được ông Osaki nuôi không thể sống sót.
*Bệnh Ca rê (hay còn gọi là bệnh sài sốt ở chó) do vi rút Canine Distemper gây ra là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thường xảy ra ở chó con (từ 2 đến 6 tháng tuổi) với tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao.
Sau khi Masuzo Osaki qua đời, nhóm Ikuseikai vẫn được duy trì bởi con trai ông và Setsuji Nagao, 87 tuổi. Họ nỗ lực miệt mài nuôi dưỡng, truyền thông về giống chó hiếm Sanin đến với mọi người. Nhờ sự hợp tác giữa các thành viên, vào khoảng năm 1990, số lượng Sanin Shiba đạt 90 con và thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội và cột mốc 500 con
Vào ngày 2/6/2020, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp Tetsuya Yutaka, 42 tuổi ở thị trấn Daisen, tỉnh Tottori đã chụp ảnh hai chú chó con Sanin Shiba và đăng tải lên Twitter. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc một chú Sanin đực và một Sanin cái mới 2 tháng tuổi đang chạy trong tư thế nép sát gương mặt vào nhau. Dù đang chạy nhưng chúng vẫn có thể nhìn đúng hướng máy ảnh, Yutaka gọi tên khoảnh khắc đặc biệt này là “Một cuộc đua 2 chân tuyệt đẹp”. Anh ví bức ảnh như một phép màu và nói rằng “thần máy ảnh” đã giúp anh chụp được nó. Bức ảnh nhanh chóng tạo cơn sốt trên Twitter với 20.000 lượt tweet và 850.000 lượt yêu thích. Có người còn bình luận rằng, 2 chú chó con giống với Orthrus (chú chó 2 đầu với cái đuôi rắn bảo vệ đàn gia súc của Geryon trong thần thoại Hy Lạp).
Trước đó, vào tháng 8/2018, khi con gái của Yutaka chào đời, anh đã tìm nuôi một chú chó cái Sanin cùng tuổi với con gái mình và đặt tên là Koharu. Koharu đã được ghép đôi với một chú chó đực cùng giống của nhóm bảo tồn Ikuseikai. Tin mừng đến với gia đình Yutaka khi đến ngày 7/4/2020, hai chú chó con đã chào đời: Komatsu (con đực) và Shizuku (con cái).
Ngay sau khi bức ảnh trên được lan tỏa, rất nhiều người đã ứng tuyển trở thành tình nguyện viên của nhóm Sanin Shiba Inu Ikuseikai. Morito Matsumoto – thư ký của nhóm đã hào hứng chia sẻ: “Tôi hy vọng nhiều người trẻ sẽ quan tâm đến những chú chó Sanin và muốn nuôi dưỡng chúng. Hiện tại, từ tháng 2/2020, có hơn 15 người trên khắp nước Nhật đang chờ đợi để được tặng một chú chó Sanin”.
Kaoru Maeda (69 tuổi), một thành viên của nhóm Ikuseikai, hào hứng chia sẻ khi đang dắt 2 chú chó Hayate 7 tuổi (con đực) và Momo 1 tuổi (con cái) đi dạo tại một bờ hồ ở Yurihama, tỉnh Tottori: “Những con chó nhỏ nhắn này thông minh đến kinh ngạc”.
Vào mùa hè năm ngoái, những chú chó con Sanin Shiba ra đời làm các thành viên của nhóm Ikuseikai vô cùng phấn khởi. Cụ thể, tính đến tháng 2/2020, có khoảng 520 cá thể Sanin sống trong và ngoài tỉnh Tottori. Satoshi Osaki, 62 tuổi – cháu nội của Masuzo Osaki (người tiên phong bảo tồn giống chó Sanin) chia sẻ: “Số lượng chó Sanin Shiba tăng một cách bất ngờ. Vào thời điểm thành lập nhóm, chúng tôi chưa từng nghĩ đến con số này”.
kilala.vn
02/06/2021
Bài: Rin
Ảnh bìa: 豊哲也@tetsuya_yutaka
Đăng nhập tài khoản để bình luận