Giải mã lý do nhà sư Nhật Bản được phép kết hôn

    Ở xứ Phù Tang luôn tồn tại những điều kỳ lạ, độc đáo như việc nhà sư Phật giáo lại được tự do lấy vợ, sinh con nối dõi tông đường như bao người khác.

    Chúng ta thường quen thuộc với việc những ai đã xuất gia là rời bỏ chốn hồng trần để tâm thanh tịnh. Các nhà sư thường ăn chay niệm Phật, từ bỏ mọi hư vinh tham vọng, ngay cả chuyện lập gia đình lo cho hạnh phúc riêng để toàn tâm toàn ý hướng về Phật

    nhà sư kết hôn

    Ảnh: The Japan Times

    Tuy nhiên ở Nhật thì lại khác, các nhà sư tại quốc gia này lại có cuộc sống thế tục đậm vị nhân gian như ăn thịt uống rượu, kết hôn sinh con. Điều này khiến nhiều Phật tử, những người am hiểu hay có chút kiến thức về Phật giáo trên thế giới cảm thấy bất ngờ và lấy làm thú vị. Đó là chuyện lạ với du khách quốc tế nhưng với người Nhật thì việc này là lẽ thường tình. Vậy tại sao nhà sư Nhật Bản lại được phép kết hôn? Dưới đây là câu trả lời về hiện tượng “lạ lùng” này.

    Tông phái khác nhau thì quy định cũng khác nhau

    Trong lịch sử đất nước mặt trời mọc, những nhà sư đã được phép lập gia đình kể từ thời Heian (平安; 794 - 1185), và điều này tiếp tục xảy ra ở các thời đại Kamakura (鎌倉; 1185 - 1333), Muromachi (室町; 1336 - 1570) và Edo (江戸; 1600 - 1867). Sự việc này dần trở thành một truyền thống được duy trì cho đến tận ngày nay.
    nhà sư kết hôn
    Ảnh:  RT

    Tại Nhật và các quốc gia phương Đông xuất hiện nhiều tông phái Phật giáo, mỗi tông phái sẽ có quy tắc, luật lệ riêng biệt, cách tiếp cận và quan điểm trong việc giáo huấn cũng khác nhau.
    Một số tông phái Phật giáo được thành lập ở Nhật Bản gồm Thiền (禅 - Zen), Luật Tông (律宗 - Risshu), Chân Ngôn Tông (真言 - Shingon)… Về sau còn có thêm cả Soka Gakkai (創価学会), Rissho Kosei Kai (立正佼成会), Nipponzan-Myohoji-Daisanga (日本山妙法寺大僧伽)…

    [subscribe]

    Về cơ bản, các nhà sư từ trường giảng dạy Đại Thừa (マハヤナ学園) như Thiền, Thiên Thai Tông (天台 - Tendai), Tịnh Độ Tông (浄土宗 - Jodo-shu)… không bắt buộc phải sống độc thân suốt đời. Tuy nhiên có nhà sư thuộc các tông phái này lựa chọn sống một mình, có người lại quay về đời sống trần tục, lấy vợ sinh con. Việc kết hôn dựa vào quyết định của mỗi nhà sư, lựa chọn tự nguyện theo quyền của mỗi người nhưng họ vẫn phải giữ trọn trách nhiệm với Phật.

    Theo luật Nikujiku Saitai của Chính quyền Minh Trị

    Năm 1868 đánh dấu sự kết thúc của Mạc phủ sau 800 năm cai trị và bắt đầu thời kỳ Minh Trị dưới sự cai quản bởi quyền lực của Thiên Hoàng. Đây cũng là một bước ngoặt với Nhật Bản, vì từ đây xứ Phù Tang bắt đầu mở cửa hội nhập thế giới và tiến hành công cuộc hiện đại hóa. Điều này có nghĩa là những gì liên quan đến Mạc phủ đều bị hủy hoại hoặc bãi bỏ và trong đó bao gồm cả Phật giáo.

    Trước khi xảy ra cuộc Cách mạng Minh Trị (1866 - 1869), cả Thần đạo và Phật giáo đều được kết hợp thành hệ thống gọi là Shinbutsu-shugo (神仏習合). Tuy nhiên, sau khi Thiên Hoàng Minh Trị lên nắm quyền, Thần đạo (Shinto) đã bị tách khỏi Phật giáo. Vì Hoàng đế Nhật Bản đã được thừa nhận là một hậu duệ của Kami (神), thần trong đạo Shinto, trong khi đó tướng quân (Shogun) của Mạc Phủ lại ủng hộ Phật giáo.

    Điều này đã dẫn đến việc thanh lọc Phật giáo gọi là Haibutsu kishaku (廃仏毀釈). Sự kiện này đã dẫn đến việc phá hủy các chùa chiền, hình ảnh và văn bản ghi chép, buộc các nhà sư Phật giáo phải quay trở lại cuộc sống thế tục.

    nhà sư kết hôn

    Bức vẽ miêu tả sự kiện Haibutsu Kishaku. Ảnh: Commons Wikimedia

    Năm 1872, Chính quyền Minh Trị ban hành luật Nikujiku Saitai (肉食妻帯) cho phép các nhà sư theo Phật được tự do kết hôn và ăn thịt uống rượu để bình thường hóa cuộc sống của họ. Đây được xem là cách thức để chính phủ làm suy yếu Phật giáo. Có một số nhà sư đã lựa chọn sống độc thân. Nhưng hầu hết khi luật Nikujiku Saitai được thực thi đã dẫn đến việc đại đa số các tông phái Phật giáo ở Nhật sau này đều theo chế độ “thế tập”, cha truyền con nối, tức là sau khi sư thầy trụ trì viên tịch, người kế thừa chính là con trai của ông.

    Ngài Shinran - Thân Loan (1173 - 1263), người sáng lập ra Tịnh Độ Chân Tông, một Tông giáo của Phật giáo Nhật Bản khi xưa đã kết hôn công khai và có bảy người con. Những người con sau này đã kế tục và duy trì sự hưng thịnh của tông phái.

    nhà sư Nhật kết hôn

    Nhà sư Jishoji Washin Akiyama và vợ ông, Michiko, đứng trước ngôi đền của họ ở quận Yuracho của Takamatsu, tỉnh Kagawa. Ảnh: Mainichi

    Quan điểm của phụ nữ Nhật

    Hiện nay, tại Nhật còn có các bữa tiệc xem mắt dành cho nhà sư. Sư thầy được xem là một hình mẫu lý tưởng để lấy làm chồng của nữ giới xứ hoa anh đào. Theo họ, các nhà sư thuộc kiểu người trí thức, có thu nhập cao, được phép kinh doanh, lập công ty riêng lại sở hữu chỗ ở ổn định, đáng tin cậy và hiếm khi ngoại tình.
    nhà sư xem mắt
    Những buổi xem mắt dành cho các nhà sư. Ảnh: telegraph

    Những lời giải thích trên đã hóa giải bí ẩn về cuộc sống riêng tư của nhà sư Nhật. Theo người Nhật. độc thân hay kết hôn là quyền lựa chọn của mỗi người, chỉ cần mỗi tín đồ luôn hướng cái tâm đến Phật là đủ, tựa như trích dẫn của Honen (法然), người sáng lập Tịnh Độ Tông: “Nếu việc thể hiện đức tin bằng cách niệm danh Ðức Phật một mình dễ dàng hơn thì người đó nên sống độc thân. Nếu làm điều đó với vợ hoặc chồng dễ hơn thì tốt hơn là nên kết hôn. Điều quan trọng chỉ là cách chúng ta thể hiện đức tin của bản thân trong việc niệm danh Đức Phật.”

    kilala.vn

    03/01/2022

    Bài: Ái Thương
    Nguồn: jpinfor

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!