Gekiga: Lịch sử của thể loại truyện tranh dành cho người lớn

    Vào cuối thập niên 50, Gekiga ra đời để đáp ứng nhu cầu giải trí của bộ phận nam giới trưởng thành. Và đây chính là tiền thân của thể loại Seinen manga hiện nay.

    Gekiga là gì?

    Trong tiếng Nhật, "Gekiga - 劇画 - Kịch Họa" nghĩa là “những bức tranh kịch tính”, chỉ thể loại truyện tranh Nhật Bản hướng đến độc giả trong độ tuổi trưởng thành. Thuật ngữ này được đặt ra bởi Yoshihiro Tatsumi vào năm 1957 và được nhiều họa sĩ truyện tranh áp dụng để khai thác những đề tài gai góc, táo bạo trong xã hội Nhật Bản đương thời.

    gekiga
    Ảnh: wavemotioncannon.com

    Gekiga chiếm ưu thế trên thị trường manga vào thập niên 60 và 70, với thẩm mỹ mang tính chiều sâu trong việc phác họa nhân vật qua các đường nét đậm, góc cạnh và nội dung chủ yếu khai thác chủ nghĩa hiện thực, sự gắn kết xã hội, sự từng trải của con người.

    Sự ra đời của một thể loại truyện tranh mới mang hơi thở thời đại

    Yoshihiro Tatsumi (1935 – 2015) được coi là “ông tổ” của dòng manga dành cho người lớn. Ông là một trong những họa sĩ đầu tiên đặt nền móng cho thể loại Gekiga.

    Vào thập niên 50, manga hầu hết đều đến từ Tokyo và chỉ dành cho trẻ em đọc, dẫn đầu ngành công nghiệp sáng tác này là Tezuka Osamu. Mặc dù chịu ảnh hưởng và yêu mến phong cách của vị tiền bối Tezuka nhưng Yoshihiro đã chọn hướng đi khác so với các đồng nghiệp. Ông muốn tạo ra những câu chuyện mà người lớn có thể đọc và tìm thấy bản thân mình trong đó, để họ được đồng cảm, sẻ chia trong một xã hội Nhật Bản đầy biến động trong thời hậu chiến. 

    Yoshihiro cho biết: "Một phần những gì ảnh hưởng trong phong cách sáng tác của tôi là những mẩu chuyện tôi đọc được trên báo. Tôi muốn thể hiện phản ứng đầy cảm xúc và bày tỏ nó vào truyện của mình”.

    Yoshihiro đưa ra khái niệm Gekiga vào năm 1957, cuối năm đó tác phẩm Gekiga đầu tiên "Yurei Taxi" của ông được xuất bản.

    yoshihiro tatsumi
    Yoshihiro Tatsumi - người đặt nền móng cho Gekiga. Ảnh: drawnandquarterly.com
    Năm 1959, Gekiga Kobo được thành lập tại Tokyo với tám thành viên, trong đó có Yoshihiro Tatsumi, Masahiko Matsumoto (tác giả của "The Man Next Door") và Takao Saito (tác giả của "Golgo 13"). Nhóm đã viết "Tuyên ngôn Gekiga" gửi đến nhiều nhà xuất bản và tờ báo để tuyên bố sứ mệnh của họ với truyện tranh.

    Sau một năm hoạt động, nhóm tan rã do chia rẽ nội bộ. Mặc dù chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng tầm ảnh hưởng của Gekiga Kobo rất mạnh mẽ và tác động đến phong cách sáng tác của nhiều họa sĩ cho đến tận ngày nay.

    Nhiều mangaka đã hưởng ứng và nghiêm túc phát triển thể loại sáng tác mới mẻ này vì họ muốn hướng đến cái mới với nét vẽ trưởng thành, “sắc sảo” hơn, thay vì kiểu vẽ manga truyền thống.

    yurei taxi·
    "Yurei Taxi" - tác phẩm Gekiga đầu tiên. Ảnh: ekizo.mandarake.co.jp

    Thời kỳ hoàng kim của Gekiga

    Thay vì làm việc cho các ấn phẩm chính thống, các họa sĩ Gekiga làm việc trong ngành công nghiệp truyện tranh cho thuê. Nghĩa là tác phẩm manga sẽ được in, xếp thành từng bộ sưu tập và cho độc giả mượn tại các cửa hàng cho thuê truyện, sau đó được trả lại khi đã hết thời gian theo quy định ở từng mức phí.

    Trong thời kỳ đầu, Gekiga được xem là một thể loại mới, đầy táo bạo, khác hẳn với những tựa manga truyền thống vốn chỉ dành cho các nam thiếu niên. Nhân vật chính trong manga Gekiga là nam giới ở tuổi trưởng thành, thường từ 18 tuổi trở lên và có câu chuyện thực tế, gần gũi với cuộc sống thường ngày.

    Họa sĩ khắc họa nên những suy nghĩ, hành động mang tính thực tiễn của nhân vật, qua đó phản ánh những góc khuất trong xã hội. Các chủ đề như bạo lực, tình dục, phê phán, châm biếm thời đại cũng không hề bị né tránh mà được diễn tả một cách công khai, thậm chí là trần trụi, gây ám ảnh đến người đọc.

    gekiga phản ánh góc khuất xã hội
    Gekiga và cách khai thác công khai, trần trụi, đầy ám ảnh. Ảnh: artsandculture.google.com

    Vào cuối thập niên 60 đến đầu thập niên 70, Gekiga đã thực sự “bùng nổ” vì những đứa trẻ mê truyện tranh thời hậu chiến đã lớn lên, họ muốn đọc thứ gì đó trưởng thành, “gây sốc”, phù hợp với chính cuộc sống mà họ đang sống. Họ tìm đến manga Gekiga để đọc, khám phá và được “đồng cảm”. 

    Gekiga đã thu hút thanh thiếu niên lớn tuổi, sinh viên đại học và người trưởng thành. Những tầng lớp độc giả này được gọi là “thế hệ truyện tranh” bởi vì việc đọc truyện theo thể loại Gekiga lúc ấy được xem là một hình thức nổi loạn. Khi đó, đọc Gekiga với người Nhật tương tự như nghe nhạc rock với dân hippie ở Hoa Kỳ. Điều này thể hiện cái tôi, nét cá tính của mỗi độc giả đã tìm thấy hay vẫn đang tìm kiếm bản thân, lý tưởng sống trong “những bức tranh kịch tính”.

    Năm 1964, tạp chí tiên phong Garo được thành lập, trở thành nơi cung cấp các tác phẩm thử nghiệm và độc đáo về Gekiga. Do sự phổ biến của thể loại truyện tranh này mà Tezuka Osamu cũng bắt đầu thể hiện sự ảnh hưởng của Gekiga trong các tác phẩm của ông như "Hi no Tori" (Phoenix) hay "Adolf".

    hi no tori
    "Hi no Tori" của Tezuka Osamu. Ảnh: myanimelist.net

    Tầm ảnh hưởng sâu rộng

    Gekiga thể hiện phong cách sáng tác thực tế của thế hệ họa sĩ truyện tranh đầu tiên của Nhật Bản. Tuy nhiên một số tác giả đã “lợi dụng” thuật ngữ Gekiga để mô tả các tác phẩm chỉ có yếu tố gây sốc, đen tối, thiên về tình dục; điều này làm sai lệch ý nghĩa ban đầu của một thể loại sáng tác hướng đến tính hiện thực và nghệ thuật trong truyện tranh. 

    Vì vậy vào năm 1968, Yoshihiro Tatsumi đã xuất bản Gekiga College để tìm lại ý nghĩa lớn lao ban đầu của phong cách sáng tác mà ông đã tiên phong. Theo ông, Gekiga không đơn thuần là truyện tranh ẩn chứa bạo lực hay yếu tố khêu gợi mà nó là câu chuyện đời của mỗi người, nó trần tục nhưng giàu tính nhân vật, phản ánh sâu sắc thực trạng xã hội.

    yoshihiro tatsumi người tiên phong gekimanga

    Với Yoshihiro, Gekiga là câu chuyện đời mỗi người, phản ánh sâu sắc thực trạng của xã hội. Ảnh: The Japan Times
    Vào thập niên 80, Gekiga dần được chấp nhận rộng rãi sau khi "cha đẻ manga" Tezuka Osamu cũng áp dụng lối kể chuyện và phong cách của Gekiga vào tác phẩm của mình. Đa dạng các câu chuyện được thử nghiệm tại thị trường truyện tranh chính thống và giai đoạn này được các nhà phê bình gọi là “Thời đại hoàng kim” của manga. Năm 1977, nhà văn Kazuo Koike thành lập chương trình giáo dục Gekiga Sonjuku, nhấn mạnh vào sự trưởng thành và tính cách mạnh mẽ trong manga.

    Chính sự thẳng thắn, không né tránh như trong những bộ Shounen trước đây đã mở đường cho thể loại Gekiga trở nên phổ biến và khai thác được đối tượng độc giả là nam giới vốn đã bước qua lứa tuổi thiếu niên. Đồng thời, điều này tạo nên tiền đề cho sự ra đời của thể loại Seinen đương đại (dòng manga hướng đến độc giả nam từ 18-40 tuổi).

    Khi các tạp chí Shounen chính thống ngày càng được thương mại hóa thì sức ảnh hưởng của Gekiga cũng bắt đầu giảm dần, giờ đây là sự thịnh hành của Seinen manga. Trong một thời gian dài Gekiga không được dịch sang các ngôn ngữ khác, nhưng sau thập niên 2000 trở đi, có nhiều nhà xuất bản đã bắt đầu khám phá lịch sử của Gekiga Nhật Bản. Các nhà xuất bản như Drawn & Quarterly đã bắt đầu xuất bản một số ấn bản tiếng Anh các tác phẩm của Yoshihiro Tatsumi và Yoshiharu Tsuge. Gekiga cũng gây chú ý và được khai thác trên thị trường tiểu thuyết hình ảnh (graphic novel) phương Tây.

    a drifting life
    "A Drifting Life" - một tác phẩm Gekiga nổi tiếng của Yoshihiro Tatsumi. Ảnh: Anilist

    “Thay vì đơn giản sử dụng Gekiga như một biểu ngữ để hợp pháp hóa nội dung người lớn và chủ nghĩa hiện thực trong manga, các họa sĩ đã phát triển một thẩm mỹ hoàn toàn mới.” Đó là những gì mà Irma Nunez của The Japan Times đã viết về Gekiga - một thể loại sáng tác tô thêm sự đa dạng, cuốn hút cho lịch sự truyện tranh xứ Nhật.

    kilala.vn

    23/03/2023

    Bài: Ái Thương

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!