NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Gấu: “Hàng xóm hoang dã” đáng sợ của người Nhật

    Gấu: “Hàng xóm hoang dã” đáng sợ của người Nhật

    Những năm gần đây, ngày càng có nhiều cá thể gấu tràn xuống khu vực sinh sống của con người, gây ra thương vong và thiệt hại về mùa màng tại Nhật Bản.

    Tại đất nước mặt trời mọc đã từng xảy ra một vụ sát hại đẫm máu của loài gấu, được biết đến với tên gọi "Sankebetsu higuma jiken - Vụ việc gấu tấn công ở Sankebetsu". Sự kiện này diễn ra vào năm 1915 tại làng Sankebetsu Rokusen-sawa, Hokkaido và đã có 7 người thiệt mạng bởi một con gấu nâu có tên Kesagake.

    Từ đó gấu trở thành nỗi ám ảnh với người dân Nhật Bản. Và đến nay, loài này vẫn tiếp tục tấn công, không chỉ xuất hiện ở khu vực rừng núi hay nông thôn hẻo lánh mà giờ đây, gấu đã xâm nhập vào môi trường sống đông đúc của con người. Hình ảnh những con gấu dạo bước trên đường lớn, quẩn quanh tìm kiếm thức ăn ở vùng ngoại ô ngày càng trở nên phổ biến.

    Theo số liệu sơ bộ do Bộ Môi trường công bố, từ tháng 4 đến cuối tháng 11 năm 2023 , đã có 212 vụ gấu tấn công người ở Nhật Bản, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Đây là số vụ tấn công cao nhất kể từ khi Bộ bắt đầu tổng hợp số liệu vào năm 2006. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản, trong đó 70 vụ ở tỉnh Akita và 45 vụ ở tỉnh Iwate.

    gau-nhat-ban-tan-cong-con-nguoi
    Gấu xuất hiện tại khu vực đô thị ở Nhật. Ảnh: Mainichi

    Vấn nạn “gấu đô thị”

    Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với vấn đề “gấu đô thị” - loài động vật sống trong các khu rừng gần thị trấn và xâm nhập vào các khu định cư của con người khi thức ăn khan hiếm.
    Nhưng đất nước này đang phải đối mặt với một tình trạng đáng báo động khi số lượng “gấu đô thị” ngày càng tăng lên, đe dọa đến cuộc sống của người dân.

    Trong số tám loài gấu trên thế giới, có hai loài sống tự nhiên tại Nhật là: gấu nâu, được tìm thấy ở Hokkaido và gấu đen châu Á, sinh sống ở phía bắc Honshu hay Shikoku (với số lượng nhỏ).

    Gấu nâu Hokkaido là một trong những phân loài gấu lớn nhất, với con đực thường cao tới 2 mét. Gấu đen nhỏ hơn một chút, có kích thước trung bình khoảng 1,2 mét. Hai loài gấu này thuộc nhóm động vật hoang dã và có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

    gau-nau-nhat-ban
    Gấu nâu Nhật Bản. Ảnh: Hokkaido University

    Những năm gần đây, môi trường sống của gấu hoang dã đã thay đổi khi từ những vùng núi, khu rừng hay khu vực nông thôn hẻo lánh, chúng dần di chuyển đến gần vùng ngoại ô, đô thị.

    Sato Yoshikazu, nhà nghiên cứu về gấu tại Đại học Rakuno Gakuen của Hokkaido cho biết: “Nhìn về lâu dài, gấu hoang dã ngày càng xâm lấn gần hơn đến các khu vực sinh sống của con người. Kể từ năm 2000, đã có nhiều vụ gấu xâm nhập vào các khu vực đô thị gần nơi ở của con người.

    Gấu đen ở Honshu đã xâm nhập vào các khu dân cư để ăn rác và thậm chí còn được phát hiện trong các bể bơi. Ở Hokkaido, bạn có thể thấy gấu nâu xuất hiện nhiều ở khu vực Sapporo, thành phố có 2 triệu dân. Nhật Bản có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có gấu tồn tại gần một thành phố lớn như vậy”.

    gau-nhat
    Phân bố của gấu đen và gấu nâu ở Nhật Bản. Ảnh: Nippon

    Nguyên nhân của sự xâm chiếm

    Chính quyền địa phương nơi có gấu xuất hiện đã đưa ra nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của loài động vật này: sự thay đổi trong nguồn thức ăn. 

    Trong khẩu phần ăn của gấu có hạt sồi và một số loại hạt khác nhưng do vào mùa thu năm 2023, mùa hạt kém dẫn đến việc nhiều con gấu đã di cư đến các khu vực rộng lớn hơn để kiếm thức ăn. Khu vực này bao gồm cả môi trường sống của con người.

    Ngoài ra trong giai đoạn cuối năm, gấu thường ngủ đông nhưng việc có sẵn nhiều con mồi đã khiến chúng ra ngoài sớm hơn. Đặc biệt là số lượng hươu tăng lên ở Hokkaido trong vài năm qua khiến chúng đã “tỉnh giấc” sớm để đi săn.

    Sự sụt giảm số lượng cá hồi ở Hokkaido, Bán đảo Shiretoko và các vùng núi khác đã khiến gấu chuyển sang ăn thịt hươu Ezo để tồn tại. Trong những năm gần đây, gấu ngày càng có xu hướng săn hươu. Chúng thường ăn xác chết hươu đang bị tiêu hủy gần khu vực trồng nông sản hay săn những con non.

    gau-hokkaido
    Gấu nâu ở Hokkaido. Ảnh: Hokkaido University

    Bên cạnh đó chiến lược đa dạng sinh học của chính phủ Nhật cũng được cho là một yếu tố thúc đẩy sự gia tăng số lượng gấu ở khu vực thành thị kể từ năm 2000. Chính quyền địa phương ở các thị trấn và thành phố trên khắp nước Nhật đã phát động chiến dịch trồng cây để phủ xanh khu vực dọc theo các con đường và sông lớn, tạo ra mối liên kết trực tiếp giữa rừng với vùng sinh sống của con người.

    Một hậu quả không lường trước được là động vật hoang dã bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn ở các khu vực thành thị này. Ở Sapporo, đã có trường hợp gấu nâu lang thang đến tận các khu dân cư của thành phố trong hơn một thập kỷ qua.

    Ông Sato cho biết: “Trước đây gấu có thể bỏ chạy ngay khi nhìn thấy người. Nhưng những con gấu sinh ra gần khu định cư của con người đã quen dần với tiếng ồn của xe cộ và sự hiện diện của con người. Chúng chưa từng bị thợ săn truy đuổi và cũng không hề sợ hãi loài người. Vì vậy mà chúng thoải mái lang thang, tìm kiếm thức ăn ở những nơi con người sinh sống”.

    Các chuyên gia cho biết, già hóa dân số cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng gia tăng “gấu đô thị”. Giống như nhiều vùng nông thôn ở Nhật Bản, dân số Hokkaido đang giảm và ngày càng già đi. Điều này khiến các trang trại phải tự động hóa và không còn nhiều nhân công để xua đuổi gấu nữa.

    Ở các khu vực chăn nuôi bò sữa, chính phủ đã cung cấp các khoản trợ cấp để giúp nông dân tự chủ hơn về thức ăn chăn nuôi. Điều này dẫn đến sự gia tăng đáng kể diện tích đất trồng ngô. Cùng với củ cải đường và ngô ngọt, những loại cây trồng này chính là nguồn cung cấp thức ăn hấp dẫn với gấu nâu, khiến chúng thường lui tới để thưởng thức.

    Từ tiêu diệt đến bảo tồn

    Số lượng gấu nâu và nhiều loài hoang dã khác đã giảm mạnh trong những năm 70 và 80. Điều này bắt đầu thay đổi vào những năm 90, khi các phong trào sinh thái trên khắp thế giới bắt đầu khuyến khích sự khoan dung và chung sống với thiên nhiên.

    Nhật Bản đã phê chuẩn các hiệp ước về đa dạng sinh học, chuyển sang chính sách bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tự nhiên của quốc gia. Vì vậy một số chính quyền địa phương đã thực hiện các bước để xây dựng cộng đồng có khả năng chống chọi với gấu và các động vật hoang dã khác.

    Như ở tỉnh Shimane, Sở Lâm nghiệp tỉnh đang giám sát một chương trình quản lý động vật hoang dã tổng hợp, trong đó kết hợp chính sách bảo tồn với chính sách giảm thiểu thiệt hại do động vật hoang dã gây ra cho sinh kế và tài sản của con người. Các tổ chức liên quan sẽ giám sát động vật hoang dã địa phương và thực hiện khảo sát quần thể cũng như các nghiên cứu khác.

    canh-bao-gau
    Biển cảnh báo gấu tại Nhật Bản. Ảnh: The Japan Times

    Những khu vực này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc bổ nhiệm các chuyên gia về động vật hoang dã cho các thị trấn và thành phố - những người đóng vai trò điều phối quan trọng giữa người dân và chính quyền địa phương.

    Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Việc giảm thiểu thiệt hại do động vật hoang dã gây ra ở nhiều vùng thực ra là giao nhiệm vụ cho hội săn bắn địa phương. Điều này gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Như việc tiêu diệt gấu OSO18 vào tháng 7 năm 2023 sau một loạt vụ tấn công gia súc tại Shibecha, Akkeshi và các thị trấn nhỏ khác ở Hokkaido đã làm dấy lên những ý kiến trái chiều.

    Có người ủng hộ việc này nhưng cũng có người phản đối, chính quyền địa phương đã nhận được rất nhiều đơn khiếu nại về việc tại sao cần phải tiêu diệt con gấu. Ở tỉnh Akita cũng tương tự, đã có những khiếu nại từ các nhà bảo tồn phản đối chính sách giết gấu sau các cuộc tấn công vào người hoặc gia súc. Việc tiêu diệt hay bảo tồn, giảm thiểu mối nguy hại của gấu đến đời sống con người hiện là một vấn đề nan giải ở Nhật.

    Giáo sư Sato Yoshikazu cho rằng nên học theo quan điểm của người Ainu. Là nguồn cung cấp thịt và lông quan trọng, đối với người Ainu - dân bản địa ở Hokkaido, gấu nâu được tôn sùng là kimun-kamuy (thần núi). Người Ainu sẽ làm lễ hiến tế tạ ơn để tiễn linh hồn chú gấu về cõi thiêng. 

    ainu-iomante
    Tranh vẽ nghi lễ hiến tế gấu (Iomante) của người Ainu. Ảnh: Wikipedia

    Nhưng những con gấu nâu làm hại người hoặc gia súc bị coi là wen-kamuy (linh hồn ma quỷ). Người Ainu sẽ không ngần ngại đứng lên chống lại loài gấu này và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bẫy và giết chúng. Nhưng có một điều cấm kỵ nghiêm ngặt là không được ăn thịt loài gấu “ác quỷ” này.

    Trong trường hợp “gấu đô thị”, chính quyền, các nhà chức trách cần xác định cụ thể con gấu nào là “wen-kamuy” và tìm cách tiêu diệt nó chứ không phải là săn bắt bừa bãi để giảm thiểu số lượng gấu. Việc nhanh chóng tiêu diệt một cá thể “wen-kamuy” vừa bảo vệ cộng đồng vừa giúp duy trì quần thể gấu về lâu dài.

    Sato cho biết ông mong muốn các chuyên gia sẽ được phân công đến các khu vực có số lượng gấu lớn để theo dõi quần thể và thu thập dữ liệu hàng ngày, từ đây mà xác định và đưa ra các biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề. Theo ông các chính sách phải được phối hợp với ý kiến của người dân địa phương, có tính đến quan điểm của những người bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công cũng như những người không bị ảnh hưởng trực tiếp.

    Ông nói rằng: “Ở đất nước này, chúng tôi may mắn có được một quần thể gấu sống tự nhiên trong các khu rừng ở Hokkaido và phía bắc Honshu. Tôi muốn mọi người cùng chung tay bảo tồn loài động vật này thay vì tìm cách tiêu diệt chúng. Hy vọng rằng mọi người sẽ tìm hiểu thêm về gấu cũng như hệ sinh thái của chúng và chung sống hòa bình với động vật hoang dã”.

    kilala.vn

    Nguồn: Nippon

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!