Doraemon - Người bạn từ quá khứ đến tương lai

    Trong ký ức của biết bao người trẻ Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, Doraemon là nhân vật thân thương gắn bó rất lâu, trải dài trong hành trình tuổi thơ và trưởng thành. Doraemon, được gọi thân mật là Mèo, mãi là chú mèo máy xanh béo ú, hồn nhiên và vui tính, lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ bạn bè xung quanh. Đặc biệt, những bảo bối của chú mèo này luôn là “mơ ước” của rất bạn trẻ.

    Doraemon người bạn quen thuộc

    Doraemon sinh ngày 3 tháng 9 năm 2112 (thuộc thế kỷ XXII), thuộc cung Xử Nữ. Doraemon ra đời khi tác giả Hiroshi – bút danh Fujiko Fujio – đang tìm kiếm cảm hứng sáng tác cho bộ truyện mới. Đêm ấy, tình cờ một chú mèo hoang nhảy vào nhà, nó kêu vài tiếng rồi ngủ thiếp trong lòng ông. Sang hôm sau, trong khi bước xuống cầu thang, ông vấp phải con lật đật của cô con gái. Ý tưởng chợt lóe ra trong ông về việc kết hợp mèo và lật đật – một chú mèo máy tròn vo lạ lùng mang tên Doraemon.

    Doraemon (ドラえもん) có nghĩa là chú mèo đi lạc, cái tên cũng giống như cuộc đời Mèo Ú: Chu du từ tương lai đến quá khứ để gặp gỡ Nobita. Ban đầu Doraemon sống tại gia đình Sewashi, cũng là cháu cố của Nobita. Do Sewashi muốn thay đổi tương lai về gia cảnh chật vật nên đã gởi chú mèo Doraemon về quá khứ để giúp cho ông cố - cậu bé hậu đậu Nobita - ở thế kỷ XX trưởng thành từng ngày. Từ đó, những chuyện dở khóc dở cười giữa chú mèo máy cùng cậu bé Nobita và nhóm bạn đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại.

    mèo máy doraemon
    Ảnh: Brian K.

    Doraemon có vẻ ngoài tròn trịa. Ngoại trừ phần mặt, tay chân và bụng màu trắng, Doraemon có nước da màu xanh dương. Thân thể Mèo Ú có quan hệ mật thiết với con số 12-3-9, cũng là chuỗi số ngày sinh của cậu (3/9/2112 hay 12/9/3), chẳng hạn như chiều cao 129,3 cm, vòng bụng 129,3 cm và cân nặng 129,3 kg. Chúng ta đều quen với hình ảnh Doraemon có màu xanh dương. Thế nhưng, lúc mới sinh, Mèo Ú lại có nước da màu vàng và có hai tai trên đầu. Vô tình trong một lần ngủ quên bị chuột gặm mất hai tai, buồn bã, chú mèo phải uống dung dịch có tên là "nỗi buồn" để giải sầu, nhưng tác dụng phụ của dung dịch đã biến da chú từ vàng sang xanh dương. Đó cũng là lí do mà cậu cực kỳ sợ và ghét chuột. Những ai yêu thích Doraemon thì chắc chắn sẽ không bao giờ quên những tập truyện Doraemon hoảng sợ khi thấy chuột, đến mức dùng súng Jumbo hủy diệt chúng.

    Ký ức thân thương

    Thế hệ trẻ Việt Nam lần đầu biết đến Doraemon vào năm 1992, khi những tập đầu tiên được NXB Kim Đồng biên dịch và trình làng. Cũng trong năm 1996, Tổng biên tập NXB Kim Đồng – ông Nguyễn Thắng Vu và tác giả Fujiko Fujio đã cùng sáng lập Quỹ học bổng Doraemon từ tiền bản quyền tiếng Việt để tiếp thêm ước mơ cho hơn 6.000 trẻ em nghèo Việt Nam. Quỹ Doraemon cũng được xem là quỹ văn hóa – giáo dục phi chính phủ sớm nhất tại Việt Nam. Có thể nói, tác phẩm đã gắn bó nhiều với đời sống tinh thần và vật chất của thế hệ trẻ Việt Nam trong khoảng thời gian rất dài.

    Dù đã nhiều năm trôi qua, Doraemon vẫn luôn là người bạn tri kỷ của nhiều người và là biểu tượng văn hóa trứ danh. Thuở ban đầu, Doraemon được gọi Việt hóa với cái tên thân thương là Đôrêmon cùng khẩu hiệu quen thuộc “Chú mèo máy đến từ tương lai”. Các bạn trẻ trong truyện cũng lần lượt mang những cái tên phiên âm thuận tiện cho các bé dễ đọc như Nôbita (Nobita), Xuka (Shizuka), Xêkô (Suneo), Chaien (Jaian), Đêkhi (Dekisugi). Những tính cách của từng nhân vật trở thành câu nói quen thuộc của nhiều bạn trẻ như: Nobita ăn vạ khóc nhè, Shizuka xinh đẹp, ngoan ngoãn; Suneo mỏ nhọn, khoác loác; Jaian rốn lồi thích ăn hiếp bạn bè; Dekisugi học giỏi lại đẹp trai;…

    mèo máy doraemon
    Ảnh: Yuxuan Wang.

    Thế hệ cuối 7x, 8x hay thậm chí 9x sẽ còn nhớ như in những khoảnh khắc các bạn nhỏ hẹn hò nơi sân bóng hay ngọn núi sau sân trường, những chuyến phiêu lưu đến những nơi xa hơn, lạ lẫm hơn nhờ có Cánh cửa thần kỳ hay Chong chóng tre. Cùng Doraemon đến những vùng đất xa lạ, gặp gỡ những người bạn mới, những ký ức ấy như hiện rõ trong tâm trí độc giả dù có trải qua bao năm tháng đi nữa. 

    Những ấn phẩm về sau cho ra hình ảnh Mèo Ú trau chuốt hơn về hành động cử chỉ, nét vẽ nhưng tất cả đều luôn gợi nhớ về hình ảnh một chú mèo máy kì lạ không kém phần đáng yêu của thời thơ ấu. Doraemon vẫn luôn là người bạn “thanh mai trúc mã”, vẫn luôn là chủ nhân của những chiếc bảo bối mà đứa trẻ nào cũng mong ước. 

    Bài học về nhân cách và lòng trắc ẩn

    Dù là một sản phẩm nước ngoài, Doraemon lại có ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy, nhân cách cũng như cách cảm nhận nhân sinh quan của thế hệ trẻ Việt Nam. 

    Bên cạnh tính giải trí và hài hước, Doraemon mang đến cái nhìn lạc quan và yên bình về một cuộc sống tương lai và khoa học kỹ thuật phát triển đầy thú vị, hướng tới giáo dục các bạn trẻ về tinh thần cộng đồng, tình bạn bè, tình yêu gia đình, sự dũng cảm, trung thực và quan trọng hơn là lòng trắc ẩn với những người xung quanh.

    Những bài học giáo dục trẻ nhỏ thông qua câu chuyện giữa Nobita và Doraemon cũng khiến nhiều người suy ngẫm. Chiếc bánh mì trí nhớ hay chiếc bút bi điểm 10, tưởng chừng sẽ giúp ích nhưng lại là bài học về chuyện “chẳng có kết quả tốt cho kẻ lười” hay “tri thức có được phải do nỗ lực lâu dài chứ không phải một giây một phút”. Trong những lần mè nheo vì hàng tá rắc rối gặp phải, Nobita luôn vòi Doraemon giúp đỡ mình nhưng lần nào cũng đi qua xa so với mục đích ban đầu và  Nobita đều nhận phải những bài học nhớ đời.

    doraemon
    Ảnh: David Rahmat.

    Ngoài ra, điều đáng trân trọng hơn cả chính là Doraemon đã tiếp thêm niềm tin cho những ước mơ sáng tạo của các bạn trẻ. Phải có ước mơ thì con người mới có ý chí, và phải có ước mơ thì mới có phấn đấu đi đến một cuộc sống tươi đẹp hơn. Các bạn trẻ Việt Nam ngày một trưởng thành và càng tự tin biến những ước mơ tươi đẹp thành hiện thực để rồi bất chợt nhận ra, chiếc túi thần kỳ của Doraemon mà bản thân hằng ao ước, vốn dĩ nằm trong bộ não và trái tim của mỗi người.

    kilala.vn

    11/09/2019

    Bài: Jeff
    Ảnh: Flickr

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!