Đồng hồ bị hỏng trong vụ 3.11 hoạt động trở lại sau 10 năm

    10 năm sau thảm họa 3.11, chiếc đồng hồ cổ bị hỏng tại ngôi chùa Fumonji ở tỉnh Miyagi bỗng hoạt động trở lại sau một trận động đất khác.

    Chiếc đồng hồ biểu tượng cho sức sống mãnh liệt

    Chiếc đồng hồ cổ tại chùa Fumonji được trụ trì Bunshun Sakano tìm thấy tại một cửa hàng bán đồ cổ ở tình Fukushima vài năm trước khi trận thảm xảy đến. Nó được sản xuất bởi Seikosha (ngày nay là Seiko Time Creation Inc.) cách đây 100 năm, vào cuối thời đại Taisho (1912 – 1926) hoặc đầu thời kì Showa (1926 – 1989).

    Vào năm 2011, do ảnh hưởng từ thảm họa kép 3.11, chiếc đồng hồ đã không còn hoạt động nữa, nhưng nó vẫn được sư Sakano cất giữ như “một trong số ít những vật kỷ niệm còn sót lại sau trận sóng thần”.

    đồng hồ bị hỏng trong vụ 311 hoạt động trở lại
    Bunshun Sakano, vị trụ trì 58 tuổi tại đền Fumonji, cùng với chiếc đồng hồ cổ. Ảnh: mainichi

    Nhưng kì lạ thay, trận động đất vào ngày 13 tháng 2 năm 2021 với cường độ địa chấn thấp hơn 6 đã tác động vào chiếc đồng hồ và khiến nó hoạt động trở lại sau 10 năm. Chia sẻ về sự việc thần kì này, đại diện của Seiko nhận xét: “Có thể con lắc đã bắt đầu hoạt động trở lại nhờ vào sự rung chuyển của động đất, hoặc lớp bụi tích tụ bên trong đã bị bong ra”. Việc chiếc đồng hồ hoạt động trở lại mang lại ý nghĩa to lớn đối với trụ trì Sakano cũng như người dân xung quanh. “Đây là dấu hiệu của sự hồi sinh, để chúng tôi nỗ lực tiến về phía trước với sự quyết tâm mạnh mẽ hơn”, ông chia sẻ.

    Chùa Fumonji – Hồi sinh mạnh mẽ từ đau thương

    Chùa Fumonji, nơi có chiếc đồng hồ cổ, nằm cách bờ biển nơi xảy ra thảm họa chỉ vài trăm mét. Khi trận sóng thần lịch sử ập đến, cả ngôi chùa chìm trong biển nước. Fumonji bị tàn phá nặng nề, chỉ còn cột và mái nhà trơ trọi, các mảnh vỡ nằm ngổn ngang và chiếc đồng hồ treo trước đền đã bị hư hỏng nặng. Vị trụ trì Bunshun Sakano đau đớn chia sẻ rằng, lúc ấy những bức tương Phật đều bị cuốn trôi, không còn sót lại thứ gì cả.

    Đến tháng 7 năm 2011, một trung tâm tình nguyện được thành lập tại chùa, trở thành nơi các tình nguyện viên đến từ nhiều khu vực khác nhau tập trung lại, hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa tại những khu vực lân cận bị tàn phá. Một năm sau đó, trụ trì Sakano cũng quyết định xây dựng “quán cà phê chùa” để làm nơi dừng chân cho thân nhân của những người đã thiệt mạng trong thảm họa. Họ có thể đến tảo mộ, dành thời gian bên người thân đã đi xa ngay trong khuôn viên chùa. Vài năm sau, nó được đổi tên thành “Temple Marche”, nơi buôn bán những mặt hàng thủ công mỗi tháng một lần.

    chùa fumonji
    Chùa Fumonji tổ chức buôn bán những mặt hàng thủ công mỗi tháng một lần. Ảnh: mainichi, tochinoichi

    Một người đã bày tỏ lòng cảm kích đến ông Sakano: “Tôi bắt đầu sợ đến gần biển do sang chấn sau trận sóng thần, nhưng nhờ những hoạt động tại đây, tôi đã có thể mạnh mẽ quay trở lại, như một cách quên đi quá khứ đau buồn đã qua”.

    kilala.vn

    16/04/2021

    Bài: Phương Thảo

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!