Dịch văn chương là dịch văn hóa

    Khi tiếp cận nền văn học của một xứ sở khác, điều đầu tiên chúng ta phải đối mặt chính là ngôn ngữ và văn hóa. Ta phải nghiên cứu đặc thù của ngôn ngữ và những đặc trưng văn hóa của đất nước đó kỹ lưỡng, sau đó mới có thể hiểu được những tác phẩm văn học.

    Sự thấu hiểu in đậm dấu ấn văn hóa

    Trường hợp tiếp cận văn học Nhật Bản, đặc biệt là thơ Haiku lại càng phải kỹ lưỡng vì đặc thù của tiếng Nhật và những cảm thức thẩm mỹ của người Nhật Bản rất khác với Việt Nam. Như thế những điều mà người Nhật cảm thấy đương nhiên thì đối với người Việt Nam lại không hề là đương nhiên, chẳng hạn như cảm thức Aware, Sabi, Wabi… Chúng ta thử xem một trường hợp dịch của câu tục ngữ sau đây:

    “Đá lăn, rêu không mọc”
    “A rolling stone gathers no moss”
    「転がる石はコケむさない」

    Đây vốn là câu tục ngữ của Anh. Khi được truyền bá sang Mỹ và dịch sang tiếng Nhật, câu này được hiểu là nhấn mạnh tính năng động sáng tạo, trở thành triết lý “hòn đá lăn”, trong đó “lăn” được hiểu là nhiệt huyết, năng động, không chịu ngồi yên chấp nhận hoàn cảnh, còn “rêu” tượng trưng cho sự tiêu cực, sầu não, ám muội… Thế nhưng trong nguyên gốc tại Anh Quốc, câu này mang ý nghĩa ngược lại hoàn toàn. Vốn là nền văn hóa thiên về giá trị tĩnh tại nên “rêu” ở đây lại tượng trưng cho sự thành công. Và câu này có nghĩa là người nào thường xuyên thay đổi chỗ làm việc sẽ khó đạt được thành công. Ví dụ này cho ta thấy điều gì? Vấn đề phiên dịch phần lớn không nằm ở trong ngôn ngữ mà trong cách hiểu in đậm dấu ấn văn hóa của chúng ta.

    sự thấu hiểu in đậm dấu ấn văn hóa
    Phần lớn phiên dịch không nằm ở thấu hiểu mà là trong cách hiểu in đậm dấu ấn văn hóa.

    Dịch giả đóng vai trò là người truyền tải văn hóa

    Văn chương Nhật Bản nằm trong dòng chảy phương Đông có đặc thù là dồn nén, cô đọng. Vì thế khi chuyển dịch, khó khăn nhiều khi không nằm ở ngôn ngữ mà nằm nơi vấn đề cảm thụ của người dịch và người đọc. Thơ Haiku là một minh chứng tiêu biểu cho điều này. Tôi nhớ đến một bài Haiku đọc trên một tạp chí Nhật còn ám ảnh đến bây giờ:

    “Giẫm trái khô vỡ
    Làm quên
    Số đếm bậc thang”

    Đối với người Việt Nam, bài này rất khó hiểu nhưng với người từng sống ở Nhật, bài thơ ngắn này gợi ra cả một trời thu bát ngát. Việt Nam, đặc biệt trong miền Nam không hề có bốn mùa luân chuyển nên đặc trưng về mùa không rõ rệt. Nhưng khi Nhật Bản vào thu, lá vàng lá đỏ ngập một khung trời. Ta có thể hình dung một người đang bước lên cầu thang đá để viếng thăm một đền thờ thần đạo trên núi cao. Anh ta đang đếm bước cầu thang để xem có bao nhiêu bậc thang, để xem ngôi đền nằm vị trí cao cỡ nào. Trong khi bước, anh vô tình dẫm lên một trái cây khô rụng dưới chân và ngẩng đầu lên. Nếu đã có kinh nghiệm sống ở Nhật, ta có thể hình dung ngay một rừng cây lá đỏ phủ ngập ngọn đồi, trái khô vỡ vương vãi khắp nơi. Trên đồi cao thấp thoáng ngôi đền thần đạo lặng yên trầm mặc.

    Bài thơ ngắn gọn, giản dị mà gợi cả một trời thu bát ngát. Nếu như ta hiểu thêm về những khái niệm mỹ học Nhật Bản như Sabi (tịch liêu) hay Mujo (vô thường) thì việc cảm thụ bài thơ là gần như toàn bích, như người Nhật Bản. Nếu chúng ta biết thêm là khi người Nhật ngắm lá đỏ là gửi gắm vào đó bao nhiêu ý nghĩa về cuộc đời, chúng ta lại hiểu thêm một tầng mức khác nữa. Chúng ta chuyển ngữ được nhưng chúng ta có thể tất cạn hết ý nghĩa bài thơ hay không?

    Ví dụ khác về một bài thơ Haiku nổi tiếng của Matsuo Basho:

    「閑さや岩にしみ入る蝉の声」

    Dịch sát nghĩa bài thơ có thể là:

    “Tiếng ve kêu
    Thấm xuyên vào đá
    Trong cõi tịch liêu”

    Nhưng nếu như chúng ta biết được thành ngữ Nhật Bản “Semishigure” (蝉時雨) so sánh tiếng ve như cơn mưa rào thì mới có thể hiểu được thâm ý của tác giả. Khi đó, nếu muốn chuyển dịch cho độc giả Việt Nam thấy được tinh thần bài thơ, chúng ta có thể dịch như sau mà không hề sai với nguyên tác:

    “Tiếng ve tịch liêu
    Thấm xuyên vào đá
    Từng đợt như mưa”

    Như vậy thực chất dịch văn chương là dịch văn hóa. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện chuyên chở văn hóa. Giá trị văn hóa chuyển tải được hay không một phần lại tùy thuộc vào độc giả. Yếu tố ngoại lai, dị biệt trong một tác phẩm văn chương nước ngoài cũng có thể được coi là yếu tố “xa lạ”, xa về địa lý và lạ về tâm lý. Do vậy, người dịch và người đọc cần phải mở rộng biên độ tiếp nhận và kéo dài “chân trời đón đợi” trong phạm vi có thể.

    dịch giả truyền tải văn hóa
    Dịch văn chương chính là dịch văn hóa.

    Chúng ta thấy những nhà văn tài năng như Yasunari Kawabata, Tanizaki… thuần Nhật Bản luôn tạo ra cho tác phẩm của mình một loại “khí hậu văn chương” đặc biệt, chỉ cần đọc qua là biết ngay. Khí hậu này bàng bạc trong tác phẩm, ngoài con chữ. Thành ra khi chuyển ngữ chúng ta cũng không cần quá sáng tạo, chỉ cần cẩn thận một chút là người đọc có thể cảm được ngay. Chẳng hạn như những “truyện ngắn trong lòng bàn tay” của Kawabata vậy. Còn những nhà văn viết văn mang tính toàn cầu như Osamu Dazai, Haruki Murakami thì khi phiên dịch, thách đố nằm trong cách hiểu về những chi tiết trong tác phẩm, phần nhiều nằm trong khía cạnh tính dục. 

    Tôn trọng ngôn ngữ nguyên tác

    Người dịch có nên tôn trọng ngôn ngữ nguyên tác, bao gồm phong cách viết và nét thẩm mỹ, hay chỉ theo đuổi phong cách dịch của mình?

    Chúng ta nên phân biệt rõ hai vấn đề: dịch và phóng tác. Nếu là dịch chúng ta phải tôn trọng tối đa nguyên tác kể cả phong cách viết và tính thẩm mỹ (nếu có thể). Còn phóng tác thì chủ yếu giữ nội dung còn văn phong và thẩm mỹ có thể tùy ý mình. Trước năm 1975, có một tác gia là Hoàng Hải Thủy chuyên phóng tác rất hay. Tất nhiên có những “ca” rất phức tạp như Bùi Giáng nằm giữa ranh giới dịch và phóng tác và rất thành công theo cách của mình. Tuy vậy đây chỉ là trường hợp ngoại lệ. Còn chúng ta khi dịch phải cố gắng theo sát nguyên tác. Cho nên García Márquez mới nói “dịch giả là con khỉ của nhà văn”.

    Tất nhiên một bản dịch đúng hoàn toàn như một nguyên tác là điều không thể có. Phiên dịch là sự sáng tạo của từng dịch giả. Vì dịch gồm hai giai đoạn giải thích và biểu hiện, cả hai giai đoạn này đều in đậm dấu ấn của người dịch, chính vì vậy sự tự do lẫn trách nhiệm của người dịch là rất lớn. Do đó, dù cố gắng tôn trọng nguyên tác nhưng khi dịch ta sẽ luôn có một phiên bản dịch của riêng ta. Chẳng hạn Dazai phiên bản Hoàng Long, hay phiên bản Mai Sơn vậy.

    kilala.vn

    05/06/2020

    Bài: HOÀNG LONG
    Hình ảnh: JUN; PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!