Đạo diễn Nhật làm phim “bóc trần” nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam

    Tác phẩm “Long Time Passing” sẽ được ra mắt vào ngày 20/08 tại các rạp ở Tokyo.

    Bộ phim phơi bày cuộc sống của những người phải gắn với chất độc đến cuối đời

    Dioxin - là tên gọi chung của một nhóm hàng trăm các hợp chất hóa học tồn tại bền vững trong môi trường cũng như trong cơ thể con người và các sinh vật khác, theo Wikipedia. Tuy nhiên, đối với nhiều nước, đặc biệt là Việt Nam thì hợp chất hóa học này lại trở thành một nỗi ám ảnh hiện hữu với cái tên quen thuộc “chất độc màu da cam”. 

    Hàng triệu người Việt Nam được cho là đã tiếp xúc với vô số chất khai quang - chủ yếu là chất độc màu da cam - do quân đội Hoa Kỳ rải từ năm 1961 - 1971 để phá hủy các khu rừng che khuất đường tiếp tế của quân đội Việt Nam. Tại các khu vực được phun thuốc, nhiều trường hợp người dân bị ung thư, dị tật bẩm sinh, sẩy thai và thai chết lưu. 

    Mỹ rải dioxin tại Việt Nam

    Ngày 10/08/1961, Mỹ bắt đầu rải chất độc màu da cam, một trong những hóa chất độc hại nhất, ở Việt Nam. Ảnh: NYT

    Theo các chuyên gia ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm với chất độc da cam, trong khi 3 triệu người được cho là bị bệnh tật. Chất khai quang độc hại cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của các quân nhân Hoa Kỳ. Chất độc này còn có tính di truyền, nên đời sau của những người nhiễm độc đều sẽ bị mắc dị tật. 

    Tác phẩm mới nhất của đạo diễn Masako Sakata “Long Time Passing” sẽ kể cho chúng ta nhiều hơn về cuộc sống hiện tại của những người “vướng” phải hậu quả chiến tranh, ngay cả trong thời bình. Qua ống kính của mình, Sakata cố gắng ghi lại ý nghĩa của cuộc chiến theo thời gian đối với những người tiếp tục vật lộn với những vết sẹo chưa bao giờ lành hẳn.

    khu vực nhiễm độc

    Nhiều vùng đất bị nhiễm độc. 

    Tác phẩm dài một tiếng miêu tả cuộc sống hàng ngày của Tran Thi Hoan, một cô gái trẻ sinh ra không có chân và một tay. Khi đang mang thai, mẹ cô bé đã tiếp xúc với chất độc ở một cánh đồng. Hiện nay, Hoan đã tốt nghiệp đại học và làm việc tại một bệnh viện, nhưng phần nhiều tuổi thơ của cô lại trải qua tại một cơ sở được thành lập cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.

    Ngoài ra trong phim còn cho chúng ta gặp những người khác sinh ra bị khuyết tật nặng với điều kiện sống vô cùng ngặt nghèo. Một trong số đó là Dinh Thi Huyen Tran, học sinh trung học cơ sở ở Ninh Bình. Ông của cô đã tiếp xúc với chất dioxin ở miền nam khi ông còn là một người lính. Bốn người con trai của ông, bao gồm cả cha của Tran, đều bị khuyết tật về trí tuệ và thể chất.

    đạo diễn Masako Sakata

    Đạo diễn Masako Sakata bên cạnh tác phẩm mới. Ảnh: Kyodo

    Tran phải nấu ăn và dọn dẹp trong khi chăm sóc bố và các chú cùng bà ngoại, điều này đã tước đi thời gian học tập quý giá của cô bé, mặc dù cô rất thích làm việc với máy tính và hy vọng một ngày nào đó sẽ có một công việc văn phòng. Đây chỉ là một ví dụ bi thảm về một giấc mơ không được thực hiện, tương tự với những giấc mơ khác được thể hiện trong phim. Vị đạo diễn này cũng cho biết “Nhiều người đang phải chịu đựng những khó khăn khác nhau do chất độc này gây ra”.

    Sakata cũng kể về cuộc đấu tranh tại tòa án ở Pháp của một cựu nhà báo chống lại các công ty hóa chất Hoa Kỳ sản xuất chất độc màu da cam được sử dụng trong chiến tranh.

    Trong khi nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có thành viên già yếu, gặp khó khăn trong việc chăm sóc người thân tàn tật, thì những thập kỷ gần đây đã có một số bước phát triển tích cực, một phần là do sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

    cảnh trong phim

    Một cảnh trong bộ phim "Long Time Passing". Ảnh: Kyodo

    Mặc dù nhiều người thân chọn cách ở bên người khuyết tật cho đến khi họ qua đời, hoặc miễn là họ còn khả năng chăm sóc, ngày càng có nhiều cơ sở tiếp nhận người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, vị đạo diễn này cũng cho biết.

    "Gánh nặng đổ lên vai một gia đình đã dần được giảm bớt khi xã hội bắt đầu cung cấp nhiều hỗ trợ hơn", Sakata nói và cho biết thêm các hoạt động của hiệp hội nạn nhân chất độc da cam đã mở rộng rất nhiều, "Có hy vọng giữa nỗi tuyệt vọng".

    Vị đạo diễn bắt đầu sự nghiệp sau cái chết của người thân

    Không chỉ người dân Việt Nam, mà binh lính Mỹ, phóng viên chiến trường vào thời đó cũng có nguy cơ cao bị nhiễm chất độc, trong số đó có Greg Davis – người chồng quá cố của Masako Sakata. Sakata bắt đầu sự nghiệp đạo diễn phim sau khi Davis đột ngột qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 54. 

    grey davis

    Ông Grey Davis - chồng của đạo diễn Sakata, người từng có thời gian tham chiến tại Việt Nam. Ảnh: Kyodo

    Khi còn trẻ, Davis đã thường xuyên đến Việt Nam với tư cách phóng viên ảnh, nhưng ông ấy không kể chi tiết với Sakata về chất dioxin và những trải nghiệm của ông trong thời gian ở chiến trường, “mặc dù anh ấy có vẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều và bị tổn thương bởi chiến tranh. Anh ấy chỉ chia sẻ với tôi rằng anh ấy không thể có con, nhưng tôi chưa bao giờ chất vấn anh ấy về điều đó. Sau khi anh ấy chết, tôi thực sự muốn biết về chất dioxin" bà Sakata cho biết.

    Sakata nói rằng cái chết của chồng bà là "một bước ngoặc rất lớn" trong cuộc đời bà. Sự hiện diện của ông đã ảnh hưởng đến sự nghiệp và công việc của bà cho đến nay.

    Sakata tin rằng bằng cách thể hiện khía cạnh về những người bị tàn phá nặng nề nhất ẩn trong bóng tối, gốc rễ của chiến tranh và cái ác sẽ xuất hiện. Một khi chiến tranh đã bắt đầu "nó không bao giờ thực sự kết thúc", bà nhấn mạnh.

    Một khi chiến tranh bắt đầu, nó sẽ không bao giờ kết thúc"

    Sakata chia sẻ rằng: “Tôi đã từng thấy những cá nhân mang trong mình chất độc, sống ở vùng nông thôn, nơi mà phần đông chúng ta không được chứng kiến cuộc đời của họ, những điều tàn khốc như vậy vẫn ẩn chứa ở nhiều nơi. Bằng cách đưa những người đó ra, tôi nghĩ sẽ giúp tiết lộ sự tàn ác của cuộc chiến".

    Sau chuyến thăm đến Việt Nam vào năm 2004, đạo diễn Sakata đã phát hành bộ phim tài liệu đầu tiên "Chất độc da cam – Lễ cầu hồn của riêng tôi" (A Personal Requiem) vào năm 2007. Bộ phim cho thấy tác động của chất độc hóa học đối với cơ thể con người, và người Việt Nam đã đấu tranh như thế nào để hỗ trợ các nạn nhân. Tác phẩm này đã mang đến cho bà một số giải thưởng, bao gồm giải phim tài liệu Mainichi, giải đặc biệt Liên hoan phim môi trường quốc tế Paris và giải đặc biệt của Ban giám khảo Earth Vision. Về sau, bà vẫn giữ liên lạc với những nhân vật trong A Personal Requiem.

    huân chương hữu nghị

    Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường trao Huân chương Hữu nghị cho bà Masako Sakata (2017). Ảnh: TTXVN

    Năm 2011, Sakara cho ra mắt phần tiếp theo "Living the Silent Spring" nói về sự nguy hiểm của các tác nhân hóa học gây ra cho nhân loại. 

    Đạo diễn Masako Sakata đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao trao Huân chương hữu nghị, ghi nhận những đóng góp của bà đối với phong trào hành động vì những nạn nhân chất độc da cam.

    Tác phẩm mới nhất của vị nữ đạo diễn này “Long Time Passing” sẽ chính thức được ra rạp ở Tokyo vào ngày 20/08 và đến những khu vực khác của Nhật Bản.

    kilala.vn

    21/08/2022

    Bài: Natsume

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!