Hiroshima và “cuộc sống thứ hai” của những con hạc giấy
Tại một ngôi chùa trên sườn đồi, nhà sư trong bộ áo cà sa màu vàng nghệ thổi một điệp khúc bằng ốc xà cừ và bắt đầu tụng kinh khi hàng nghìn con hạc giấy quyên góp cho Hiroshima được đốt cháy.
Trong một thập kỷ, ngôi chùa Phật giáo Daisho-in trên đảo Miyajima, đối diện với thành phố Hiroshima, đã tổ chức nghi lễ đốt hàng triệu con hạc giấy được gửi đến nơi đây mỗi năm. Buổi lễ nhằm tôn vinh những tình cảm mà người dân gửi gắm được xếp vào từng chú chim giấy nhỏ.
Truyền thống gửi những con hạc giấy đến Hiroshima bắt nguồn từ câu chuyện về một nghìn con hạc giấy của cô bé Sadako Sasaki. Cô bé qua đời ở tuổi 12, là một trong số khoảng 140.000 người thiệt mạng vì bom nguyên tử. Hạc giấy trở thành một biểu tượng mạnh mẽ về tác động của quả bom và là cách để giáo dục trẻ em về vụ tấn công.
Từ đó, những con hạc giấy được gửi đến Hiroshima nhưng chỉ đơn giản là đặt tại các đài tưởng niệm. Khi số lượng trở nên quá tải thì những người dọn dẹp thành phố sẽ xử lý chúng.
Mãi cho đến năm 2012, khi thành phố tìm kiếm một cách tốt hơn để xử lý thì Kinya Saito của Nagomi Project, một nhóm hòa bình, đã đề xuất đốt chúng theo nghi thức. "Tôi đã nghĩ về việc cảm xúc được giải phóng bằng khói và gửi đến các nạn nhân của thảm họa bom nguyên tử", anh cho biết.
Yoyu Mimatsu, một nhà sư ở Daisho-in, đã chủ trì buổi lễ thiêu trong thập kỷ qua. Sau khi thổi tù và, ông ngồi vào chiếc bàn trước hố lửa và đập bát cầu nguyện trước khi bắt đầu tụng kinh cho linh hồn các nạn nhân của vụ đánh bom.
Ông cũng cầu nguyện "cho những cảm xúc và lời cầu nguyện của mọi người từ khắp nơi trên thế giới, những lời cầu nguyện cho hòa bình được gấp trong từng con hạc giấy, sẽ đến được thiên đường", người đàn ông 57 tuổi nói với AFP.
Tuy nhiên vấn đề còn tồn đọng là cần phải làm gì với tro tàn sau buổi lễ. Và họ đã tìm ra giải pháp ở Taigendo, một xưởng gốm đã sản xuất đồ gốm bằng cát thiêng lấy từ ngôi đền Ikutsushima của Hiroshima trong hơn 100 năm qua.
Người thợ gốm thế hệ thứ ba điều hành xưởng - Kosai Yamane, đã sử dụng tro từ ngọn lửa vĩnh cửu đang cháy ở Miyajima để tráng men đồ gốm của mình và sẵn sàng sử dụng tro của hạc Origami theo cách tương tự.
Đó là một dự án nghệ thuật, nhưng cũng mang tính cá nhân sâu sắc đối với Yamane, khi mẹ của ông mới 14 tuổi khi xảy ra vụ rải bom. "Bà ấy có vết sẹo bỏng ở khuỷu tay và khi còn nhỏ, tôi chưa bao giờ thấy bà mặc bất cứ thứ gì ngoại trừ áo dài tay", Yamane nói với AFP. "Bà ấy không bao giờ nói về nó. Tôi cảm thấy bà đang cố gắng bằng mọi cách để tránh bị chú ý bởi vết bỏng - cũng chính là nỗi ám ảnh của quá khứ”.
Tuy nhiên, Yamane cho biết tro của hạc giấy không thể dùng để tráng men các vật dụng hàng ngày như cốc hay bát. Vì thế ông quyết định sản xuất lư hương hình con hạc và có thể cắm nến. Chúng có phần trên giống như mái vòm được mô phỏng theo hình dạng của Đài tưởng niệm Hòa bình dành cho Trẻ em và được chạm khắc hình con hạc.
Ngọn nến nằm dưới mái vòm trên một chiếc đĩa được tráng men bằng tro, lớp men giúp phản chiếu ánh sáng để tạo ra ánh sáng màu cam ấm áp.
kilala.vn
20/05/2023
Nguồn: AFP
Đăng nhập tài khoản để bình luận