Cuộc sống thời Minh Trị qua loạt ảnh màu quý hiếm
Bộ sưu tập gồm những bức ảnh màu tuyệt đẹp của quý ông Herbert Geddes mô tả chân thực đời sống của người dân xứ Phù Tang xưa.
Life in Japan (Cuộc sống ở Nhật Bản) là một bộ sưu tập ảnh gồm khoảng 96 tấm thuộc quyền sở hữu của ông Herbert Geddes, một người Canada. Từ năm 1908 đến 1918, Herbert làm việc tại Yokohama, đảm nhận công việc quản lý doanh nghiệp xuất nhập khẩu G.R. Gregg của Canada tại Nhật. Những bức ảnh thuộc BST này từng được bán cho khách du lịch nước ngoài từ khoảng năm 1868 đến năm 1912, trước khi máy ảnh và bưu thiếp trở nên phổ biến.
Vào ngày 03/02/1867, Thiên hoàng Hiếu Minh qua đời, hoàng tử Mutsuhito khi ấy 15 tuổi lên nối ngôi, mở đầu cho một thời đại mới với công cuộc Minh Trị Duy Tân. Hoàng gia sau đó khôi phục uy quyền, chấm dứt 265 năm phong kiến dưới triều đại Mạc phủ Tokugawa.
Đây là thời đại lịch sử đánh dấu sự thay đổi thần kỳ của đất nước Nhật Bản với công cuộc hiện đại hóa, từ vị thế bị cô lập để vươn lên hàng ngũ các cường quốc lớn trên thế giới.
Trong những năm đầu của thời kỳ Minh Trị, nhiều luật lệ phong kiến bị bãi bỏ, chương trình giáo dục quốc gia được triển khai và các cơ quan chính quyền cũng chuyển đổi sang mô hình kiểu Tây. Năm 1889, một Hiến pháp mới đã được thông qua, trao cho Hoàng đế toàn quyền trị vì, tuyên bố ông là “thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.
Bên cạnh đó Hiến pháp cũng hướng đến sự tham gia của người dân, nêu cao tinh thần dân chủ. Những chiến thắng trong các cuộc chiến Trung – Nhật (1894 – 1895), Nga – Nhật (1904 – 1905), cùng với việc Đài Loan và Triều Tiên trở thành thuộc địa vào năm 1895 và 1910 đã mang lại sự công nhận quốc tế về phạm vi chủ quyền của Nhật Bản ở khu vực Đông Bắc Á.
Trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, chính quyền Minh Trị cũng duy trì thể chế truyền thống, lấy Nhật hoàng là biểu tượng tôn kính của đất nước, giáo dục nhấn mạnh vào hình mẫu anh hùng dân tộc với gia đình samurai làm chuẩn mực cho toàn quốc thông qua Bộ luật Dân sự vào năm 1898.
Vào cuối thời kỳ Minh Trị, nước Nhật đã trở thành một hình mẫu hiện đại hóa nhanh chóng và thành công trên diện rộng, phát triển từ một xã hội cô lập, nửa phong kiến thành một nhà nước hiện đại. Dẫu vậy Nhật Bản vẫn giữ gìn những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc trong nhịp sống xã hội thường ngày. Điều này thể hiện rõ qua những bức ảnh tô màu trong BST của Herbert Geddes.
Chúng là ảnh dương bản trên kính, sau đó được tô màu bằng tay. Theo nhà báo Clémence Leleu trên tờ PEN online, "Đây là một phương pháp rất phổ biến. Trong trường hợp cụ thể là dương bản trên kính, tô màu có thể giúp tăng mật độ ảnh và tạo khối cho đối tượng thông qua việc sử dụng độ trong suốt và các biến thể về độ sáng."
Trong ảnh, Nhật Bản hiện lên rõ nét với khung cảnh bình dị và những nét văn hóa đặc trưng thể hiện qua trang phục của người dân, cảnh làm việc với nhiều ngành nghề truyền thống. Thiên nhiên, những danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc như đền chùa, cầu cống, đường phố. đều được khắc họa sinh động qua những tấm ảnh quý. Tất cả cung cấp một cái nhìn gần gũi về thời đại đã qua của Nhật Bản.
Với nhiều người, những bức ảnh tô màu này đã trở thành công cụ phục vụ cho khao khát hiểu thêm về một Nhật Bản thời xưa, là tài liệu quý và hiếm để hiểu rõ về những gì đã từng diễn ra trong quá khứ, nơi những khoảnh khắc được gọi là ký ức lịch sử.
kilala.vn
03/03/2023
Bài: Ái Thương
Nguồn: rarehistoricalphotos
Đăng nhập tài khoản để bình luận