Chuunibyou là gì? Nguồn gốc, biểu hiện của hội chứng tuổi dậy thì
Nếu là một tín đồ của anime Nhật Bản, có thể bạn đã nghe qua thuật ngữ “Chuunibyou” hay “hội chứng Trung Nhị”. Vậy Chuunibyou là gì, có những biểu hiện nào, hội chứng này có cần được chữa trị không? Hãy cùng Kilala tìm hiểu tất-tần-tật về Chuunibyou qua bài viết này nhé!
Chuunibyou là gì?
Chuunibyou (中二病 – Trung Nhị Bệnh) được viết tắt từ cụm Chuugakusei ninen byou, tức “hội chứng học sinh trung học cơ sở năm 2”.
Đây là một từ lóng mang nghĩa chế nhạo ở Nhật Bản, mô tả những thiếu niên ở tuổi khoảng 13-14 (năm 2 THCS, tương đương học sinh lớp 8 theo hệ thống giáo dục Việt Nam) hành động như thể một người lớn “biết tuốt”, hoặc ảo tưởng rằng bản thân sở hữu năng lực đặc biệt mà không ai khác có được.
Một số thậm chí còn tỏ ra đáng ghét, kiêu ngạo và coi thường những người lớn tuổi hơn. Lối suy nghĩ hoặc hành động này chủ yếu xuất hiện ở thanh thiếu niên trong giai đoạn dậy thì, tuy nhiên có những người vẫn hành động như vậy ngay cả sau khi đến tuổi trưởng thành.
Trong tiếng Anh, Chuunibyou thường được viết tắt là chuu2. Còn ở Việt Nam, nó thường được nhắc đến như hội chứng Trung Nhị hoặc các từ tương đương như “hội chứng tuổi teen” hay hội chứng tuổi dậy thì.
Nguồn gốc và sự phát triển của thuật ngữ Chuunibyou
Thuật ngữ “Chuunibyou” được cho là xuất hiện lần đầu trong chương trình radio “Ijuuin Hikaru no UP'S Shinya no Bakajikara'' (伊集院光 深夜の馬鹿力), phát sóng vào cuối những năm 90.
Trong số phát sóng ngày 11/01/1999, người dẫn chương trình Ijuuin Hikaru đã nói rằng: "Tôi vẫn đang bị Chuunibyou”.
Ở vài số tiếp theo, Ijuuin đã thu thập và đọc một số ví dụ về biểu hiện của hội chứng Trung Nhị từ thính giả gửi về, chẳng hạn như có những suy nghĩ kiểu “Phân tích thừa số thì có ích lợi gì?'' hay “Người lớn thật bẩn thỉu”.
Lúc này, Chuunibyou được sử dụng theo nghĩa rộng, chỉ những hành vi, suy nghĩ trẻ con của độ tuổi 14. Thuật ngữ này, tuy vậy, chỉ được sử dụng giữa Ijuuin và thính giả của chương trình, rồi dần bị lãng quên sau khi chuyên mục về nó kết thúc.
Nhưng đến năm 2005, từ này bắt đầu “sống lại”, bắt nguồn từ một thread về Chuunibyou trên diễn đàn 2chan. Tại đây, nét nghĩa của Chuunibyou đã có sự thay đổi, nó được dùng với sắc thái chế giễu, nhằm xúc phạm những đứa trẻ vị thành niên bị “ảo tưởng sức mạnh”, hay cường điệu và suy nghĩ phi thực tế.
Các loại Chuunibyou phổ biến
Theo “中二病取扱説明書” (Hướng dẫn sử dụng Chuunibyou) của tiểu thuyết gia Saegami Houya, Chuunibyou có thể chia làm 3 loại chính.
DQN-kei – kiểu hoang tưởng phạm tội
DQN系 (dokyun-kei) là tiếng lóng trên Internet chỉ kiểu “người chống đối xã hội” hoặc “loại du côn phiền phức”.
Những người mắc hội chứng Chuunibyou loại này sẽ tỏ thái độ chống đối xã hội, luật pháp và nghĩ rằng như vậy thật “ngầu”.
Tuy nhiên kiểu người này hoặc quá nghiêm túc, hoặc quá nhút nhát nên thường không thể là những kẻ phạm pháp thực sự. Họ cũng hay đưa ra những tuyên bố sai sự thật về các vụ đánh nhau và hành vi phạm tội, thích thể hiện kiến thức về các băng đảng, tội phạm.
Sabukaru-kei – kiểu tiểu văn hóa (subculture)
Sabukaru-kei (サブカル系) không “đu” theo các trào lưu phổ biến, họ thích những xu hướng ít được biết đến hơn vì cho rằng việc có cùng sở thích với người khác thật tầm thường.
Sabukaru-kei không thực sự quan tâm, yêu thích tiểu văn hóa* mà mình đang theo đuổi, họ chỉ làm điều đó vì nó khiến họ “khác biệt”.
*Tiểu văn hóa/Nhóm văn hóa (subculture): là một nhóm người có chung sở thích hay văn hóa riêng, khiến họ khác biệt với cộng đồng.
Jakigan-kei – Kiểu “ảo tưởng sức mạnh”
Jakigan-kei (邪気眼系) – kiểu “Tà Khí Nhãn” khao khát sức mạnh bí ẩn và siêu nhiên, đồng thời tin rằng mình sở hữu những năng lực tiềm ẩn. Họ cảm thấy thích thú khi tưởng tượng về việc mình có được những “sức mạnh kỳ diệu” đó.
Những người này thường đặt cho mình một cái tên đặc biệt, và cả tên cho các năng lực siêu nhiên cùng những thứ liên quan mà họ tưởng tượng ra.
Ngoài ba loại trên, một kiểu khá phổ biến nữa là Denpa-kei (電波ー系), chỉ những cá nhân bị ngắt kết nối hoặc tách biệt với những người xung quanh họ.
Những biểu hiện của hội chứng tuổi dậy thì Chuunibyou
Một số triệu chứng của Chuunibyou là:
- Hành vi phóng đại hoặc khoa trương: Hành động như thể bản thân là ngôi sao trong bộ phim hành động do chính mình đạo diễn, hoặc không ngừng thể hiện quan điểm một cách khoa trương hoặc tự phụ.
- Hành vi kịch tính: Luôn cố gắng trở thành trung tâm của sự chú ý hoặc cố tình gây sự.
- Mong muốn được nổi bật mãnh liệt: Ăn mặc kỳ lạ hoặc lập dị, hay cố gắng nổi bật theo bất kỳ cách nào có thể.
Các ví dụ về Chuunibyou sau đây được cung cấp từ Kiến thức cơ bản về thuật ngữ của Otaku (オタク用語の基礎知識 - Otaku yougo no kiso chishiki):
- Bắt đầu nghe nhạc phương Tây (cổ điển/baroque.) để trở nên độc đáo.
- Bắt đầu uống cà phê dù nó không cần thiết hoặc không thích mùi vị của nó.
- Khăng khăng mình biết một ban nhạc/nghệ sĩ trước khi họ đạt giải hoặc trở nên nổi tiếng.
- Nghĩ rằng mình có thể làm bất cứ điều gì nhưng không cảm thấy muốn nỗ lực.
- Chỉ đọc qua các tin tức về xã hội đã vội tin rằng bản thân có kiến thức đầy đủ về lịch sử, dẫn đến những nhận định chung chung như "Nước Mỹ thật kinh khủng".
- Nóng giận với mẹ mình và nói những câu như "Hãy tôn trọng quyền riêng tư của con”, dù không có lý do đặc biệt.
Những thuật ngữ liên quan đến Chuunibyou
Xuất phát từ hội chứng Chuunibyou, có một số biến thể mang ý nghĩa khá tương tự:
Kounibyou - 高二病
Nôm na là “hội chứng học sinh trung học phổ thông năm 2”. Kounibyou có những triệu chứng tương tự Chuunibyou, nhưng khác biệt ở chỗ họ sẽ chỉ trích, phê phán cả những người là Chuunibyou.
Dainibyou - 大二病
Tức “hội chứng sinh viên năm 2”. Sau khi quen với cuộc sống đại học và có được nhiều kinh nghiệm khác nhau trong học tập, hoạt động câu lạc bộ và công việc bán thời gian, những người này trở nên quá tự tin và nghĩ rằng "Tôi biết cả thế giới".
Shanibyou – 社二病
Thuật ngữ này chỉ những nhân viên trẻ đã quen với công việc và công ty sau khi đi làm được 2 năm, lầm tưởng rằng họ đã học được nhiều thứ và bắt đầu khẳng định mình quá mức.
Chuunibyou có phải là bệnh không?
Thuật ngữ Chuunibyou có chữ "病 – byou", mang nghĩa hội chứng hoặc bệnh, nhưng nó không thực sự liên quan đến bất kỳ tình trạng bệnh lý hoặc rối loạn tâm thần nào.
Tuổi vị thành niên là thời điểm mọi người trải qua sự phát triển đáng kể về thể chất và tinh thần, và khi nhận ra rằng bản thân đang trải qua sự thay đổi lớn, họ bắt đầu trở nên lo lắng.
Để giải tỏa tâm lý này, các chàng trai và cô gái tuổi vị thành niên bước vào cuộc đấu tranh để xác định danh tính, khẳng định bản thân. Tuy nhiên, đối với họ, những người có ít kinh nghiệm trong cuộc sống, rất khó định nghĩa sự tồn tại của chính mình thông qua những suy tư kiểu triết học. Vì vậy phương tiện họ chọn để làm điều đó thường có xu hướng dễ dàng, như thông qua sở thích, thị hiếu hay biểu lộ tính cách.
Nhiều người sẽ mong muốn trở nên đặc biệt và do đó, tưởng tượng mình là một thứ gì đó siêu nhiên (thường lấy cảm hứng từ các nhân vật hư cấu yêu thích) hay có thể có những hành vi mang tính nổi loạn, chống đối xã hội.
Tuy nhiên, đây cũng không phải là điều quá bất thường, mà đa phần chúng sẽ qua đi khi người đó trưởng thành.
Thế giới của tưởng tượng, mặt khác, cũng có thể là cái nôi cho sự sáng tạo. Điều quan trọng là mỗi người phải tự học cách cân bằng giữa trí tưởng tượng với niềm tin vào con người thật, cuộc sống thật, đồng thời không làm tổn thương người khác hay kìm hãm sự phát triển cá nhân.
Một anime nổi tiếng khai thác chủ đề này với sự hài hước là Chunibyo Demo Koi ga Shitai!.
6 nhân vật mắc hội chứng Chuunibyou trong anime
Dưới đây là top 6 nhân vật với Chuunibyou theo xếp hạng của Ranker.
Top 1: Rikka Takanashi - Chunibyo Demo Koi ga Shitai!
Rikka Takanashi là đứa trẻ tiêu biểu cho khái niệm Chuunibyou. Cô nàng là nhân vật chính của một anime có tên “Chunibyo Demo Koi ga Shitai!” (tiếng Anh: Love, Chunibyo, & Other Delusions.
Rikka luôn cho rằng mình là một phù thủy bị chiếm hữu bởi thứ gọi là "Con mắt bạo chúa". Bất cứ ai nhìn thấy con mắt thần bí này - thứ có thể tiết lộ số phận thực sự của một người - sẽ vô tình ký kết khế ước với Rikka. Cô cũng sử dụng chiếc ô của mình để thực hiện một loạt các "đòn tấn công" và tin rằng có thể đảo ngược cái chết.
Lý do khiến Rikka bám chặt vào niềm tin của mình là bởi cha cô đã qua đời và cô không thể chấp nhận điều đó. Vì vậy, Rikka đã sử dụng thế giới tưởng tượng để bảo vệ bản thân khỏi nỗi đau và thuyết phục chính mình rằng cô có thể mang người cha trở lại.
Top 2: Megumin – Konosuba
Megumin thực sự sống trong một thế giới giả tưởng và sở hữu những khả năng thần bí, đáng chú ý nhất là phép thuật khiến mọi thứ phát nổ.Tuy nhiên, cô nàng vẫn thể hiện một số đặc điểm Chuunibyou bên ngoài, theo hướng dễ thương và thú vị.
Megumin đeo một chiếc băng bịt mắt mà cô nói rằng có tác dụng phong ấn sức mạnh đáng kinh ngạc của mình, nhưng cô cũng nhanh chóng thừa nhận rằng đó chỉ là một trò đùa nếu có ai đó thực sự tin lời cô nói.
Top 3: Shun Kaidou - Saiki Kusuo no Ψ Nan
Shun Kaidou là một đứa trẻ kỳ quặc, nghĩ rằng thế giới đang bị kiểm soát bởi Dark Reunion, một tổ chức tội ác tưởng tượng đang cố đánh cắp sức mạnh phi thường của mình và sử dụng chúng cho mục đích bất chính.
Anh chàng cũng thường đổ lỗi cho các sự kiện tiêu cực ngẫu nhiên xảy ra là do Dark Reunion.
Top 4: Kobato Hasegawa – Haganai
Về cơ bản, Kobato Hasegawa vẫn là một nữ sinh cấp hai bình thường, nhưng cô nàng có một vài đặc điểm kỳ lạ nghiêm trọng. Một trong số đó là niềm tin rằng cô ấy thực sự là một ma cà rồng gothic cổ đại tên là Reisys VI Felicity Sumeragi.
Cô nảy ra ý tưởng này sau khi xem bộ anime yêu thích của mình, Kurogane no Necromancer. Niềm tin của Kobato khiến cô gặp khó khăn trong việc kết bạn.
Top 5: Rintaro Okabe – Steins Gate
Rintaro Okabe là một ví dụ thú vị về Chuunibyou bởi anh không thực sự bị ảo tưởng. Anh giả vờ làm việc chống lại một tổ chức bí mật, bất chính có tên là SERN, và thường tuyên bố mình có sức mạnh hoặc kiến thức đặc biệt mà anh không thực sự sở hữu.
Dù giống một người mắc chứng Chuunibyou nghiêm trọng, anh chỉ làm những điều đó để mua vui cho người bạn thời thơ ấu Mayuri, người đang bị trầm cảm nặng nề sau cái chết của bà mình.
Top 6: Ako Tamaki - Netoge no Yome wa Onnanoko ja Nai to Omotta?
Ako Tamaki là một người nghiện chơi game, cô ước mình không phải đi làm, đi học hay làm bất cứ điều gì khác ngoài việc ở nhà và chơi điện tử.
Chỉ riêng điều này đã khá ảo tưởng, nhưng cô nàng còn từ bỏ thêm nhiều trách nhiệm trong thế giới thực để đắm mình vào trò chơi. Trên hết, cô không hiểu hành vi của mình có thể dẫn đến hậu quả.
Thái độ Chuunibyou của Ako được bộc lộ khi nói đến người chồng của cô trong game – Hideki, người mà về sau cô phát hiện chính là bạn cùng lớp của mình.
Ako không thể tách biệt thế giới ảo với thực tế, và coi Hideki như chồng của mình ở trường. Cô tỏ ra ghen tuông hung hãn bất cứ khi nào có ai nói chuyện với anh, và cố gắng thúc đẩy mối quan hệ đi xa hơn mức mà Hideki cảm thấy thoải mái.
Ví dụ về cách sử dụng Chuunibyou trong tiếng Nhật
1. あの頃の私って、本当に中二病だったよねぇ。
Anokoro no watashitte, hontou ni chuunibyou datta yo ne.
Hồi ấy tôi đúng là bị hội chứng tuổi teen luôn nhỉ.
2. 大声で喧嘩をした自慢話をするなんて。あの人、いい歳して中二病よ。
Oogoe de kenka o shita jimanbanashi o suru nante. Ano hito, ii toshi shite chuunibyou yo
Chẳng hiểu sao lại đi khoe khoang chuyện cãi nhau om xòm. Người đó đúng là lớn rồi mà vẫn mắc bệnh tuổi teen.
Tạm kết
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn sơ lược về Chuunibyou. Khi nhắc đến hội chứng tuổi teen, hội chứng tuổi dậy thì hay bất cứ cách gọi nào khác của Chuunibyou, ấn tượng về nó dường như có vẻ tiêu cực.
Tuy nhiên, không phải là điều xấu khi muốn ai đó công nhận bản thân, hay có quan điểm riêng về thế giới mà không bị ảnh hưởng bởi người khác. Điều quan trọng là hãy đừng lún sâu vào đó đến mức quên đi thế giới thực và những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống.
kilala.vn
16/08/2023
Bài: kirin
Đăng nhập tài khoản để bình luận