Bốn mùa qua ô cửa sổ trái tim tại chùa Shoju-in

    Tương truyền, cửa sổ trái tim này sẽ mang lại tình yêu và vận may. Chính vì thế, ngôi chùa Shoju-in luôn thu hút một lượng lớn du khách đến thăm để cầu nguyện và ngắm nhìn cảnh sắc bên ngoài cửa sổ biến chuyển theo từng mùa trong năm.

    Ngôi chùa Phật giáo Shoju-in (正寿院), cách trung tâm Kyoto khoảng một giờ lái xe, là nơi sở hữu một trong những cửa sổ nổi tiếng nhất Nhật Bản. Không giống như chùa Genko, nơi có “Cửa sổ giác ngộ” hình tròn và “Cửa sổ hỗn loạn” hình vuông mang hàm ý giác ngộ của Phật giáo, du khách đổ xô đến Shoju-in để tìm kiếm sự lãng mạn. Đúng hơn, họ tìm đến với tình yêu khi bên trong phòng trà đón khách của chùa Shoju-in có một cửa sổ hình trái tim được gọi là "Inome". 

    Inome

    Ảnh: Kansai Travel Guide

    Trái tim tái hiện đôi mắt của lợn rừng

    Shoju-in là một ngôi chùa thuộc nhánh Koyasan Shingon của Phật giáo Nhật Bản. Nơi đây lưu giữ một bức tượng nổi tiếng của vị thần bảo hộ Phật giáo Acala (Bất Động Minh Vương), được chế tác bởi Kaikei - nhà điêu khắc tượng Phật nổi tiếng vào thời Kamakura (1185 - 1333), và là tài sản văn hóa quan trọng của chính phủ Nhật Bản.

    Vào năm 2011, ngôi chùa bắt đầu tổ chức lễ hội chuông gió Furin, nơi du khách được chiêm ngưỡng và lắng nghe âm thanh của hơn 2.000 chiếc chuông gió. Tuy vậy lượng người đến nơi đây mỗi năm chưa tới 10.000 người, có lẽ vì vị trí không thuận lợi. 

    mắt lợn rừng

    Đôi mắt của lợn rừng được ví như lòng quyết tâm và sức mạnh. Ảnh: Pinterest

    Khi hoàn thiện sảnh phụ dùng để tổ chức các nghi lễ thưởng trà, một thợ mộc đã đề xuất làm ô cửa sổ hình trái tim ngay tại bức tường phía tây, nhìn ra khu vườn. Và trái tim được lấy cảm hứng từ “Inome - 猪目” (mắt lợn rừng) được xây dựng, đây cũng chính là tên của cửa sổ.

    Inome được cho là dựa trên hình dạng của con mắt lợn rừng thường được dùng làm biểu tượng trang trí tại đền chùa, hoặc trên thanh kiếm, giáo mác từ khoảng 1.400 năm trước. Đôi mắt của lợn rừng gắn liền với lòng quyết tâm và trung thực, thể hiện ở cách loài vật lao tới mục tiêu mà không bị phân tâm.

    Nó được sử dụng như một biểu tượng phổ biến cho tầng lớp Samurai, thể hiện ở hoa văn trang trí trên áo giáp và các vật dụng đi kèm: Tsuba (bộ phận trên kiếm Nhật Bản), giá đỡ kiếm, đầu mũi tên, giá treo vũ khí.

    hoa văn Samurai

    Hoa văn Inome được sử dụng cho Samurai.

    Nhưng theo thời gian, biểu tượng này được cho là có tác dụng xua đuổi vận rủi và thu hút may mắn. Về sau Inome được sử dụng làm biểu tượng trang trí trong các ngôi chùa Phật giáo và đền thờ Thần đạo.

    Quả thật, vận may đã đến với chùa Shoju-in sau khi cửa sổ này được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông, khiến lượt người viếng thăm tăng gấp đôi.

    [subscribe]

    Vẻ đẹp của khung cửa Inome qua 4 mùa

    Với những bông hoa anh đào hồng trong khuôn viên chùa vào mùa xuân, những cành cây xanh vào mùa hè, những chiếc lá phong đỏ, cam, vàng vào mùa thu và tuyết phủ trắng trời vào mùa đông, bất cứ khi nào ghé thăm Shoju-in, bạn cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên qua khung cửa sổ. 
    cửa sổ 4 mùa
    Cảnh sắc 4 mùa nhìn qua khung cửa trái tim.

    Khi ánh nắng chiếu qua khung cửa sẽ tạo bóng nắng hình trái tim trên sàn nhà, và suốt cả ngày, chùm ánh sáng mặt trời "hình trái tim" di chuyển khắp sàn, càng làm tăng thêm sự lãng mạn. Điều đặc biệt hơn là thị trấn Ujitawara nơi ngôi chùa tọa lạc cũng có hình trái tim. 

    trái tim

    Ảnh: JW-webmagazine

    Nhưng dù là biểu tượng của tình yêu hay xua đuổi tà ma, mang lại may mắn thì các nhà sư ở chùa Shoju-in luôn chào đón du khách đến thăm và cầu nguyện bất kỳ điều gì họ mong muốn.

    thị trấn Ujitawara
    Thị trấn Ujitawara được cho là có hình trái tim. Ảnh: spoon-tamago

    Shoju-in không chỉ có cửa sổ trái tim

    Nằm ở thị trấn Ujitawara, Kyoto, chùa Shoju-in được xây dựng cách đây khoảng 800 năm. Theo ghi chép, trong thời kỳ Sengoku (1467-1615) và Edo (1603-1868), chùa Shoju-in đã bốc cháy hai lần, và được xây dựng lại vào năm 1596 bởi nhà sư Yuin.

    Biểu tượng của ngôi chùa là một bức tượng Quán Thế Âm mười một mặt, được chỉ định là tài sản văn hóa địa phương và chỉ được trưng bày cho công chúng 50 năm một lần.

    lễ hội chuông gió

    Lễ hội chuông gió Furin Matsuri. Ảnh: JW-webmagazine

    Vào mùa hè (từ ngày 01/07 - 18/09), lễ hội chuông gió Furin Matsuri sẽ diễn ra với hơn 2.000 chiếc chuông gió được trang trí.

    Ngoài ra, trên trần của sảnh phụ có 160 bức tranh khác nhau về hoa và phong cảnh Nhật Bản, do khoảng 100 nghệ sĩ và sinh viên khoa nghệ thuật vẽ, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp khi nhìn lên. Du khách cũng có thể chiêm ngưỡng khi nằm trên tấm chiếu Tatami truyền thống tại đây. 

    Trần nhà

    Trần nhà với 160 bức tranh.

    Chùa Shoju-in cũng cung cấp các hoạt động như xâu hạt vòng tay, chép kinh, ký họa tượng Phật và các lớp học yoga.

    Thông tin địa điểm:

    • Địa chỉ: 149 Kawakami, Okuyamada, thị trấn Ujitawara, quận Tsuzuki, Kyoto
    • Thời gian hoạt động: 9:00 AM - 4:30 PM (9:00 AM - 4:00 PM vào mùa đông, từ tháng 11 đến tháng 3); đóng cửa vào ngày 26/12 đến 4/1, 18/7 và ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 4.
    • Website: http://shoujuin.boo.jp/

    Xem thêmTruy lùng những địa điểm hình trái tim đáng yêu tại Nhật

    kilala.vn

    19/05/2022

    Bài: Natsume

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!