Bảo tồn đàn Shamisen truyền thống hay bảo vệ động vật?
Công cuộc bảo tồn đàn Shamisen rơi vào thế lưỡng nan khi phải lựa chọn giữa truyền thống hay bảo vệ động vật.
Shamisen là một nhạc cụ truyền thống của Nhật với âm thanh phát ra có tiếng “ù” độc đáo, thường được dùng để đệm nhạc nền cho các vở kịch Kabuki, múa và nhiều loại hình biểu diễn khác. Thiết kế đàn gồm 3 dây, mặt trước và mặt sau của thân đàn đều được bọc da để khuếch đại âm thanh khi gảy.
Tuy nhiên, nhạc cụ thấm đẫm văn hóa truyền thống này đang rơi vào thế khó khi đứng giữa hai lựa chọn: bảo vệ truyền thống hay bảo vệ động vật. Điều này xuất phát từ việc sử dụng da động vật để sản xuất đàn.
Kotaro Tanaka, chủ cửa hàng nhạc cụ truyền thống Isamiya Hogakkiten tại Hamada, tỉnh Shimane đã làm công việc căng da trên thân đàn Shamisen từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Theo ông chia sẻ: “Da động vật có độ dày không đồng đều làm tăng chiều sâu trong âm thanh của đàn khi gảy. Đặc biệt, da mèo mang lại sự cân bằng tinh tế”.
Tuy vậy, nguồn cung đã giảm đi do vướng phải sự phản đối của những người yêu mèo và các nhà hoạt động vì động vật khác, nên đến những năm 80, cửa hàng bắt đầu dựa vào nguồn da mèo nhập khẩu. Giá da tăng do nguồn cung giảm và mặc dù cửa hàng đã sử dụng da chó ở Đông Nam Á để thay thế tạm thời, nhưng cũng rất khó tìm bởi làn sóng bảo vệ động vật.
Trong khi đó, da tổng hợp thường tạo ra âm thanh đơn điệu khi gảy nên nhiều người chơi đàn chuyên nghiệp thường tránh sử dụng trên sân khấu kịch và các buổi độc tấu.
Đứng trước khó khăn này, ngành công nghiệp Shamisen đã cố gắng bảo tồn nhạc cụ truyền thống thông qua nhiều nỗ lực, chẳng hạn như tổ chức buổi biểu diễn tại Kyoto vào năm 2021 với đàn Shamisen sử dụng giấy Washi thay cho da động vật.
Masayuki Manabe, Giáo sư thuộc Khoa Văn học, Nghệ thuật và Khoa học Đại học Waseda, chuyên nghiên cứu lịch sử về mối quan hệ giữa động vật và con người chia sẻ rằng, xã hội Nhật ở thời Edo và Meiji (từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20) không coi trọng việc bảo vệ động vật như mọi người hiện nay, thậm chí có một số người còn ăn thịt mèo giữa nạn thiếu hụt lương thực trong suốt và sau Thế chiến hai.
Khi xã hội Nhật trở nên thịnh vượng hơn sau thời kỳ kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, Đạo luật Phúc lợi và Quản lý Động vật bao gồm quy định cấm ngược đãi động vật đã được thông qua vào năm 1973.
Giáo sư Manabe cũng chỉ ra trong khoảng thời gian này, thú cưng bắt đầu được yêu quý như một thành viên trong gia đình. “Việc sử dụng da mèo làm đàn Shamisen đã bị chỉ trích mạnh mẽ và nhiều biện pháp phản đối đã nổ ra, chẳng hạn như thành lập một nhóm nạn nhân chống lại những kẻ bắt trộm mèo”, ông Manabe giải thích.
Thêm vào đó, ngành sản xuất Shamisen cũng đối mặt với vấn đề thị trường bị thu hẹp. Số lượng đàn Shamisen được sản xuất tại Nhật đã giảm từ 18.000 vào năm 1970 xuống còn 3.400 vào năm 2017, theo Hiệp hội các cửa hàng nhạc cụ truyền thống toàn quốc.
Nguyên do đứng sau sự sụt giảm mạnh mẽ trên xuất phát từ việc giảm số lượng người chơi, cả vì sở thích và nghề nghiệp. Số phận của đàn Shamisen càng trở nên lao đao hơn khi nhiều buổi hòa nhạc, biểu diễn sân khấu trong những năm gần đây đã bị hủy bỏ do sự lan rộng của dịch COVID-19.
Để giải quyết vấn đề nan giải trên, Cục Văn hóa đã khởi động dự án ủng hộ câu lạc bộ, hội nhóm ở trường trung học và đại học chơi nhạc truyền thống vào năm tài chính 2021.
Các nhóm đủ điều kiện hỗ trợ có thể mượn miễn phí đàn Shamisen, trong khi đó, người chơi đàn chuyên nghiệp được cử đến để hướng dẫn cho các em học sinh, sinh viên. Hỗ trợ tài chính theo đó cũng được áp dụng để trang trải chi phí địa điểm tổ chức cho các buổi trình diễn của sinh viên.
Trong năm 2021, các phương pháp sản xuất cần và thân đàn Shamisen được lựa chọn kỹ lưỡng để trở thành những kỹ thuật đủ điều kiện nhận hỗ trợ bảo tồn văn hóa quốc gia. Junko Yoshida, chuyên gia cao cấp về tài sản văn hóa thuộc Cục Văn hóa cho biết: “Ngành sản xuất Shamisen đã bị giáng một đòn trí mạng trong bối cảnh dịch bệnh, các biện pháp ứng phó được đưa ra vội vã làm tăng rủi ro kỹ thuật sản xuất đàn bị biến mất”.
Xem thêm: Nhạc cụ truyền thống Nhật Bản
Trước sự thiếu hụt da mèo làm thân đàn Shamisen, da Kagaroo – loài chuột túi gia tăng số lượng chóng mặt tại Úc biến chúng thành loài thú gây hại, đã được các nhà sản xuất đàn Nhật Bản chú ý đến.
Ông Tanaka của cửa hàng Isamiya Hogakkiten cho biết: “Âm thanh của nhạc cụ thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để tạo ra đàn Shamisen không phụ thuộc vào da động vật. Tôi muốn mọi người biết đến sức quyến rũ của đàn Shamisen khi chúng có thể tạo ra đa dạng giai điệu từ những thanh âm tràn đầy sức sống đến những nốt dịu nhẹ, tinh tế”.
kilala.vn
05/01/2023
Bài: Rin
Nguồn: Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận