Aomori Nebuta Matsuri, những chiếc đèn lồng rực rỡ

    Tục lệ Nemuri Nagashi hay Nebuta Nagashi 

    cỗ đèn lồng Nebuta
    Cỗ đèn lồng Nebuta (Ảnh: Piti Sirisriro/123rf)

    Các lễ hội mùa hè ở Nhật Bản thường gắn liền với Nemuri Nagashi (眠り流し) - tục lệ thả các vật như tre, hình nộm búp bê, hoa đăng, thuyền bện bằng rơm xuống sông hoặc biển. Tục lệ này được cho là bắt nguồn từ một nghi lễ diễn ra vào đêm Thất tịch (ngày 7 tháng 7) trong Lễ hội Tanabata nhằm giúp con người chống lại cảm giác buồn ngủ do tiết trời mùa hè mang lại, đồng thời xua đuổi tà ma, dịch bệnh. Ở vùng Kansai, từ Nemuri (nghĩa là "buồn ngủ") được đọc biến âm thành Nebuchi, Neboke hay Nemutta. Trong khi đó, ở vùng Tohoku, từ Nemuri lại được phát âm thành Nebuta, Neputa hay Nefuta nên người dân Aomori gọi Nemuri Nagashi là Nebuta Nagashi (ねぶた流し). Trong đó Nebuta chính là các cỗ đèn lồng rực rỡ được khiêng diễu hành qua các con phố nhằm xua đuổi tà ma, dịch bệnh thường hoành hành trong mùa hè nóng bức.

    đèn lồng Nebuta

    Cỗ đèn lồng Nebuta (Ảnh: iStock)

    Ở Hirosaki, một thành phố khác thuộc vùng Tohoku, cũng có lễ hội tương tự gọi là Hirosaki Neputa. Tuy đều bắt nguồn từ tục lệ Nemuri Nagashi nhưng về mặt hình thức tổ chức thì Aomori Nebuta và Hirosaki Neputa vẫn có vài điểm khác biệt. Mặt khác, về quy mô, theo ước tính Aomori Nebuta thu hút đến gần 3 triệu du khách, đông hơn lượng du khách đến Hirosaki Neputa.

    Cỗ đèn lồng Nebuta 

    đèn lồng Nebuta
    Cỗ đèn lồng Nebuta (Ảnh: Piti Sirisriro/123rf)

    Trước kia, Nebuta thường có khung làm bằng tre và gỗ. Phần bên trong gắn đèn cầy, bên ngoài được dán những lớp giấy Washi với nhiều hình dạng của các nhân vật oai phong và hùng dũng nổi tiếng trong lịch sử và trong nghệ thuật sân khấu truyền thống Kabuki. Ngày nay, khung tre đã được thay bằng khung kim loại nhưng đế của cỗ đèn lồng thì vẫn được làm bằng gỗ. Nebuta chủ yếu có 2 loại: cỡ nhỏ và cỡ lớn. Các Nebuta cỡ lớn có chiều cao đến 5 mét, nặng khoảng 4 tấn. Việc chế tạo một cỗ đèn lồng hoàn chỉnh phục vụ cho lễ hội không hề đơn giản. Công việc này đòi hỏi thời gian, sự tập trung cao độ cũng như sự khéo léo tỉ mỉ của những nghệ nhân làm đèn lồng. Những người này ban đầu được gọi là Nebuta-shi (chuyên gia Nebuta). Nhưng về sau, khi mức độ thẩm mỹ và trình độ kỹ thuật của một số Nebuta-shi đạt đến mức tinh xảo, đóng góp rất lớn cho sự thành công của các lễ hội Nebuta, chính phủ đã ưu ái ban tặng cho họ một danh xưng cao quý hơn: danh nhân Nebuta - Nebuta-meijin. Từ năm 1958 đến nay, ở thành phố Aomori, chỉ có 6 người được vinh danh là Nebuta-meijin.

    Các đêm hội Nebuta 

    Lễ hội Nebuta diễn ra vào các buổi tối với điểm nhấn là những cỗ đèn lồng diễu hành trên những con đường của thành phố Aomori trong suốt 2 tiếng đồng hồ, từ 19 giờ đến 21 giờ.

    đèn lồng Nebuta

    Cỗ đèn lồng Nebuta (Ảnh: mura/iStock)

    Trong hai ngày đầu tiên, 2 và 3 tháng 8, sẽ có khoảng 15 Nebuta cỡ nhỏ và 15 Nebuta cỡ lớn cùng diễu hành. Các ngày 4, 5, 6 là cuộc trình diễn của 20 Nebuta cỡ lớn. Quang cảnh thành phố đêm hè rất lung linh và sôi động, không chỉ bởi ánh sáng rực rỡ của các Nebuta mà còn bởi những điệu múa đầy cuốn hút của hàng trăm vũ công Haneto. Các Haneto vừa múa, vừa hô "Rasse! Rassera!" trong tiếng trống nhịp nhàng và tiếng sáo réo rắt. Du khách có thể thuê một bộ trang phục của Haneto để cùng nhảy múa, reo hò và trải nghiệm không khí sôi nổi của đêm hội.

    Vào đêm cuối cùng của lễ hội, ngày 7 tháng 8, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cỗ đèn lồng đẹp nhất diễu hành trên sông trong tiếng nhạc oai hùng nhằm chiêu dụ và trừng trị các thế lực tà ma. Những chiếc đèn lồng Nebuta lung linh trên mặt nước hòa quyện với ánh sáng rực rỡ của những chùm pháo hoa bừng nở trên bầu trời tạo nên khung cảnh thật khó quên của một đêm hè náo nhiệt và đầy hưng phấn.

    đèn lồng Nebuta

    Cỗ đèn lồng Nebuta (Ảnh: Piti Sirisriro/123rf)

    Có thể nói, ánh sáng của những cỗ đèn lồng ở vùng Tohoku không chỉ đơn giản là hình ảnh đặc trưng của lễ hội Aomori Nebuta mà còn nói lên niềm khát khao của người Nhật: muốn được hòa mình vào cộng đồng, được trải nghiệm những nét đẹp văn hóa truyền thống cũng như giải tỏa những căng thẳng lo âu mà cuộc sống hằng ngày mang lại. Và với các du khách nước ngoài, việc trải nghiệm những đêm hè náo nhiệt và thấm đượm văn hóa xứ Phù Tang ở lễ hội Aomori Nebuta chắc hẳn sẽ để lại một dấu ấn khó phai.

    Kim Oanh/ kilala.vn

    07/07/2016

    Bài: Kim Oanh/ Ảnh: 123rf, iStock, PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!