Triển lãm “Câu chuyện Phương Đông”: Nơi giao thoa nghệ thuật sơn mài Nhật – Việt
“Câu chuyện Phương Đông” của nghệ sĩ Triệu Khắc Tiến mang đến cái nhìn tinh tế về kỹ thuật sơn mài của hai quốc gia Nhật Bản và Việt Nam, hướng đến việc đưa ngôn ngữ sơn mài Việt vươn tầm quốc tế.
Từ ngày 25/03 – 24/04, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam diễn ra triển lãm “Câu chuyện Phương Đông” của Tiến sĩ – nghệ sĩ Triệu Khắc Tiến, Phó Trưởng khoa Hội hoạ, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Giảng viên chuyên ngành Tranh sơn mài.
Triển lãm mang đến cái nhìn cận cảnh về kỹ thuật sơn mài tinh tế và đặc biệt của hai quốc gia, khám phá cách hai nền nghệ thuật sơn mài này chịu ảnh hưởng của nhau và hòa nhập vào một tác phẩm tuyệt đẹp.
Đây là loạt tác phẩm được sáng tạo trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm của nhà nghiên cứu Triệu Khắc Tiến, khi ông có thời gian học tập tại ở Đại học Nghệ thuật Tokyo từ năm 2014 - 2017.
Thừa hưởng khả năng cảm thụ nghệ thuật từ gia đình, sau khi hoàn thành cao học tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nghệ sĩ Triệu Khắc Tiến quyết định theo học Tiến sĩ tại Đại học Nghệ thuật Tokyo. Ông là một trong ba sinh viên quốc tế hiếm hoi có thể theo học Tiến sĩ tại trường đại học danh giá này vì những yêu cầu khắt khe.
Với tình yêu dành cho nghệ thuật sơn mài, nghệ sĩ đã luôn ấp ủ về những tác phẩm giao thoa giữa những nền văn hóa khác nhau, và “Câu chuyện Phương Đông” ra đời. Kết hợp thế mạnh ngôn ngữ sơn mài của các quốc gia có nghệ thuật sơn mài phát triển, ông tin rằng điều này sẽ giúp phát triển, nâng cao nghệ thuật truyền thống.
"Câu chuyện Phương Đông 1" sử dụng các các kỹ thuật của sơn mài Nhật Bản gồm: togidashi-makie, tate-nuri, Haku-e bằng nguyên liệu sơn tự nhiên Nhật Bản. Geisha với bộ trang phục kimono kết hợp các trang sức tinh xảo là kết tinh của nghệ thuật truyền thống Kogei - biểu tượng của văn hóa Nhật Bản. Hình ảnh Geisha trên nền sơn đen sâu thẳm tựa bóng hình mỏng manh hư ảo, ẩn chứa những tiếc nuối của các giá trị truyền thống ngày càng mai một trong xã hội hiện đại.
Tác phẩm thể hiện bằng sơn ta và các nguyên liệu làm tranh sơn mài truyền thống của Việt Nam. Hira-makie, haku-e kết hợp với vàng quỳ, atsu-gai và raden kết hợp với cửu khẩu; rankaku kết hợp với vỏ trứng gà, iro-togidashi kết hợp với bạc quỳ xay mịn tạo ra những hiệu quả khá thú vị. Geisha trẻ trung hoà mình trong một không gian hài hoà với thiên nhiên lung linh sắc vàng, như gợi nhớ đến một thời vàng son rực rỡ, khi các giá trị của nghệ thuật truyền thống được tôn vinh và ca tụng.
Tác phấm sử dụng kỹ thuật đắp nổi taka-makie của sơn mài Nhật Bản kết hợp với vàng quỳ, thử nghiệm dùng vàng xay mô phỏng bột vàng hiramefun của Nhật Bản tạo đường viền nổi bật cho nhân vật. Toàn bộ phần nền được sử dụng bạc xay siêu mịn dát phẳng theo kỹ thuật kawari-nuri.
Đôi nét về sơn mài Nhật Bản
Sơn mài Nhật Bản đã nổi tiếng từ rất lâu, đến nỗi nghệ thuật này được gọi là “japanning”, tức một đặc trưng của nước Nhật. Sơn mài Trung Quốc và Triều Tiên chú trọng vào khảm trai, còn kỹ thuật cơ bản của sơn mài Nhật là maki-e (rắc sơn mài), với những mảnh rắc nhỏ bằng vàng, bạc và những phụ gia khác, nhiều cách trang trí mang tính hội họa hơn.
Một nhà sưu tập phương Tây sở hữu một bộ sưu tập đáng chiêm ngưỡng là E.A. Wrangham cho rằng sơn mài Nhật “phô bày một trình độ thẩm mỹ tinh tế sắc sảo và tay nghề khéo léo bậc nhất trong những ngành mỹ thuật ứng dụng trên thế giới”.
Thông tin về sự kiện:
- Thời gian: 25/3/2022 (thứ Sáu) – 24/4/2022 (Chủ nhật), 09:00 – 18:00
- Địa điểm: Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Vào cửa tự do
Xem thêm: Vẻ quyến rũ của đồ sơn mài Nhật
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận