Tìm lại giọng nói cho bệnh nhân ung thư bằng AI

    Một công ty có trụ sở tại Tokyo đang tạo được sự chú ý với dịch vụ tái tạo giọng nói thông qua trí tuệ nhân tạo cho những người mất đi giọng nói do phẫu thuật ung thư.

    Doanh nghiệp CoeFont Co. đã sử dụng AI để học cao độ và trọng âm giọng nói của người dùng, cùng với tốc độ trò chuyện của họ trước khi bệnh nhân tiến hành phẫu thuật. Sau đó, công ty tạo ra một giọng nói nhân tạo giống như giọng nói gốc và có thể đọc văn bản được nhập vào.

    giọng nói nhân tạo

    Bà Michiko Sakai đang sử dụng dịch vụ giọng nói nhân tạo do CoeFont phát triển để trò chuyện cùng chồng. 

    CoeFont được dẫn dắt dẫn dắt bởi một sinh viên và giảng viên của Học viện Công nghệ Tokyo, đến nay, họ đã nhận được 100 yêu cầu cho dịch vụ này.

    Theo Shogo Hayakawa, sinh viên năm ba của trường đại học Tokyo đồng thời là chủ tịch CoeFont, ban đầu công ty không dự định phát triển công nghệ dành cho những người mất đi giọng nói hậu phẫu thuật mà hướng đến những người sáng tạo nội dung video trên các nền tảng như YouTube, sử dụng AI để đọc các câu sau khi học giọng của phát thanh viên và nghệ sĩ lồng tiếng.

    Tuy nhiên, Hayakawa chợt nhận ra khả năng ứng dụng dịch vụ cho các mục đích y tế sau khi anh gặp bà Michiko Sakai, một cư dân 67 tuổi ở Tokyo, người được chẩn đoán mắc ung thư khí quản vào tháng 4 năm 2021. Ung thư đã di căn đến các dây thần kinh trong dây thanh quản, và bà Sakai sẽ không thể nói được nữa sau phẫu thuật.

    [subscribe]

    Bà cùng chồng mình, ông Masahiko (68 tuổi) biết đến CoeFont sau khi tìm kiếm trên internet. Bà đã liên hệ với công ty trước khi dịch vụ dành cho người sáng tạo nội dung chính thức ra mắt vào tháng 7 năm 2021. 

    Trong tám ngày trước khi tiếp nhận phẫu thuật, bà được công ty CoeFont yêu cầu đọc 700 câu để AI có thể tái tạo giọng nói cho bà. Hayakawa nói rằng, việc hỗ trợ bà khiến anh nhận ra rằng có một cách khác để ứng dụng dịch vụ.

    Bà Sakai chia sẻ: "Người đầu tiên tôi nói chuyện sau cuộc phẫu thuật là một y tá tại bệnh viện. Cô ấy rất ngạc nhiên khi nghe được giọng nói của tôi giống như trước đây, điều đó khiến tôi rất vui."

    Khi bà gõ một câu trên điện thoại thông minh, một giọng nói tự nhiên phát ra, các từ được kết nối nhịp nhàng, khiến người ta khó tin rằng đó là giọng nói nhân tạo.

    công nghệ giọng nói nhân tạo
    Công nghệ của Coefont có thể tạo ra giọng nói nhân tạo y hệt với giọng nói thật của người dùng.

    Chồng bà, ông Masahiko cho biết, mặc dù đó là giọng nói được tái tạo từ AI nhưng ông không cảm thấy xa lạ, ngược lại ông và vợ mình có thể trò chuyện một cách vô cùng tự nhiên.

    Theo một tổ chức đại diện cho những người mất giọng nói có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản hiện có khoảng 20.000 đến 30.000 người bị mất giọng nói vì ung thư.

    Mặc dù có nhiều cách để có thể nói như sử dụng thực quản thay vì dây thanh hoặc sử dụng một loại máy đặc biệt, nhưng những phương pháp này đòi hỏi sự luyện tập và cho kết quả khác nhau ở mỗi người.

    Masanori Matsuyama, người đứng đầu tổ chức, đánh giá cao dịch vụ của CoeFont và bày tỏ: “Mặc dù công nghệ này yêu cầu người dùng phải nhập nội dung vào nhưng bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng sử dụng nó”.

    Ông cũng hy vọng  AI sẽ ngày càng tiến bộ hơn nữa và có thể tái tạo giọng nói bằng cách đọc khẩu hình.

    Xem thêm: Nhật đẩy mạnh công nghệ phòng tránh trẻ bị bỏ quên trên xe

    kilala.vn

    27/08/2022

    Bài: Happy
    Nguồn: The Mainichi
    Ảnh: Kyodo

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!