Nhật đẩy mạnh công nghệ phòng tránh trẻ bị bỏ quên trên xe
Các nhà phát triển thiết bị điện tử và nhiều công ty công nghệ khác tại Nhật Bản đang nỗ lực để nhanh chóng triển khai hệ thống cảm biến, thiết bị đeo tay, góp phần chấm dứt những vụ việc thương tâm khi trẻ em bị bỏ lại trên xe ô tô nóng bức vào mùa hè.
Vụ việc cậu bé 5 tuổi bị bỏ quên trên xe buýt
Theo điều tra của cảnh sát, nữ hiệu trưởng đã tự lái xe đón trẻ vào mỗi buổi sáng mà không có nhân viên đi cùng. Vào lúc 17h ngày 29/07, sau khi không thấy con được chở về nhà, mẹ cậu bé đã gọi điện cho trường, rồi trực tiếp đến trường thì nhận tin con đã được chuyển đến bệnh viện.
Hiệu trưởng bị cáo buộc không kiểm tra bên trong xe buýt sau khi các bé đã xuống xe mà chỉ đóng cửa rồi rời đi. Mãi đến 9 tiếng đồng hồ sau, vào khoảng 17h15, Toma mới được một nhân viên của trường phát hiện và không qua khỏi sau khi được đưa đến bệnh viện.
Sự việc đau lòng trở thành lời cảnh báo về việc trẻ có thể bị đe dọa đến tính mạng nếu bị bỏ quên trên xe buýt, ô tô giữa thời tiết nắng gắt của mùa hè.
Hệ thống cảnh báo của Cybernetech
Cybernetech, một nhà phát triển thiết bị điện tử đặt trụ sở tại thành phố Nogata, tỉnh Fukuoka đang trong quá trình thiết kế một hệ thống để bảo vệ trẻ khỏi tình trạng tương tự, sau khi chứng kiến vụ việc đau lòng của bé Toma Kurakake. Hệ thống này được tích hợp cảm biến để xác định xem còn ai bị bỏ lại trên xe buýt hay ghế tài xế không, đồng thời giám sát nhiệt độ trong xe, trạng thái hoạt động của xe.
Vào cuối năm ngoái, công ty đã bắt đầu thử nghiệm tại các trường mẫu giáo ở Nogata. Theo đó, trường mẫu giáo có thể đăng nhập vào một chương trình máy tính để xem xét tình hình sự cố bên trong xe, được truyền đi qua dữ liệu không dây. Nếu trẻ bị bỏ lại trên xe buýt nhấn “Nút gọi”, ngay lập tức, thông qua máy tính, tiếng cảnh báo sẽ được phát ra nhằm giúp cho nhân viên của trường mẫu giáo nhận biết được sự cố.
Ryo Sasaoka, 41 tuổi, giám đốc điều hành công ty Cybernetech cho biết: “Ngay cả trong tình huống các nhân viên tại trường mẫu giáo đều bận rộn, họ vẫn có thể kiểm tra thường xuyên tình trạng trên xe buýt. Họ cần nghĩ đến việc làm sao để giải cứu ngay lập tức một học sinh bị bỏ lại trên xe”.
Những người ủng hộ việc giới thiệu công nghệ trên đến trường mầm non, nơi thường xuyên phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nhân viên, tin rằng công nghệ theo cách nào đó sẽ giúp ngăn chặn một thảm kịch khác xảy ra.
Thiết bị đeo tay Toppan Printing
Kể từ mùa thu năm ngoái, Kiitos, một nhà trẻ được điều hành bởi Highflyers tại tỉnh Chiba đã tiến hành thử nghiệm một thiết bị đồng hồ đeo tay được phát triển bởi công ty Toppan Printing Co., chuyên phát triển hệ thống quản lý công nhân làm việc ở nhà máy. Chiếc đồng hồ đeo tay này không chỉ hiệu quả trong việc theo dõi xem trẻ đang ở đâu, mà còn theo dõi cả dữ liệu sinh trắc học như mạch hay huyết áp trong nhiều chỉ số sức khỏe thể chất khác.
Ariho Hamano, 28 tuổi, đại diện của Highflyers cho biết: “Vẫn tốt nhất nếu nhân viên của nhà trẻ chú ý đến từng bé. Chúng tôi nảy ra ý tưởng về một hệ thống không phụ thuộc vào con người và hy vọng rằng nó có thể phần nào làm giảm nguy cơ xảy ra các sự cố”.
Mặc dù hiểu rõ tầm quan trọng của công nghệ trên, một người cha ở độ tuổi 30 có con theo học ở Kiitos bày tỏ một thắc mắc quan trọng không kém là các dữ liệu sinh trắc học sẽ được xử lý ra sao sau khi thu thập.
Ngoài ra, tại Nhật Bản, một số công ty nước ngoài cũng đã giới thiệu các hệ thống phát hiện xem trẻ em có bị bỏ lại trên xe buýt của trường hay trên xe ô tô không. Sanyo Trading Co., tại Tokyo đang chuẩn bị giới thiệu hệ thống cảm biến được phát triển bởi các công ty châu Âu đến thị trường Nhật Bản.
Giáo sư Masako Maeda đến từ Đại học Konan ở Kobe, một chuyên gia về hệ thống theo dõi trường mầm non đã đề xuất rằng, mặc dù có thể kỳ vọng công nghệ sẽ góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn, nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể. Ý thức về sự an toàn phải đặt lên hàng đầu. Bà nói thêm: “Điều cần thiết là phải hiểu được các rủi ro có thể xảy ra trên xe buýt trường”.
Bà cho rằng nhân viên trường mầm non cần phải được tập huấn để phòng tránh các tai nạn xảy ra và có nhiều thời gian hơn để tương tác với trẻ: “Công nghệ nên được sử dụng để hỗ trợ công việc giấy tờ và nhiều việc nhỏ nhặt khác, từ đó giảm bớt gánh nặng trên vai của nhân viên chăm sóc trẻ”.
kilala.vn
11/08/2022
Bài: Rin
Nguồn: Kyodo
Ảnh bìa: city.omitama.ibaraki.jp
Đăng nhập tài khoản để bình luận