Ra mắt vở Opera "Công nữ Anio": Câu chuyện về cô dâu Việt đầu tiên trên đất Nhật
Tác phẩm opera Công nữ Anio sẽ trở thành một sự kiện tiêu biểu làm nổi bật dấu mốc quan trọng kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật vào năm 2023.
Dự án Opera “Công nữ Anio” do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng bảo trợ, được triển khai thực hiện nhằm góp phần thúc đẩy mối quan hệ giao lưu và hữu nghị Việt - Nhật, hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2023 (21/09/1973 - 21/09/2023).
Nội dung và chủ đề vở opera được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật trong lịch sử giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản từ những năm đầu thế kỷ 17. Công nữ Ngọc Hoa có tên gọi đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Hoa.
Nàng là họ hàng bên ngoại của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, được Chúa yêu quý nhận làm con nuôi. Khi ấy, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên xưng thần với nhà Lê trung hưng, tự xưng Nhân quốc công, do đó các con gái của Chúa đều được gọi là Công nữ.
Nàng đã gặp và phải lòng chàng thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro, cả hai nguyện ý kết duyên vợ chồng. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên dù phản đối việc gả con gái đến một đất nước xa lạ, nhưng tình yêu sâu đậm của cả hai đã khiến Chúa lay động và đồng ý ban hôn cho hai người, tiễn họ đến Nagasaki, Nhật Bản.
Công nữ Ngọc Hoa thường gọi chồng là “Anh ơi”, do đó người dân Nagasaki gọi nàng với tên thân mật là “Anio san” (Cô Anio). Ngày nay, lễ rước kiệu đón Công nữ Anio vẫn tiếp tục được tái hiện trong phân cảnh “Châu Ấn thuyền” tại lễ hội Nagasaki Kunchi ở Nagasaki vào ngày 07 - 09/10 hằng năm.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành những người bạn thân thiết, chân thành và thấu hiểu nhau, có độ tin cậy cao về mặt chính trị.
Thứ trưởng khẳng định dự án opera “Công nữ Anio” là một sự kiện văn hoá đối ngoại có ý nghĩa đặc biệt không chỉ góp phần phát triển nền văn hoá âm nhạc của hai quốc gia, mà tác phẩm còn kết nối những giá trị lịch sử - văn hoá - nghệ thuật từ quá khứ đến hiện tại và hướng đến tương lai của quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, trở thành “sứ giả” gắn kết người dân hai nước lại gần nhau hơn.
Với vai trò là cố vấn danh dự cho dự án, Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio nhận định tác phẩm opera "Công nữ Anio" sẽ trở thành một sự kiện tiêu biểu làm nổi bật dấu mốc quan trọng kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật vào năm 2023, giúp người dân hai nước hồi tưởng về thời kỳ giao thương Châu Ấn thuyền phát triển rực rỡ cách đây 400 năm, đồng thời góp phần củng cố và thắt chặt hơn nữa sự gắn kết của nhân dân hai nước trong tương lai. Ngài Đại sứ khẳng định Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sẽ cùng với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch dành sự hỗ trợ tối đa để dự án này thành công.
Dự án tập hợp ê-kíp sản xuất bao gồm nhiều chuyên gia và nghệ sĩ của hai nước:
Tổng đạo diễn: Honna Tetsuji; tác giả âm nhạc Trần Mạnh Hùng; đội ngũ tác giả nguyên tác dự án Opera “Công nữ Anio”; đạo diễn, tác giả kịch bản/soạn lời tiếng Nhật: Oyama Daisuke và tác giả soạn lời tiếng Việt: Hà Quang Minh; phụ trách hình ảnh chủ đạo tranh sơn mài: Ando Saeko; đồng sản xuất: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam; sân khấu, kỹ thuật: Công ty Cổ phần Art Creation; cố vấn lịch sử: Phan Hải Linh, Tomoda Hiromichi, Fukukawa Yuichi, Kikuchi Seiichi, Ando Katsuhiro, Honma Sadao; Chủ nhiệm sản xuất: Furukawa Naomasa; nhà sản xuất: Trịnh Tùng Linh, Tani Makoto, Sasaki Shinji.
kilala.vn
23/12/2021
Ảnh: Ban Điều hành Dự án Opera “Công nữ Anio”
Đăng nhập tài khoản để bình luận