Nhật Bản đối diện với "khủng hoảng nước cam"
Loại nước giải khát quen thuộc, tưởng chừng dễ dàng tìm kiếm lại đang có nguy cơ trở nên khan hiếm tại Nhật Bản.
Điều gì dẫn đến khủng hoảng nước cam tại Nhật?
Nhật Bản nhập khẩu khoảng 90% nước cam, phần lớn được chế biến từ cam của Brazil, nơi đã bị thiệt hại nặng nề do mưa và dịch bệnh vàng lá gân xanh (loại bệnh phổ biến ở các loài thực vật thuộc chi cam chanh) bùng phát vào năm 2023 .
Trong khi nguồn cung bị ảnh hưởng, nhu cầu lại tăng lên kéo theo giá cả leo thang, cùng với đó là việc đồng yên đang mất giá.
Theo số liệu thống kê do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố vào tháng 3, giá nhập khẩu nước cam bằng đồng yên đã tăng 69% so với một năm trước và đã tăng gấp đôi kể từ năm 2019. Điều này khiến các công ty Nhật Bản gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nước cam trong thời điểm hiện tại.
Vậy tại sao Nhật Bản không sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước?
Diện tích nhỏ, địa hình đồi núi của Nhật Bản khiến đất nông nghiệp hạn chế và thường ưu tiên để trồng lúa gạo. Mặt khác, ngành trồng cam quýt ở xứ sở Phù Tang chủ yếu tập trung vào mikan, một loại quả họ cam quýt phổ biến nhưng không thực sự phù hợp để làm nước ép.
Cùng lúc với việc các nhà phân phối nước cam thông báo tạm dừng bán hàng, tổ chức Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản gồm các hợp tác xã khu vực đã khôi phục nhãn hiệu nước ép trái cây 100% Nokyo Kajitsu, vốn đã ngừng hoạt động trong 14 năm qua.
Tuy nhiên, cả hai sản phẩm của Nokyo Kajitsu, được bán vào tháng 4, đều sử dụng nước ép mikan chứ không phải nước cam. Vì vậy những người yêu thích nước cam ở đất nước mặt trời mọc có thể sẽ phải đối mặt với “cơn khát nước cam” trong thời gian tới.
kilala.vn
Nguồn: Sora News
Đăng nhập tài khoản để bình luận