Kẹo trái cây trong “Mộ Đom Đóm” nói lời tạm biệt vì lạm phát sau 114 năm
Loại kẹo Nhật Bản được nhiều thế hệ yêu thích, thậm chí từng xuất hiện trong bộ phim hoạt hình huyền thoại “Mộ Đom Đóm” đã trở thành “nạn nhân” của làn sóng lạm phát dâng cao trên toàn cầu.
Năm 2022 dần trôi về phía cũ nhưng dường như bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Suốt nhiều tháng qua, giá cả nguyên liệu và năng lượng tăng cao khiến tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trở nên ảm đạm, cuộc sống người dân lao đao.
Mới đây, công ty Sakumaseika có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản cho biết họ sẽ ngừng kinh doanh sản phẩm kẹo trái cây "Sakumashiki Drops" từ tháng Giêng năm sau do chi phí sản xuất tăng và thiếu hụt lao động trong khi doanh số sản phẩm sụt giảm.
Kẹo trái cây “Sakumashiki Drops” từng xuất hiện trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng “Mộ Đom Đóm” của hãng Ghibli. Đó là hộp kẹo mà cô bé mồ côi trong chiến tranh Setsuko mang theo bên mình, hộp kẹo chất chứa niềm hạnh phúc an ủi nhỏ nhoi mà cô bé còn lại.
Vượt ra khỏi bộ phim, hộp kẹo trái cây bằng thiếc màu đỏ ấy đã trở thành biểu tượng hy vọng của thế hệ trẻ em trong chiến tranh như Setsuko.
“Sakurashiki Drops” xuất hiện trên thị trường lần đầu tiên vào năm 1908, được tạo ra bởi Sojiro Sakuma, một doanh nhân đến từ tỉnh Chiba. Lúc bấy giờ, kẹo trái cây nhập khẩu từ nước ngoài rất phổ biến ở Nhật Bản. Điều này khiến Sakuma trăn trở và nung nấu ý định tạo ra một phiên bản nội địa ngon đến mức một ngày nào đó đến lượt đất nước mặt trời mọc xuất khẩu kẹo thương hiệu Nhật ra nước ngoài.
“Sakumashiki Drops” đã không đạt được thành công về doanh số toàn cầu như Sakuma đã mong đợi, nhưng nhờ sự ủng hộ và gắn bó với cửa hàng kẹo từ người hâm mộ Nhật Bản, hương vị kẹo trái cây của Sakuma vẫn tồn tại trong hơn một thế kỷ qua. Nhưng rồi cũng đến lúc “những viên kẹo trái cây hy vọng” nói lời tạm biết thế giới.
Việc Sakuma ngừng sản xuất loại kẹo này để lại không ít những tiếc nuối cho nhiều người Nhật thế hệ trước.
Naoe Watanabe (53 tuổi), một chủ cửa hàng bánh kẹo bồi hồi nhớ lại cách mình từng dùng đồng xu 10 yên để mở nắp hộp thiếc đựng kẹo. Ông chia sẻ: “Cảm giác giống như biểu tượng của thời đại vậy. Bây giờ có quá nhiều sự lựa chọn so với hồi tôi còn nhỏ.”
Hiroshi Matsuzawa sở hữu một cửa hàng đồ ăn vặt trên một con phố mua sắm nổi tiếng ở Tokyo, cho biết Sakumashiki Drops chủ yếu được người tiêu dùng lớn tuổi ưa chuộng, trong khi trẻ em tha hồ lựa chọn với vô số sản phẩm mới.
Teruyo Ishiguro, người điều hành một cửa hàng đồ ngọt giá rẻ “Dagashiya” - điểm dừng chân quen thuộc trên đường đi học về của trẻ em cho biết cô đã ngừng nhập Sakumashiki Drops vào năm ngoái, vì hầu hết người mua loại kẹo này ở độ tuổi từ 50 trở lên.
Sakumaseika cho biết, công ty đã không tăng giá sản phẩm, bao gồm 8 hương vị như dâu tây, chanh. trong nhiều năm. Tương tự Sakumaseika, nhiều công ty Nhật Bản vẫn do dự trong việc tăng giá sản phẩm vì sợ mất khách hàng.
Ngoài ra, một đại diện của Sakumaseika cho biết tương lai của 100 nhân viên công ty vẫn chưa được chắc chắn, tuy nhiên công ty từ chối bình luận thêm.
Lạm phát và đồng yên suy yếu làm giảm lợi nhuận của nhiều nhà sản xuất thực phẩm. Vào tháng Giêng, nhà sản xuất đồ ăn vặt nổi tiếng Umaibo đã tăng giá lần đầu tiên kể từ khi loại bánh que này ra mắt năm 1979.
Trong năm tài chính 2021, Sakumaseika bị lỗ ròng hơn 150 triệu yên, theo công ty khảo sát tín dụng Tokyo Shoko Research.
Dù vậy, những người hoài niệm và yêu mến kẹo trái cây hộp thiếc này có thể được an bủi bởi Sakuma Conf Candy - công ty bánh kẹo đối thủ của Sakuma (được thành lập khi ban quản lý chia tay với Sakumaseika sau chiến tranh) sẽ tiếp tục sản xuất một sản phẩm tương tự với cái tên na ná “Sakuma Drops” nhưng được đựng trong lon màu xanh thay vì màu đỏ như sản phẩm gốc.
Người phát ngôn của Sakuma Conf Candy cũng bày tỏ sự tiếc nuối trước lời tạm biệt của sản phẩm kẹo trái cây 114 năm tuổi đời của công ty đối thủ.
Xem thêm: Cửa hàng 100 yên, quán cafe ở Nhật khốn đốn vì giá cả leo thang
kilala.vn
12/11/2022
Bài: Happy
Nguồn: Japantoday
Đăng nhập tài khoản để bình luận