Các cửa hàng tiện lợi ở Nhật không thể mở cửa 24 giờ vì thiếu lao động
Gần 12% cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản do các nhà khai thác lớn điều hành đã chọn không hoạt động 24h với lý do thiếu nhân công và nhu cầu về đêm giảm.
Để đối phó với tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng, một số cửa hàng đã bố trí máy tính tiền tự động.
Seven-Eleven Japan Co. đã rút ngắn thời gian mở cửa tại hơn 200 cửa hàng kể từ năm tài khóa 2020 theo yêu cầu của các chủ sở hữu nhượng quyền, trong khi Lawson Inc. đã thực hiện các biện pháp tương tự tại khoảng 100 cửa hàng.
Tuy nhiên, các chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu là Seven-Eleven, Lawson và FamilyMart có tỉ lệ cửa hàng rút ngắn thời gian hoạt động tương đối thấp so với các nhà khai thác nhỏ hơn, chỉ khoảng 8-10%.
Seicomart, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hokkaido có số lượng cửa hàng cắt giảm giờ làm việc cao nhất - tương đương 87%, tiếp đến là Poplar Co. (có trụ sở chính tại Hiroshima) với 79% cửa hàng.
Một quan chức của Ministop Co., cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp bằng việc xem xét doanh số bán hàng và tính bền vững”. Hiện công ty này cho phép 22% cửa hàng rút ngắn thời gian làm việc.
Kể từ khi Seven-Eleven Nhật Bản mở cửa hàng tiện lợi đầu tiên ở Nhật tại phường Koto, Tokyo vào tháng 5 năm 1974, những cửa hàng hoạt động 24 giờ đã trở nên phổ biến, thu hút khách ghé đến không chỉ để mua hàng tạp hóa mà còn để sử dụng dịch vụ tài chính, chuyển phát và các tiện ích khác.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thị trường Nhật Bản đã trở nên bão hòa đồng thời xuất hiện mối lo ngại về tình trạng nhân viên phải làm việc quá sức trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lao động ngày càng sâu sắc.
Xem thêm: Combini trong đời sống người Nhật
kilala.vn
Nguồn: Kyodo News
Đăng nhập tài khoản để bình luận