Bảo tàng ở Iwate mở cửa trở lại sau 11 năm thảm họa
Ngày 5/11 vừa qua, cuối cùng Bảo tàng Thành phố Rikuzentakata thuộc tỉnh Iwate đã có thể mở cửa trở lại sau hơn 11 năm bị tàn phá nặng nề trong thảm họa động đất sóng thần 2011.
Bảo tàng Thành phố Rikuzentakata được dời đến địa điểm mới là một góc của khu đô thị được nâng cao so với mặt đất khoảng 10m và xung quanh là các cơ sở thương mại. Tòa nhà bảo tàng gồm hai tầng, hoàn thành vào tháng 7 năm 2021 sau khi công tác trùng tu các hiện vật bị hư hỏng và nâng mặt bằng kết thúc.
Điều đặc biệt ở bảo tàng mới là có một khu vực để khách tham quan có thể theo dõi quá trình các kỹ thuật viên khôi phục những hiện vật bị hư hại do sóng thần.
Thảm họa lịch sử năm 2011 với ngọn sóng thần cao chót vót tràn vào và làm ngập đến trần của tầng hai đã cướp đi sinh mạng của 6 nhân viên bảo tàng, nhấn chìm 230.000 hiện vật trong nước biển và bùn đất (ngoại trừ một phần nhỏ đã cho các cơ sở khác thuê).
Dự án tái thiết bảo tàng bắt đầu vào tháng 4 năm 2011, một tháng sau thảm họa. Là một phần của dự án giải cứu, các quan chức từ Bảo tàng tỉnh Iwate (tọa lạc ở thành phố Morioka) và những cơ sở khác đã mang các tài sản văn hóa ra khỏi bảo tàng Thành phố Rikuzentakata bị phá hủy để cất giữ, với sự hỗ trợ của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản.
Quá trình khôi phục các hiện vật có sự giúp đỡ từ các chuyên gia tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo và nhiều tổ chức khác bên ngoài tỉnh, họ đã tiến hành công việc phục hồi bao gồm cả việc loại bỏ muối và bụi bẩn ra khỏi hiện vật.
Trong số 560.000 hiện vật được trưng bày tại bảo tàng thành phố và ba cơ sở văn hóa khác ở Rikuzentakata trước khi bị sóng thần tàn phá, khoảng 460.000 hiện vật đã được lưu giữ, 300.000 hiện vật đã được khôi phục hoàn toàn, và công việc khôi phục 160.000 mẫu vật còn lại vẫn tiếp tục.
Bên cạnh đó, bảo tàng mới được tích hợp với Bảo tàng Đại dương và Động vật có vỏ của thành phố (vốn cũng bị hư hại trong thảm họa năm 2011). Tòa nhà hai tầng mới cũng trưng bày nhiều bia đá ghi lại bài học từ các thảm họa sóng thần trong quá khứ, xảy ra tại bờ biển Sanriku ở Đông Bắc Nhật Bản, dọc theo Thái Bình Dương.
Theo trưởng giám tuyển bảo tàng, ông Masaru Kumagai (56 tuổi), việc làm này của bảo tàng nhằm mục đích làm sáng tỏ những sự thật lịch sử, bao gồm cả thảm họa động đất và sóng thần để thế hệ tương lai có thể biết đến.
Ngoài ra bảo tàng cũng thực hiện các hội thảo trình bày về dự án giải cứu những tài sản văn hóa sau thảm họa. Trong buổi giới thiệu trước truyền thông ngày 28/10, Yasumori Matsuzaka, giám đốc bảo tàng cho biết: “Chúng tôi có thể góp một phần quan trọng trong việc truyền bá ra thế giới kinh nghiệm khôi phục các tài sản văn hóa bị thiệt hại do thảm họa”.
Xem thêm: 11 năm sau thảm họa kép, bãi biển tỉnh Iwate mở cửa trở lại
16/11/2022
Bài: Happy
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận