Vì sao phụ nữ Nhật e ngại đến phòng khám?

    Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy nhiều phụ nữ ở Nhật Bản chưa bao giờ đi khám sản phụ khoa (ob-gyn) ngay cả khi họ gặp vấn đề về sức khỏe, trừ khi mang thai.

    Con số đáng báo động

    Có 44,7% phụ nữ Nhật chưa từng mang thai cho biết họ chưa từng đi khám phụ khoa. Lý do là họ không muốn chi tiêu cho việc này (31,9%) hoặc cảm thấy vấn đề sức khỏe không nghiêm trọng (29,9%).

    Chưa dừng lại ở đó, cuộc khảo sát cũng tiết lộ vô số kết quả gây sốc. Hơn 85% trả lời rằng họ từng cảm thấy không khỏe về thể chất. Một nửa trong số họ có biểu hiện bệnh liên quan đến sản phụ khoa, đa phần về kinh nguyệt như: đau bụng kinh (30,6%) và hội chứng tiền kinh nguyệt* (được gọi là PMS) (25,6%).

    *Theo Sức Khỏe & Đời Sống, hội chứng tiền kinh nguyệt là rối loạn pha hoàng thể tái phát, có đặc điểm là dễ kích thích, lo lắng, không ổn định về tình cảm, trầm cảm, phù, đau bụng, đau ngực và đau đầu, xảy ra trong 7-10 ngày trước chu kỳ kinh nguyệt và thường kết thúc vài giờ sau khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu.

    Nhiều phụ nữ Nhật e ngại chuyện khám phụ khoa

    Nhiều phụ nữ Nhật e ngại việc khám phụ khoa. Ảnh: Medical News Today

    Tuy nhiên, nhiều phụ nữ lựa chọn cách tự giải quyết chúng mà không cần đến bác sĩ phụ khoa, chẳng hạn như dùng thuốc không kê đơn hoặc thực phẩm chức năng. Kết quả là cứ 5 người thì có 1 người không thể tự cải thiện tình trạng của mình.

    Trên thực tế, một báo cáo y khoa cho thấy sự liên quan giữa PMS và bệnh lạc nội mạc tử cung ở Nhật Bản cao hơn so với các nước khác. Vấn đề là một số lượng đáng kể phụ nữ ở Nhật Bản chịu đựng các triệu chứng do chuẩn mực xã hội quy định rằng họ phải vượt qua chúng khi được sinh ra là phụ nữ.

    đau bụng

    Họ thường chịu đựng cơn đau hoặc tìm đến những cách trị đau tạm thời. Ảnh: Zenbird

    Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ và Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết tình trạng ở từng giai đoạn là rất quan trọng để đánh giá tổng thể sức khỏe của phụ nữ, ví dụ phụ nữ càng có triệu chứng tiền kinh nguyệt nhiều thì sẽ chịu đựng nhiều sự bất thường của cơ thể hơn như trầm cảm, mệt mỏi…, hoặc đến khi cảm giác đau đớn liên tục thì có nguy cơ cao là lạc nội mạc tử cung.

    Giáo dục giới tính là cốt lõi

    Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là giáo dục giới tính ở Nhật Bản còn đi sau các tiêu chuẩn quốc tế. Mặc dù chương trình giảng dạy ở trường bao gồm một số kiến thức về kinh nguyệt, nhưng các vấn đề chi tiết như cách đối phó với kinh nguyệt lại không được đưa vào.

    Kết quả của một nghiên cứu mà NHK thực hiện từ năm 2021 đến năm 2022 đã phản ánh vấn đề này. Hơn 50% số người được hỏi (đa dạng độ tuổi) và khoảng 80% số người được hỏi từ 40 tuổi trở lên, trả lời rằng việc giáo dục về kinh nguyệt được thực hiện riêng cho nam và nữ ở trường tiểu học.

    Ngoài ra, 36% nam giới được hỏi trả lời rằng họ “chưa bao giờ được học về kinh nguyệt” và 21% trả lời rằng họ “không nhớ mình đã được học hay chưa”. Nó cho thấy khả năng phần lớn các trường tiểu học chỉ dạy về kinh nguyệt cho các em gái.

    giáo dục giới tính

    Quan niệm chỉ dạy về kinh nguyệt cho trẻ em gái và giảng dạy một cách sơ sài đã khiến nhiều người thiếu kiến thức khi trưởng thành. Ảnh: Zenbird

    Một bạn nữ trả lời: “Tôi thấy có luật bất thành văn là phải giữ bí mật kinh nguyệt của mình vì việc giáo dục về kinh nguyệt được tiến hành riêng cho nam và nữ”. Một người đàn ông cho biết: “Tôi không biết kinh nguyệt có thể khó khăn và ảnh hưởng đến cuộc sống của phụ nữ như vậy cho đến khi tôi hẹn hò”. 

    Nhiều nhận định dựa trên những báo cáo đã cho thấy rằng sự thiếu hiểu biết về kiến thức phụ khoa đã khiến phụ nữ e ngại cũng như lơ là việc đến các phòng khám khi có triệu chứng bệnh. 

    [subscribe]

    Bên cạnh đó, phụ nữ phải đối mặt với nhiều rào cản khi gặp bác sĩ sản phụ khoa. Các bác sĩ chăm sóc chính (PCP) ở Nhật Bản không được trang bị tốt để giải quyết và xử lý đầy đủ các vấn đề sức khỏe của phụ nữ. Do đó, cơ hội để phụ nữ tham khảo ý kiến của PCP về các vấn đề sức khỏe nữ giới thường bị hạn chế trong các cuộc gặp gỡ bệnh nhân ngoại trú bận rộn.

    Những dự án ra đời vì phụ nữ

    Nhận thức được tầm quan trọng của việc cung cấp kiến thức đầy đủ cho phụ nữ để họ chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe của mình, nhiều dự án đã được ra đời.

    Seiri Kaiteki là dự án tập trung vào việc phổ biến đến mọi người tầm quan trọng của sức khỏe phụ nữ, sự cần thiết của việc hỗ trợ sức khỏe cho phụ nữ tại nơi làm việc và xã hội, nhằm hiện thực hóa một xã hội mà nữ giới không gặp khó khăn do kinh nguyệt. 

    hoạt động của Women's Wellness Action

    Hoạt động của Women's Wellness Action. Ảnh: womens-wellness-action

    Chẳng hạn, họ tổ chức hội thảo trên web dành cho phụ nữ, hợp tác với các ngôi sao nữ và chuyên gia y tế, để giúp phụ nữ tiếp cận với sản phụ khoa dễ dàng, cũng như có cơ hội hiểu về cơ thể và thời kỳ “đèn đỏ” của mình. Họ cũng liên hệ với các công ty để thúc đẩy sự hiểu biết về kinh nguyệt của phụ nữ.

    Ngoài ra, Women’s Wellness Action là một cộng đồng có tầm nhìn rằng “sức khỏe của phụ nữ sẽ thay đổi thế giới”. Họ nỗ lực để ủng hộ quyền sức khỏe sinh sản và giới tính với các hoạt động như tổ chức các sự kiện và hội thảo để ngăn ngừa việc mang thai ngoài ý muốn, nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa cũng như đòi lại quyền cho phụ nữ. Thông tin về sức khỏe của phụ nữ cũng được tổ chức cập nhật chi tiết trên Instagram. 

    kilala.vn

    01/06/2023

    Nguồn: Zenbird

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!