Người Nhật nghiện khẩu trang: Căn bệnh tâm lí thời đại
Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Vệ sinh Công nghiệp Nhật Bản, số lượng khẩu trang hiện nay của Nhật tăng 20% so với cùng kỳ năm 2015, đạt mức kỷ lục là 4,9 tỷ chiếc. Không chỉ đeo khẩu trang để chống bụi, chống nắng, người Nhật “nghiện” đeo khẩu trang còn vì vấn đề tâm lí.
Phòng bệnh, tránh bụi
Mùa xuân là mùa kinh doanh khẩu trang y tế “cao điểm” ở Nhật. Khẩu trang là trợ thủ đắc lực chống lại căn bệnh dị ứng phấn hoa, cảm lạnh rất phổ biến vào mùa xuân. Người bị cảm cúm mang khẩu trang là để tránh việc phát tán bệnh của mình ra môi trường xung quanh, thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của mọi người xung quanh và ngăn chặn vi khuẩn từ môi trường bên ngoài. Vào mùa đông, người Nhật đeo khẩu trang để giữ ấm cho mặt.
Khẩu trang là trợ thủ đắc lực chống lại căn bệnh dị ứng phấn hoa, cảm lạnh rất phổ biến vào mùa xuân.(Ảnh: Japaninfo.com)
Bệnh tâm lý “thích ẩn mình”, cảm thấy thiếu an toàn
Ngày nay, vào bất cứ cửa hàng, siêu thị nào ở Nhật, bạn sẽ thấy vô cùng phong phú các sản phẩm khẩu trang loại dùng một lần như loại lập thể 3D ôm vừa khít khuôn mặt người, loại có mùi hương, loại có thêm tác dụng giữ ẩm, loại chống làm mờ mắt kính khi đeo.
Các loại khẩu trang ở Nhật vô cùng phong phú(Ảnh: Rakuten)
Thế nhưng, việc không bị cảm cúm vẫn mang khẩu trang cũng giống như mắt không kém vẫn đeo kính, trời không nắng chói vẫn mang kính đen, tất cả đều giống nhau ở chỗ: Họ đang cất giấu những vấn đề tâm lý: Bản năng tự phòng vệ, thích “ẩn mình”.
Cảm giác “đeo kính đen, đeo khẩu trang" ngay cả khi không cần thiết là biểu hiện của vấn đề tâm lí tự ti, sợ hãi sự thiếu an toàn. (Ảnh: Japaninfo.com)
Nhiều người Nhật, đặc biệt là phụ nữ, thường đeo khẩu trang khi cảm thấy không tự tin về vẻ bề ngoài, khi không kịp trang điểm. Nhiều phụ nữ Nhật sử dụng 12 cái khẩu trang trong 2 tuần và ưa chuộng những kiểu khẩu trang ôm vừa mặt, " khiến khuôn mặt trông nhỏ hơn".
Nghiện khẩu trang: Căn bệnh của thời đại
Khi bản thân đang chuyển động giữa một thế giới hiện đại rộng lớn, thì 20 centimet vuông được bao phủ bởi chiếc khẩu trang trên mặt có thể coi như một không gian riêng tư tách bạch giữa cái “tôi” và thế giới bên ngoài : “Tôi không muốn người khác nhìn mình”, “Tôi không muốn người khác thấy cảm xúc của mình”, “Tôi không muốn người lạ bắt chuyện với mình”, “Tôi không muốn ngửi thấy mùi lạ khi đi giữa đám đông”. Chiếc khẩu trang như một vật cản làm tâm lý người đối diện khó mở miệng bắt chuyện hơn.
(Ảnh: Japaninfo.com)
Theo ông Yuzo Kikumoto, một chuyên gia tâm lí người Nhật, hiện tượng “phụ thuộc khẩu trang” bắt nguồn từ cảm giác thiếu an toàn ở nơi công cộng, trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ. Trong công sở, nhiều người bắt đầu sử dụng chiếc khẩu trang như một cái cớ để tránh xa các hoạt động tập thể như đi ăn trưa, nhậu nhẹt buổi tối hoặc thậm chí là tám chuyện với đồng nghiệp. Nếu có ai rủ rê họ, họ chỉ cần bảo “Xin lỗi, tôi đang bị cảm.” thì sẽ không bị làm phiền nữa.
Từ năm 2012, một số công ty mai mối tại Nhật khuyến khích người tham gia hẹn hò đeo khẩu trang y tế, để tìm hiểu đối phương mà không cần quan tâm đến hình thức của họ. (Ánh: Reuters)
Trong một xã hội tôn trọng quyền riêng tư cá nhân tối đa nhưng đồng thời mâu thuẫn với cái gọi là “tinh thần tập thể” hay “hoạt động tập thể” như ở Nhật, từng cá thể một bị gắn chặt vào nhau làm cái “tôi” và cái “chúng ta” nhiều khi khó bị phân rõ rạch ròi. Vậy thì chiếc khẩu trang quả thực là vũ khí nhỏ bé mà lợi hại giúp họ có được chút riêng tư trong cái chung to lớn đó và gây ra tình trạng "nghiện khẩu trang".
Giống như mọi quá trình "cai nghiện" khác, việc điều trị người nghiện khẩu trang quá mức cần bắt đầu từ việc khiến họ tự nhận thức về tình trạng của bản thân, tăng cường tương tác nhiều hơn với những người xung quanh và tham gia những hoạt động xã hội (Ảnh: RyoWATANABE / PIXTA)
Phương Anh - Minh Nhật/kilala.vn
09/06/2017
Bài: Phương Anh, Minh Nhật/ Ảnh cover: pan_kung/shutterstock
Đăng nhập tài khoản để bình luận