Đừng chủ quan với vết cắn của côn trùng vào mùa hè
Khi bị côn trùng cắn, bạn thường sẽ có cảm giác vừa đau, vừa ngứa, da bị viêm và sưng tấy. Dù bị cùng một loài côn trùng cắn nhưng tùy vào cơ địa mỗi người mà sẽ có những triệu chứng khác nhau.
Có hai nguyên nhân gây viêm da là chất độc thẩm thấu trực tiếp vào da và dị ứng với chất độc từ tuyến nước bọt của côn trùng. Những chất này xâm nhập vào cơ thể, được nhận biết như là các phân tử kháng nguyên, kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể.
Khi bị những côn trùng có chứa độc cắn, bạn hãy đè vào vùng da xung quanh vết thương để đẩy chất độc ra ngoài, sau đó thì vệ sinh lại bằng nước. Ông Makoto Nozaki – Giám đốc phòng khám da liễu Wakaba ở thành phố Musashino, Tokyo lưu ý rằng: “Khi hút chất độc bằng miệng, chất độc có thể thấm vào bên trong cơ thể, nên hãy hạn chế sử dụng phương pháp này.”
“Nếu cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu sau khi bị muỗi cắn, bạn có thể thoa các loại thuốc thông thường. Nhưng trong trường hợp bạn bị đau rát dữ dội vì những vết mẩn đỏ và dị ứng thì nên đến các trung tâm y tế để kiểm tra, quá trình điều trị sẽ nhanh hơn.” – ông Nozaki chia sẻ thêm.
Vì vậy, bạn không nên xem nhẹ những vết thương do côn trùng cắn, hay để mặc nó khiến bạn ngứa ngáy. Hành động gãi ngứa có thể làm trầy xước da, dễ dẫn đến bệnh chốc lở, có thể lây lan sang người khác. Đối với bệnh này, chúng ta nên điều trị bằng phương pháp dùng thuốc kháng sinh. Giáo sư Tsuboi Ryouji – Trưởng khoa da liễu của Đại học Y Tokyo, cho biết: “Với những người thể chất dễ bị dị ứng thì tình trạng bệnh có thể trở nên xấu hơn, vì vậy phải đặc biệt chú ý.”
Vết cắn của một số loài côn trùng như: ruồi, muỗi, bọ chét, sâu róm, rết,… có thể gây kích ứng da. Trong những trường hợp trên, có hai loại phản ứng: phản ứng quá mẫn tức thời và phản ứng quá mẫn chậm. Nếu sau khi bị côn trùng cắn, da bạn ngay lập tức bị nổi mẩn đỏ, khiến bạn ngứa ngáy, thì đó là phản ứng quá mẫn tức thời. “Khi những triệu chứng xuất hiện sau hơn nửa ngày, thì đó là phản ứng quá mẫn chậm. Hiện tượng này thường xảy ra khá nhiều ở trẻ nhỏ.” – Ông Nozaki chia sẻ. Vì vậy, khi hoạt động ngoài trời, cha mẹ nên theo dõi tình trạng của con mình.
Hơn nữa, chúng ta cũng cần chú ý đến hiện tượng sốc phản vệ do dị ứng với chất độc của côn trùng. Trong cơ thể của một số loài ong, điển hình là tò vò, có một loại protein chứa độc. Những phân tử protein này khi vào cơ thể người sẽ kích thích cơ thể tạo ra kháng thể. Ban đầu, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể một cách bình thường, nhưng ngay sau đó nó có thể phản ứng mạnh mẽ với kháng nguyên. Nếu đột nhiên cảm thấy khó thở, huyết áp giảm thì bạn cần ngay lập tức đến các trung tâm y tế để được điều trị bằng phương pháp tiêm chủng adrenalin, hoặc bổ sung các loại thuốc kháng như steroid và antihistamine.
Ngoài ra, côn trùng còn là vật trung gian khiến con người bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Khi bị một số loài ve mò cắn, chẳng hạn như ve bét, “Bạn có nguy cơ mắc bệnh sốt ve mò nếu xuất hiện những triệu chứng như sốt cao, đau đầu, nhức mỏi.” – theo giáo sư Tsuboi. Nếu không điều trị kịp thời có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Khi bị bọ cứng cắn, nếu thấy phát ban đỏ hoặc viêm khớp thì đó là những triệu chứng cho thấy có thể bạn mắc bệnh Lyme (một chứng nhiễm trùng do vi khuẩn thuộc chi Borrelia gây ra). Khi đi ra ngoài, đặc biệt là ở những vùng đồi núi, nơi bọ cứng có thể xuất hiện, hãy cẩn thận nếu có hiện tượng cảm cúm kéo dài.
Việc phòng ngừa côn trùng cắn là điều rất cần thiết. Trong những hoạt động ngoài trời, bạn nên sử dụng các loại thuốc chống côn trùng. “Hãy thoa đều thuốc vào lòng bàn tay.” – ông Nozaki nói. Bạn hãy thoa thuốc chống côn trùng cuối cùng, sau lớp kem chống nắng. Mặt khác, tùy vào thành phần và nồng độ của các thành phần mà thời gian bôi lại kem sẽ khác nhau. Hãy sử dụng đúng cách để có thể phòng ngừa côn trùng cắn.
kilala.vn
08/08/2019
Theo Nikkei Style / Dịch: Hà Vy
Đăng nhập tài khoản để bình luận