Bệnh tháng 5, chứng bệnh tâm lý của người Nhật

    Có một “chứng bệnh” thường xuất hiện mỗi tháng 5 ở Nhật, ảnh hưởng đến hàng triệu người Nhật với nhiều mức độ khác nhau, gọi là “gogatsu byou” - dịch ra là bệnh tháng Năm, dù trong ý nghĩa y khoa, đây không được coi là  tên gọi chính thức.

    Nguyên nhân của "chứng bệnh tháng 5"

    Mang tên "bệnh" của tháng 5 làm nhiều người lầm tưởng bệnh có liên quan đến thời tiết nhưng không phải. Bệnh liên quan tới yếu tố tâm lý và stress, trực tiếp gây ra bởi việc cơ thể người bệnh không thể thích ứng được với môi trường sống mới.

    stress ở công sở

    (Ảnh: miya227/123rf )

    Tháng 4 ở Nhật là tháng đánh dấu cột mốc trong năm của rất nhiều người: học sinh nhập học, sinh viên tốt nghiệp ra trường bắt đầu cuộc sống mới của một nhân viên công sở, nhân viên cũ được luân chuyển đến các chi nhánh, phòng ban mới, v.v. nên trong tháng này ai cũng nỗ lực hết mình để hòa nhập vào môi trường mới. Những mối quan hệ mới, có khi mọi thứ hoàn toàn khác xa so với những gì họ đã tưởng tượng dẫn đến tâm lý thất vọng, chán chường, tạo nên sự mệt mỏi về thể xác, căng thẳng về tinh thần kéo dài đến tháng 5.

    Sang đầu tháng 5, Nhật Bản có một kì nghỉ dài gọi là “Tuần lễ vàng”. Gọi là “vàng” có lẽ vì 2 lí do chính:

    1. Kì nghỉ dài nhất và được mong đợi nhất trong năm;

    2. Mọi người đổ xô đi du lịch, mua sắm, ăn uống nên không ít chủ doanh nghiệp xem đây là cơ hội vàng để kiếm doanh thu, có khi là cứu cánh cho những tháng ế ẩm trong năm.

    Mọi người được thư giãn, được thoát ra khỏi nhịp sống vội vã thường ngày. Bởi vậy, khi kỳ nghỉ dài đột nhiên kết thúc, những người trẻ tuổi mới bắt đầu bước vào đại học hoặc đi làm vào tháng 4 phải trở về với guồng quay cũ–thứ đã làm cho họ cảm giác chán nản trong tháng trước, càng cảm thấy uể oải hơn bao giờ hết. Họ chợt nhận ra rằng kì nghỉ cũng giống như giờ ra chơi giữa giờ, sau đó, mọi thứ sẽ trở lại, chẳng có gì thay đổi cả. 

    (Ảnh: japantimes.co.jp)

    Tâm lý chán nản, không có động lực làm việc, cảm giác lạc lòng, mệt mỏi, dễ cáu gắt,… là những biểu hiện đầu tiên của Bệnh tháng năm. Ngày qua ngày, nếu không nhận được sự chia sẻ, động viên khích lệ hoặc một yếu tố nào đó thay đổi hoàn cảnh theo hướng tích cực hơn, dần dà họ nghĩ rằng mình không thích hợp với ngành học này, trường này, công việc này hay công ty này dẫn đến việc mất hoàn toàn tự tin trong việc thích ứng với môi trường mới. Họ bắt đầu nghỉ học, những ngày không đến công sở tăng dần lên.  Mức độ cao nhất của hàng loạt sự kiện như thế sẽ là căn bệnh trầm cảm.

    Ai cũng có thể mắc “bệnh tháng Năm”vào bất kì thời điểm nào

    nhân văn văn phòng

    (Ảnh: elwynn/123rf.com) 

    Hãy xem thử những dấu hiệu tâm lí dưới đây:

    - Bạn nghĩ khi thay đổi công ty, vào công ty mới thì các mối quan hệ với đồng nghiệp sẽ tốt hơn nhưng sự thực không hẳn như vậy làm bạn thấy lạc lõng.

    - Đã quen với giờ giấc sinh viên, giờ đi làm, mọi thói quen sinh hoạt thay đổi hẳn làm bạn thấy bỡ ngỡ và khó thích nghi.

    - Bạn vừa đạt được một mục tiêu lớn của bản thân, cảm giác thoải mái nhưng cũng tự hỏi chẳng biết mục tiêu sắp tới của mình là gì.

    - Bạn thấy sao giữa thực tế và tưởng tượng sao mà khác nhau quá!

    Nếu có một trong những cảm giác nêu trên, thì bạn phần nào đó cảm nhận được cảm giác của những người bắt đầu mắc Bệnh tháng 5 rồi đấy. Ai cũng có thể mắc phải căn "bệnh tháng Năm" vào bất kì thời gian nào trong năm. Sự khác nhau là bạn có vượt qua được cảm giác lạc lõng, cô đơn, chán nản, không có động lực trong cuộc sống để thích ứng với môi trường sống mới hay không mà thôi.

    Cách phòng ngừa và chữa trị "bệnh cả năm"

    Cuộc sống càng hiện đại thì mặt trái của nó là áp lực đặt lên mỗi cá nhân một lớn hơn, dù là ở ngoài xã hội hay trong gia đình.  Để phòng ngừa căn "bệnh tháng 5" xảy ra bất kì lúc nào, bạn hãy xem xét các giải pháp sau:

    - Đừng để stress trong tinh thần và trong cả cơ thể bạn “gặp nhau”. Để tránh stress tích tụ lâu ngày, hãy tìm cách giải quyết vấn đề bạn đang gặp phải. 

    - Uống một lượng bia rượu vừa đủ trong tầm kiểm soát (Dừng lại uống một ly bia trên đường đi bộ về nhà sau giờ làm việc căng thẳng hay đi uống với bạn bè cũng là cách được người Nhật ưa chuộng để giải tỏa stress)

    - Luyện tập thể thao

    - Duy trì sở thích cá nhân, những thú vui khác bên ngoài công việc hay học hành

    - Giữ liên lạc với bạn bè gia đình, bạn bè thân thiết. 

     Một cơ thể khỏe mạnh, một đời sống tinh thần phong phú, đó là những gì bạn cần, không phải chỉ vì để chống lại căn bệnh tháng 5, mà là để cuộc sống của chính bạn, mỗi ngày một ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn.

    Minh Nhật/ kilala.vn

    17/04/2015

    Bài: Minh Nhật. ẢNH 123rf.com

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!