Bệnh “Culture shock” của người Việt khi mới sang Nhật

    Nhật Bản là một đất nước ai trong số chúng ta đều mong được một lần đặt chân đến. Tưởng tượng luôn là vậy, nhưng khi bạn đến Nhật, bạn có thể mắc phải bệnh trầm cảm do bị “shock văn hoá”. 

    Culture shock - Sốc văn hóa là gì?

    Hiện tượng “Sốc văn hóa” (Culture shock) là tình trạng khi một người bị tâm lí trống rỗng, mất phương hướng khi bỗng nhiên bị buộc phải chuyển sang một môi trường mới và không thể thích nghi ngay với cách sống hay cách sinh hoạt hằng ngày. Thật ra đây là điều hoàn toàn bình thường không chỉ ở Nhật mà còn ở các quốc gia khác, vì đối với những người nước ngoài đến sinh sống, học tập, làm việc hoặc đi du lịch tự túc ở nước ngoài, họ đều có chung những cảm giác lạ lẫm và có phần hơi thất vọng vì một vài điều nhìn thấy không như họ đã nghĩ. 

    Sau đây là một số các hiện tượng sốc văn hóa chủ yếu mà người nước ngoài, kể cả người Việt Nam hay gặp phải trong những ngày đầu sinh sống ở Nhật:

    1. Nhớ nhà:

    Các du học sinh thường có những quan niệm như: “Không nơi đâu bằng nhà mình” nên cứ sống mãi với ký ức, chỉ nói tiếng mẹ đẻ và rất ít giao thiệp với bên ngoài. Đối với những bạn mới xa nhà lần đầu tiên, đây chính là “trận chiến” với mối cảm xúc hỗn độn và kỷ niệm về gia đình. 

    2. Mất ngủ:

    Đây là hiện tượng sốc văn hóa phổ biến nhất đối với những người ra nước ngoài, đặc biệt là các du học sinh. Tâm lý chưa ổn định cùng với sự chênh lệch múi giờ giữa các quốc gia thường khiến thói quen sinh hoạt hằng ngày bị xáo trộn, dẫn đến mất ngủ. Tuy giờ Nhật Bản chỉ sớm hơn Việt Nam hai tiếng đồng hồ nhưng ít nhiều nó cũng gây cản trở đối với người Việt khi đến Nhật. 
    Sinh hoạt đảo lộn, áp lực thời gian trong văn hóa đúng giờ của người Nhật sẽ khiến bạn mệt mỏi và mất ngủ triền miên. (Ảnh:  わたなべ りょう/PIXTA)

    3. Thức ăn không hợp khẩu vị

    Không phải món Nhật nào cũng phù hợp với khẩu vị người nước ngoài. Một cựu du học sinh Việt Nam tại Nhật chia sẻ rằng anh rất ngán các món trong bữa trưa của trường vì đa số là đồ sống hoặc tái. Người Việt có thói quen ăn đồ chín, nên các món như Sashimi (hải sản tươi sống), Sushi hay cơm trộn trứng thường thấy “khó nuốt”. 
    Món đậu tương lên men Natto truyền thống là món ăn ưa thích của các gia đình Nhật nhưng lại là “thảm họa” đối với người nước ngoài, đặt biệt là người phương Tây, đến nỗi nhiều người cho rằng: “Món ăn nào cũng ngon trừ món đậu tương lên men!”. 
    đậu Natto

    Natto, đậu tương lên men (Ảnh: jazzman/ PIXTA)

    Thức ăn không hợp khẩu vị không những khiến nhiều người nước ngoài bỏ bữa mà còn là nguyên nhân gây ra các bệnh về dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên không phải các món ăn nhanh như mì gói, cơm nắm đóng hộp, hamburger lại là “lựa chọn đúng đắn” vì các món ăn này vừa chứa nhiều chất béo vừa không đủ dinh dưỡng. 

    4. Vận động nhiều

    Tính chất xã hội công nghiệp buộc người Nhật phải sống trong vội vàng, chạy đua với thời gian và núi công việc chồng chất. Mỗi bước đi của người Nhật thể hiện sự gấp gáp vì với họ, “thời gian là vàng bạc” và tuyệt đối không có sự trễ nải nào trong công việc. Người Nhật còn thuộc tuýp người “tham công tiếc việc”. Họ vận động, đi lại và di chuyển liên tục, điều này gây nhiều khó khăn cho người nước ngoài khi cố gắng bắt kịp nhịp sống xô bồ của người Nhật. Du học sinh Việt sang Nhật thường hay bị trễ giờ lên tàu, trễ giờ đến lớp,… dù không hề mong muốn. Có nhiều bạn do không quen vận động tay chân sẽ bị kiệt sức, từ đó mà sức khỏe bị ảnh hưởng dẫn đến nhiều bất lợi khác trong thời gian sống ở Nhật.

    5. Trầm cảm

    Từ những nguyên nhân như mất ngủ, thức ăn không hợp khẩu vị, nhớ nhà, kiệt sức vì phải vận động liên tục, dần dần bạn sẽ nhận ra cuộc sống ở Nhật không hề đơn giản như bạn từng nghĩ. 
    Chưa hết! Những trận động đất lớn nhỏ có thể xảy ra mỗi ngày luôn khiến bạn sống trong sợ hãi và lo lắng không ngừng. Thiếu kỹ năng ứng phó với thiên tai, khả năng tiếng Nhật không tốt, bạn dễ rơi vào trạng thái bi quan, chán nản và tự thấy mình sao mà vô dụng thế? Ngày qua ngày, những cảm xúc tiêu cực cứ tăng lên. Thế là bạn trở thành con bệnh của Trầm Cảm. Tùy theo mức độ nhẹ hay nặng mà có những biểu hiện khác nhau, nhưng dù thế nào thì đây cũng là hiện tượng sốc văn hóa nặng nhất mà mọi người nên tránh. 

    (Ảnh: Emily Cain/ Flickr)

    Làm thế nào để không bị sốc văn hóa? 

    Như đã nói trên, sốc văn hóa là một hiện tượng tâm lý ai cũng mắc phải dù người đó có đi xa hay gần. Sau đây là một số điều các bạn du học sinh nên lưu ý khi chuẩn bị đi Nhật để hạn chế bị “sốc”:
    1. Tìm hiểu kỹ về văn hóa Nhật Bản, các phong tục tập quán, quy tắc ngầm của xã hội… để bạn bớt bỡ ngỡ khi lần đầu đặt chân đến xứ sở Hoa anh đào.

    2. Học tiếng Nhật trước và sau khi đến Nhật là một việc cần thiết, dù ngôi trường bạn sắp học là trường quốc tế hay tất cả các môn đều dạy bằng tiếng Anh đi chăng nữa, bạn vẫn phải học tiếng Nhật. Nhật Bản là quốc gia rất xem trọng ngôn ngữ đất nước và phần lớn người Nhật không nói, hoặc… ngại nói tiếng Anh, nên việc học tiếng Nhật sẽ giúp bạn ít gặp khó khăn khi giao tiếp.

    3. Học nấu ăn ở nhà không những giúp tiết kiệm tiền mà bạn còn có thể nấu các món mình thích, hợp khẩu vị của mình hơn và còn đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bạn nữa.

    4. Thường xuyên tập thể dục, ngủ sớm, dậy sớm: Hãy chỉnh đồng hồ theo giờ Nhật từ trước khi đi để tập làm quen với giờ giấc, cố gắng quen dần với nhịp sống tại đây và đừng thức quá khuya cũng như sử dụng điện thoại di động quá nhiều vào buổi tối nếu không muốn trở thành “gấu mèo Nhật Bản”. Bạn cũng cần rèn luyện sức khoẻ thường xuyên để có sức đi bộ đến các trạm phương tiện công cộng tại Nhật. 

    5. Tham gia các hội nhóm người Việt Nam tại Nhật, cùng chia sẻ những khó khăn của bạn với mọi người, bạn sẽ thấy đỡ nhớ nhà hơn và còn “kết” được nhiều bạn mới. (bạn có thể tìm thêm thông tin về tổ chức Vietnamese Youths and Students Association in Japan tại khu vực mình học – Đây là một tố chức của các du học sinh Việt Nam rất uy tín)

    6. Điều khiển cảm xúc của mình: Trong nhiều trường hợp, nhớ nhà lại trở thành một điều tốt vì gia đình luôn là nguồn động viên khích lệ to lớn để bạn vượt qua những khó khăn, thử thách nơi xứ lạ quê người. Bạn không cần phải cố quên đi người thân, người yêu, hãy biết cách điều khiển cảm xúc của mình như thế nào. Cố gắng học tập để không phụ lòng ba mẹ, sớm quen với cuộc sống mới, kết bạn hoặc đi ra ngoài là những biện pháp hữu ích giúp bạn tìm lại niềm vui trong những ngày đầu xa gia đình.

    Cuộc sống của một người nước ngoài tại Nhật sẽ gặp ít nhiều khó khăn, nhưng đừng vội bi quan, vì chính những khó khăn ấy sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn qua từng ngày. 

    Nguyễn Ngân/ kilala.vn

    21/06/2017

    Bài: Nguyễn Ngân/ Cover: Beryl Chan/ Flickr

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!