Bạn có phù hợp để tẩy trắng răng?
Điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất: tẩy trắng răng có phù hợp với răng của bạn?
Trước tiên, cần xác định răng của bạn nhiễm màu do yếu tố nào. Bởi vì tẩy trắng răng (TTR) chỉ có tác dụng với răng thật và nhiễm màu ngoại lai do thực phẩm. Ngoài ra, các phục hồi nhân tạo như miếng trám, mão răng,… vẫn sẽ giữ nguyên màu sắc sau khi tẩy trắng, nên màu sắc của bộ răng sẽ không đồng đều. Nếu răng đổi màu do bệnh lý (răng bị sâu, chết tủy, nhiễm màu tetracycline, fluorosis) hoặc sinh lý (do tuổi già) thì việc tẩy trắng không có hiệu quả hoặc không đạt màu sắc mong muốn vì nguyên nhân gây đổi màu răng không được giải quyết triệt để.
Tẩy trắng có gây hại cho răng không?
Hầu hết các sản phẩm TTR sử dụng chất tẩy trắng dựa trên carbamide peroxide hoặc hydrogen peroxide với nồng độ khác nhau để phá vỡ cấu trúc phân tử màu. Về cơ bản, nồng độ chất tẩy trắng càng cao, thời gian tiếp xúc với răng càng dài thì răng sẽ trở nên trắng hơn nhưng ngược lại sự ê buốt của răng và nướu cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, chất tẩy trắng đúng tiêu chuẩn được cho là không gây tổn thương đến men và ngà răng nếu được sử dụng đúng cách.
Có thể lựa chọn phương pháp TTR nào?
Có hai phương pháp TTR: tẩy trắng tại phòng nha hoặc tẩy trắng tại nhà. Những yếu tố cần quan tâm khi chọn lựa phương pháp TTR gồm nồng độ chất tẩy trắng, sử dụng máng tẩy trắng, sự bảo vệ nướu răng, giá thành và sự theo dõi của nha sĩ.
A. Tẩy trắng tại phòng nha:
Tẩy trắng tại phòng nha thường mang lại hiệu quả cao hơn so với tẩy trắng tại nhà do sự khác nhau của nồng độ chất tẩy trắng và quy trình tẩy trắng. Răng thường trắng hơn rõ rệt chỉ trong 30 phút đến 2 tiếng. Tuy nhiên, đây cũng là lựa chọn tốn kém nhất.
Quy trình tẩy trắng tại phòng nha được thực hiện như sau:
+ Nha sĩ sẽ bôi một lớp gel hoặc đê cao su để bảo vệ nướu và mô mềm khỏi tác động của chất tẩy trắng.
+ Chất tẩy trắng được cho vào máng tẩy trắng khít sát với răng, giữ cho chất tẩy trắng chỉ tiếp xúc với bề mặt răng, giúp tăng cường hiệu quả làm trắng và giảm thiểu lượng peroxide tiếp xúc với nướu hoặc bị nuốt.
B. Miếng dán trắng răng:
Đây là lựa chọn rất tiện lợi và dễ sử dụng. Tuy có thể bám dính tốt vào bề mặt răng và giữ gel ở nơi thẩm thấu vào men răng tốt nhất, nhưng miếng dán khó có thể khít sát với đường viền cổ răng nên hiệu quả tẩy trắng không cao, và có thể tiếp xúc với nướu gây ê buốt nướu.
C. Hệ thống máng tẩy trắng:
Máng tẩy trắng có thể được bán đại trà (loại này không khít sát với răng) hoặc làm bởi nha sĩ. Nha sĩ lấy dấu răng để làm máng tẩy trắng phù hợp với từng cá nhân. Chất tẩy trắng được cho vào máng cá nhân khít sát với răng, giữ cho chất tẩy trắng chỉ tiếp xúc với bề mặt răng. Nếu máng không khít sát răng, chất tẩy trắng sẽ dễ bị chảy ra ngoài và gây tổn thương nướu.
D. Kem đánh răng làm trắng răng:
Kem có chứa các hạt li ti, một số hóa chất hoặc chất đánh bóng có thể loại bỏ vết bẩn khỏi răng bằng lực ma sát. Lựa chọn này có hiệu quả không cao nhưng tương đối rẻ tiền.
Hiệu quả làm trắng răng rất khác nhau tùy vào mỗi người (độ tuổi, độ nhiễm màu răng và tính chất nhiễm màu) và khả năng tẩy trắng tối đa của mỗi phương pháp. Nỗ lực làm trắng quá mức và quá nhanh có thể dẫn đến việc răng trở nên trong suốt và gây hại cho cấu trúc răng.
Sau khi TTR cần lưu ý những gì?
+ Duy trì vệ sinh răng miệng tại nhà (đánh răng, dùng chỉ nha khoa, súc miệng) và tại phòng nha (cạo cao răng, đánh bóng)
+ Tránh thực phẩm và đồ uống giàu axit và tanin như: trà, cà phê, rượu vang trắng và đỏ, đồ uống có ga, nước sốt,.
+ Bỏ thuốc lá
kilala.vn
Lưu ý:
+ Cần thận trọng với răng đã và đang bị nhạy cảm vì TTR sẽ làm nặng thêm tình trạng ê buốt răng.
+ Cần thận trọng với bệnh nha chu vì chất TTR có thể gây kích thích nướu.
+ Cao răng cần được loại bỏ để việc tẩy trắng đồng đều trên bề mặt răng. Các vùng răng bị tụt nướu cũng cần được bảo vệ trước khi tẩy trắng.
Hiệu quả TTR sẽ được cải thiện hơn với sự điều trị và tư vấn của nha sĩ.
11/08/2020
Bài: Bác sĩ Phạm Nguyên Quân (NCS – TS Ngành Nha khoa ĐH Osaka)
Ảnh: Pixta
Đăng nhập tài khoản để bình luận