Weekly Magazine tại Nhật – những tạp chí săn tin khét tiếng
Những tạp chí này hoạt động theo cách “du kích”, dùng mọi phương pháp để thu thập được những thông tin “sốt dẻo”.
Weekly Magazine là gì?
Weekly Magazine – Tạp chí hàng tuần, hay trong tiếng Nhật là “Shukanshi - 週刊誌”, là một thuật ngữ dành cho bất kỳ tạp chí hàng tuần nào, bao gồm cả các tờ báo lá cải mang tính khiêu khích chính trị hay “bới móc” đời tư người nổi tiếng.
Theo Japan Media Review và trong cuốn sách A Public Betrayed, Shukanshi được miêu tả là “sự pha trộn của nhiều loại tạp chí Hoa Kỳ như Newsweek, The New Yorker, People, Penthous, The Natinonal Enquire…"
Loại giấy thô, bột đặc trưng của Shukanshi đã khiến chúng có biệt danh là Zaragami Shukanshi (tờ báo bột giấy). Các tạp chí hàng tuần lâu đời nhất là Shukan Asahi và Sunday Mainichi, được xuất bản cùng vào năm 1922 bởi các tờ báo Asahi và Mainichi. Những tạp chí tin tức chung này bao gồm các vấn đề chính trị và tài chính, cũng như tội phạm, văn hóa, giải trí và thể thao.
Ngoài ra còn có một số tạp chí nổi bật trong thể loại này có thể kể đến như: Shukan Bunshun, Shukan Gendai, Shukan, Shincho, Weekly Asahi Geino, Weekly Playboy…
Lợi thế lấy tin của Shukanshi
Shukanshi tồn tại bên ngoài phạm vi của Hội nhà báo, nơi dành cho các thành viên làm việc trong những tờ báo và đài truyền hình chính thống. Do đó, phóng viên của các tạp chí này có thể dùng mọi cách để lấy được tin mật của những đối tượng đặc biệt. Họ sống vì “tin sốt dẻo” và viết mà không cần tuân theo mong muốn của cảnh sát, công tố viên hoặc chính trị gia.
Shukanshi cũng được biết đến với những tấm poster quảng cáo có tiêu đề lộn xộn miễn sao đủ để thu hút người đọc, được đặt ở khắp các khu vực công cộng. Những quảng cáo này phụ thuộc vào tin thức mà các biên tập viên săn được mỗi tuần để thu hút sự chú ý của độc giả tiềm năng.
Ogiya Shozo, tổng biên tập của Shukan Asahi từ năm 1951 - 1958, được ghi nhận là người đã thiết lập nguyên mẫu cho Shukanshi điển hình ngày nay. Được đặt biệt danh là “ác quỷ của tuần báo”, ông trở thành Phó tổng biên tập của tạp chí vào năm 1947.
Năm 1948, ông mua và xuất bản nội dung từ nhật ký của Yamazaki Tomie, người đã chết trong một vụ tự tử cùng với tác giả nổi tiếng Dazai Osamu. Nhanh chóng, ấn bản đó đã bán hết trong vòng bốn tiếng. Ngoài những tin sốt dẻo, ông còn bắt đầu xuất bản hàng loạt tiểu luận và tiểu thuyết của các nhà văn nổi tiếng, thúc đẩy lượng phát hành tạp chí từ 100.000 bản một tuần lên con số kỷ lục 1,5 triệu bản vào năm 1958. Về cơ bản, ông đã mở ra kỷ nguyên vàng của thể loại này.
Vào năm 1956, Shukan Shincho trở thành tuần báo đầu tiên có gốc gác từ một nhà xuất bản chứ không phải một tổ chức báo chí, trở thành đối trọng với Shukan Asahi. Theo sau là một loạt các tuần báo như Shukan Asahi Geino, Shukan Josei, Josei Jishin, Shukan Gendai và Shukan Bunshun.
Doanh số bán tạp chí tăng vọt nhờ đám cưới của Thái tử lúc bấy giờ là Akihito với cô gái thường dân Shoda Michiko vào tháng 04/1959.
Cuối cùng, ảnh hưởng của các tuần báo từ nhà xuất bản là một lực lượng để cạnh tranh với các đơn vị báo chí. Từ cuối những năm 80, Shukan Bunshun chuyển sang đuổi theo những tin sốt dẻo và những vụ bê bối.
Vào những năm 90, Shukan Gendai và Shukan Post bắt đầu xuất bản tạp chí với những bức ảnh không bị kiểm duyệt của các người mẫu nữ khỏa thân, đẩy số lượng phát hành lên hơn 1 triệu bản. Doanh số bán Shukanshi nói chung đạt đỉnh điểm vào khoảng năm 1995 - thời gian xảy ra hàng loạt tội ác khét tiếng của nhóm tôn giáo cực đoan Aum Shinrikyo và trận Đại động đất Hanshin-Awaji, trước khi thoái trào.
Đối với Asahi, trong những năm 50 và 60, ở những khu vực mà hoạt động đô thị hóa chưa mạnh mẽ, Shukan Asahi được biết đến và sinh lời nhiều hơn cả nhật báo Asahi Shimbun.
Tuy vậy, dù cùng hoạt động trong lĩnh vực “hot news” nhưng những tạp chí xuất thân từ báo chính thống vẫn có một giới hạn nhất định so với những Shukanshi của nhà xuất bản. Nó không thể xuất bản những tin đồn và vụ bê bối cực đoan, cũng như tài liệu gây sốc hoặc về tình dục, bao gồm cả những gì được gọi là nội dung khiêu dâm. Không có cách nào Shukan Asahi có thể cạnh tranh với các nhà xuất bản, những người đã sử dụng mọi mánh khóe theo ý của họ.
Sự thoái trào của những tờ báo lá cải
Từ khoảng năm 2000, Shukanshi bắt đầu cảm nhận được làn gió thay đổi. Một lý do có thể kể đến là sự gia tăng các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại nghiêm trọng cho tội phỉ báng.
Tuy vậy, nguyên nhân chủ yếu khiến Shukanshi giảm doanh thu không đến từ việc người đọc không còn hứng thú với tin giật gân, mà đơn giản là do sự phát triển của Internet, vấn đề chung mà ngành in ấn gặp phải.
Sự xuất hiện của các trang tin tức trực tuyến khiến nhiều người tin rằng thông tin là miễn phí, theo đó lượng phát hành báo và tạp chí giảm đều đặn. Hầu hết Shukanshi đều cố gắng đảm bảo lợi nhuận thông qua báo in song song với phương tiện trực tuyến, nhưng hầu như đều không thể đạt được.
Mặc dù vậy, một số tạp chí, chẳng hạn như Shukan Bunshun, vẫn tiếp tục duy trì việc xuất bản nhờ vào số lượng lớn độc giả của họ. Các phóng viên tin tức và truyền hình đi theo sự dẫn dắt của Shukan Bunshun, nhắm mục tiêu và đôi khi thành công trong việc lật đổ các chính trị gia và những nhân vật cấp cao khác. Hiện nay, Shukan Bunshun vẫn được xem là tạp chí hàng tuần có sức ảnh hưởng nhất của Nhật Bản.
Gần đây, sau khi doanh số của Shukan Asahi giảm xuống dưới 50.000 bản một tuần, Asahi đã tuyên bố đình chỉ xuất bản tuần báo này. Trên thực tế, việc đình chỉ là một cách khác để đề cập đến sự kết thúc của tạp chí.
kilala.vn
13/07/2023
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận