Tìm về 3 thành phố Nhật hồi sinh sau thảm họa
Không phải Tokyo sầm uất, không phải Osaka đầy náo nhiệt, hành trình những ngày dài khám phá nước Nhật của chúng tôi trải khắp 3 vùng đất từng chịu bao mất mát, đau thương bởi chiến tranh và thiên tai thảm khốc. Đó là Fukushima từng oằn mình trong thảm họa kép động đất sóng thần cùng sự cố rò rỉ hạt nhân năm 2011, là Hiroshima và Nagasaki phải hứng chịu hai quả bom nguyên tử năm 1945. Giờ đây, những vùng đất này đã khoác lên mình màu áo mới – màu của sự hồi sinh.
Thu vàng trên “hòn đảo hạnh phúc” Fukushima
Đặt chân đến Fukushima vào một ngày thu vàng nắng, nhiệt độ ngoài trời dao động dưới 10 độ C, chưa bao giờ tôi nghĩ mình đang đứng ở vùng đất từng chịu thảm họa kép hạt nhân và sóng thần 8 năm về trước. Bởi trước mắt tôi là những con đường rực sắc lá phong, những đồng cỏ lau nghiêng mình trong gió và những con người đầy chân phương.
Điểm đến đầu tiên chính là Viện hải dương học Fukushima, thành phố Iwaki. Trước đó, tôi được nghe kể rằng, vào thời điểm thảm họa xảy ra, toàn bộ công trình hồ nước nhân tạo rộng 20.000 mét khối ở Viện hải dương học bị phá hỏng, nhiều loài cá quý hiếm chết hàng loạt. Nhưng chỉ sau 4 tháng, mọi thứ được khôi phục thần kì khi hồ chứa nước được ngăn bằng 2.000 tấm kính xây theo dạng đường hầm hình tam giác độc đáo. Thế mới thấy, từ trong gian khó, người dân nơi đây đã tái thiết nên những công trình tuyệt vời như thế nào.
Rời thành phố Iwaki với tâm trạng vẫn còn lâng lâng, tôi lên chiếc xe buýt quen thuộc và bắt đầu đến vùng Aizuwakamatsu, nằm ở phía tây Fukushima. Nơi đây nổi tiếng với tòa thành Tsuruga - một trong những tòa thành đẹp nhất nước Nhật và từng là cứ điểm chiến đấu quan trọng trong cuộc chiến tranh Boshin năm 1868.
Trước khi đến Fukushima, trong tôi vẫn còn những nỗi sợ, nhưng cuộc sống thường nhật đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn. Fukushima giờ đây như cánh hoa vươn lên từ những hoang tàn ngày cũ, đong đầy niềm tin, hi vọng về một “hòn đảo hạnh phúc” mới.
Hiroshima – thành phố bình yên
Ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử “Little Boy” được chiếc máy bay B-29 mang mật danh “Enola Gay” thả xuống Hiroshima. Thành phố cổ kính, sầm uất và cũng là cơ sở hậu cần quân sự quan trọng thời bấy giờ gần như “biến mất”. Gần 90.000 người dân vô tội đã gánh chịu cái kết vùi thây giữa “địa ngục” đổ nát. Sự “hồi sinh” dường như là không thể.
Ấy thế mà, ngày chúng tôi đến, Hiroshima đón tiếp bằng một dáng vẻ rất đỗi bình yên. Trời lạnh nhưng nắng giòn tan, Vòm bom nguyên tử in nét giữa nền trời xanh lơ với một vẻ đẹp trần trụi mà kiêu hãnh. Khung cốt sắt trơ trọi và gạch tường tróc lở là những gì hiện hữu nơi nhà vòm còn trụ lại được sau vụ ném bom. Cách đó không xa là Công viên tưởng niệm hòa bình, nơi xoa dịu những linh hồn xấu số, ghi nhận những tội ác chiến tranh và nguyện cầu cho nền hòa bình. Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau năm ấy vẫn mãi là một vết sẹo in hằn lên bộ mặt của thành phố xinh đẹp, nhắc nhở chúng ta về sự quý giá của sinh mệnh và dạy chúng ta cách yêu thương đồng loại của mình.
Khi chúng tôi rời khỏi Công viên tưởng niệm hòa bình để hướng về lâu đài Hiroshima, nắng đã lên cao. Từ bất cứ nơi nào đổ về, cũng có thể thấy chóp mái của “lâu đài Cá Chép” (cách gọi thân mật của lâu đài Hiroshima) vươn lên giữa hàng cây tua tủa bao bọc. Vào thời kì phong kiến, đây được xem như là trung tâm quyền lực và kinh tế của thành phố Hiroshima, đồng thời đóng một vị thế quan trọng ở phía Tây Nhật Bản cho đến khi bị “xóa sổ” trong trận bom nguyên tử 1945. 13 năm sau, pháo đài chính mới được trùng tu lại, mở cửa đón du khách vào tham quan và tìm hiểu về trái tim cũng như niềm tự hào của Hiroshima.
Từ giữa đau thương và điêu tàn, trái tim ấy vẫn đập, huyết mạch vẫn chảy dưới những tầng đất sâu để vực dậy sự sống cho Hiroshima bên miệng vực cõi chết. Hai chữ “hồi sinh” bao giờ cũng thấm đẫm một màu sắc thần kì, hãy dùng chữ “thần kì” ấy để dành tặng cho thành phố huyền thoại Hiroshima.
Đi tìm “Nhật Bản khác biệt” tại Nagasaki
Có hai lý do khiến bạn nhất định phải ghé thăm Nagasaki một lần trong đời: (1) – Đây là điểm đến du lịch nổi trội của vùng Kyushu và (2) – Vùng đất này xưa kia từng là cảng thị giao thoa văn hóa Đông – Tây sầm uất.
Dấu ấn Nhật Bản tồn tại song song cùng với khu phố Trung Hoa và các tòa nhà kiến trúc phương Tây, tạo cho nơi đây nét chấm phá khác biệt. Trải ra trước mắt là những con đường rộng rãi, những chiếc xe điện lộ thiên đầy sắc màu xình xịch lướt qua.
“Tươi mới” và “quyến rũ” là những mỹ từ có thể miêu tả về thành phố Naqasaki. Khung cảnh nơi đây khiến ít ai có thể tưởng tượng rằng cách đây gần 65 năm, Nagasaki cũng là nạn nhân của bom nguyên tử. Phố cảng hàng trăm năm tuổi với bao công trình và nét văn hóa đáng tự hào đã bị xóa sạch với quả bom “Fat Man” được thả xuống vào lúc 11:02 ngày 9/8/1945. Tại chiếc đồng hồ lớn nơi có lối vào của Bảo tàng bom nguyên tử Nagasaki, thời gian đã dừng lại mãi mãi ở thời khắc định mệnh.
“Cột ánh sáng” được xây dựng bằng kính, nơi đặt kệ ghi danh sách những người hi sinh toát lên đậm đặc bầu không khí thương tiếc, trang nghiêm. Tượng đài hòa bình của nhà điêu khách Seibo Kitamura mang cánh tay phải chỉ thẳng lên trời – nơi vũ khí hạt nhân bị ném xuống và cánh tay trái dang rộng tượng trưng cho tình thương vô bờ và nền hòa bình vĩnh cửu.
Quá khứ đã ngủ yên, nỗi đau chưa khép lại nhưng khát vọng hòa bình sẽ trường tồn mãi mãi. Đó là điều mà người dân nơi cảng thị này luôn truyền tai nhau và quyết tâm chung tay gìn giữ đến đời đời.
11/03/2019
Bài: Roan, Inako
Hình ảnh: PIXTA, Nhân vật cung cấp
Đăng nhập tài khoản để bình luận