Cappuccino Ramen, bạn đã thử chưa?
Thế giới ramen của người Nhật ẩn chứa vô vàn những điều thú vị với nhiều loại biến tấu khác nhau. Dù sinh sau đẻ muộn, nhưng có những loại ramen được yêu thích bởi sự độc đáo, cầu kì trong chế biến và nâng tầm hương vị món ăn, đơn cử như món Cappuccino Ramen hay có thể gọi là ramen bong bóng.
Nếu là một người yêu thích ẩm thực Nhật chắc hẳn bạn sẽ từng thưởng thức qua món ramen. Đây là món ăn “hàng quán” phổ biến nhất ở Nhật (chứ không phải Sushi như nhiều người nghĩ). Vì sao món mì này lại được người Nhật ưu ái đến thế? Có thể được chắt lọc thành 3 lý do: rẻ, ngon và no.
Phần nước dùng là nước hầm xương trong nhiều giờ chứa đầy đủ dưỡng chất, đi kèm là một lượng lớn mì làm bằng tay, đảm bảo giúp mọi người no căng bụng, ngay cả với những đối tượng lao động nặng nhọc.
Không phụ lòng với sự yêu thích của người Nhật, ramen đã được biến tấu thành những phiên bản khác nhau: Soyu Ramen; Shio Ramen; Miso Ramen; Tonkotsu Ramen; Curry Ramen; Tsukemen; Aburasoba;. Nhưng liệu rằng bạn đã từng nghe đến món Ramen Cappucchino chưa?
Có lẽ nhiều người sẽ hoang mang bởi cái tên Cappuccino – một loại cà phê kiểu Ý và nghĩ rằng Ramen này sẽ có vị cà phê. Tuy nhiên, cách gọi này chỉ để chỉ lớp bọt trắng sữa ở trong tô mì gợi đến lớp foam của cappuccino và món mì này có tên tiếng Nhật là “Awa-kei ramen - 泡系ラーメン”.
Giống như cà phê cappuccino, lớp bọt sẽ mang đến cảm giác ngon miệng, mềm như kem. Bằng cách này, nước súp bám vào sợi mì tốt hơn, tạo ra một trải nghiệm hoàn toàn mới khi thưởng thức ramen.
Có nhiều thông tin về nguồn gốc của loại ramen này. Awa-kei Ramen đã tạo ra một trào lưu ở khu vực Kansai trong một vài năm. Họ chế biến món này bằng cách dùng máy đánh bông phần nước dùng gà hoặc Tonkotsu (nước hầm xương heo màu trắng đục) trước khi phục vụ. Nhà hàng Ramen Tsuji, Osaka là nơi tiêu biểu tạo bọt theo cách này.
Tuy nhiên, Hakata Ikkousha – Thương hiệu ramen nổi tiếng ở Nhật, lại chia sẻ rằng chính họ đã tạo ra món ramen sủi bọt này và cách tạo lớp bọt cũng có đôi chút khác biệt. Ở món Tonkotsu Ramen truyền thống sẽ thường có một lớp mỡ nổi lên mặt nước và nước dùng thường có độ sáng đặc tự nhiên. Lợi dụng đặc điểm này, các đầu bếp đã sử dụng phương pháp đặc biệt. Sẽ có hai nồi nước dùng, nồi 1 đun sôi già, và nồi 2 chỉ đun nóng vừa đủ, sau đó sẽ đổ nồi 2 vào nồi 1. Tiếp theo, thường xuyên đảo xương trong nồi để tạo nên bọt khí.
Trên lý thuyết là như vậy, tuy nhiên việc tạo bọt sẽ phụ thuộc nhiều vào tỉ lệ nước, chất béo, trạng thái của nước (đặc hay lỏng), nhiệt độ, cách đảo xương và cả thời gian. Những bong bóng này cho thấy rằng một đầu bếp có kinh nghiệm đã sử dụng rất nhiều xương heo để tạo nên chất lượng nước dùng và tập trung “vị umami”. Chính vì thế để thưởng thức món ăn độc đáo này, bạn cần chuẩn bị tâm lý rằng sẽ phải xếp hàng để có thể vào quán thưởng thức món Ganso Awa-kei của họ.
Nhưng bạn không cần phải đến Nhật để thử món ăn này khi ngay tại Sài Gòn cũng đã có, cụ thể là ở khu phố Nhật, hẻm 8A Thái Văn Lung.
Choi oi Noodle
Một chiếc quán với bảng hiệu độc đáo tái hiện phong cách vẽ manga với hai tông màu chính là trắng và hồng, mà chắc hẳn bạn đi qua sẽ không thể làm lơ. Nhưng đối nghịch với chiếc bảng hiệu thì phía bên ngoài quán lại đi theo phong cách minimal đặc trưng của người Nhật, với tông màu chủ đạo là trắng và gỗ nâu sáng, bạn cũng có thể tận dụng để chụp vài tấm ảnh khá “nghệ”.
Bước qua cánh cổng với rèm Noren truyền thống ở các quán ăn Nhật là một không gian nhỏ nhắn, ấm áp và thường khách hàng sẽ ngồi ở ngay quầy bếp để xem các đầu bếp chế biến món ăn.
Menu của quán khá đơn giản với 3 món Ramen là: Dandan noodle spicy ramen; Tonkotsu cappuccino ramen; Tonkotsu + tôm cappuccino ramen; và một số món ăn kèm khác như xíu mại, Gyoza.
Để so sánh thì cùng là ramen, nhưng sợi mì của Tonkotsu cappuccino ramen sẽ nhỏ hơn Dandan noodle spicy ramen, nước dùng trắng đục tương tự với những loại Tonkotsu ramen thông thường. Topping của tô mỳ sẽ gồm một miếng thịt char siu (xá xíu trong các món ramen) bản dày, được đầu bếp khò qua lửa cho cháy sém 2 mặt; nửa trái trứng; 2 miếng rong biển khô; măng và cả nấm mèo.
Phần tạo nên điểm nhấn cho món ăn này là lớp bọt li ti nổi phía trên mặt, sợi mì tuy nhỏ nhưng được luộc chín tới, khi gắp lên thì phần nước dùng nhờ có bọt nên dễ dàng bám vào sợi mì tạo nên độ đậm đà vừa đủ ngay cả khi chưa húp nước. Phần thịt dù dày nhưng được ninh mềm, khi ăn như tan trong miệng, ăn kèm với miếng măng ngâm đặc trưng của Nhật giúp cân bằng lại độ béo. Nhưng ngoài vẻ ngoài thì hương vị của món cappuccino này không có quá nhiều sự khác biệt với Tonkotsu ramen thông thường.
Địa chỉ: 8A/2B1 Thái Văn Lung, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM.
Thời gian: 11h00 – 03h00 sáng.
Fanpage: Choi oi Noodle
Ichibanya
Chỉ cách Choi oi Noodle vài bước chân, Ichibanya lại mang một phong cách hơi cổ xưa, nhưng điểm chung của cả hai quán là cực kì nhỏ và ít chỗ ngồi nên tạo cảm giác hơi chật chội.
Menu ở Ichibanya đã dạng với nhiều loại Ramen cùng với các món cơm. Trong đó cappuccino ramen có hai loại là Tonkotsu cappuccino tan tan ramen và Tonkotsu cappuccino ramen.
Tonkotsu cappuccino ramen ở Ichibanya có vẻ “điệu” hơn Choi oi vì được trang trí thêm một vài cánh hoa và rau mầm, tạo cảm giác tô mì như một tác phẩm nghệ thuật. Thêm một điều nữa mà "team ghét hành" sẽ yêu thích quán mì này đó là ở cả hai loại mì được gọi đều sẽ không ăn kèm với hành.
Hương vị nước dùng Tonkotsu cappuccino ramen ở Ichibanya vẫn đảm bảo được sự béo ngậy đặc trưng của nước hầm xương, thêm vào đó là sự creamy được tạo nên bởi lớp bọt phía trên. Không chỉ có thế, phần nước dùng còn được gia tăng hương vị hải sản bởi tảo bẹ, tôm, sò điệp.
Tuy nhiên, phần thịt ở món này sẽ là loại thịt mỏng, hơi ám mùi xông khói chứ không phải loại char xiu kiểu Nhật thông thường, nên nếu bạn không thích hương vị này thì có thể lựa chọn Tonkotsu cappuccino tan tan ramen.
Spicy Miso Tsukemen là một món mà những người yêu thích gia vị đậm đà nên thử nếu muốn “đổi gió”. Tsukemen sẽ được phục vụ với 2 tô: tô để nước dùng đựng trong thố đá đảm bảo nước luôn nóng và tô còn lại là mì cùng các loại topping. Mì trong Tsukemen sẽ là loại bản bự nên sẽ có độ cứng hơn so với Tonkotsu cappuccino ramen.
Nước dùng đậm màu, thơm mùi miso, nhưng rất mặn theo đúng phong cách ramen của người Nhật nên có một lời khuyên cho bạn là hãy mạnh dạn xin nhân viên nước sôi để có thể cho vào nước dùng giảm độ mặn. Miếng thịt ở loại ramen này sẽ là thịt char siu thơm mềm, xen lẫn mỡ và thịt nhưng hơi đậm vị, khi để trong tô nước dùng lại càng tăng thêm vị mặn. Bù lại măng có vị hơi ngọt giúp cân bằng lại vị tổng thể của món ăn.
Địa chỉ: 8A/A1, Thái Văn Lung, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM
Thời gian: 11h30 – 14h00, 16h30 – 2h00, nghỉ thứ Hai.
Fanpage: 横浜家系らーめんIchibanya一番家
kilala.vn
02/11/2022
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận