Trào lưu “FIRE”: Vì sao giới trẻ Nhật Bản muốn nghỉ hưu sớm?

    Nghe đến “FIRE” hẳn chúng ta thường nghĩ đến lửa. Nhưng “FIRE” ở đây ám chỉ một lối sống, một xu hướng đang ngày càng thịnh hành trong giới trẻ trên toàn cầu, trong đó có Nhật Bản, và có liên quan mật thiết với độc lập tài chính. Vậy FIRE là gì và làm thế nào để đạt được nó?

    Trào lưu “FIRE” là gì?

    FIRE là viết tắt của cụm từ “Financial independence, retire early” trong tiếng Anh (tạm dịch: Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm). 

    Khái niệm này được đề cập đến trong “Your Money or Your Life” (Tiền của bạn hay cuộc sống của bạn) – cuốn sách bán chạy nhất năm 1992 tại Mỹ, được viết bởi Vicki RobinJoe Domiguez. Quyển sách đặt ra những vấn đề xoay quanh mối quan hệ giữa con người với tiền bạc và công việc.

    trào lưu fire là gì
    Trào lưu "FIRE" là độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm 

    Các chuyên gia đã thực hiện so sánh chi phí, thu nhập và thời gian sống của mỗi người. Qua đó, tính toán được bằng cách tiết kiệm tới 50 – 70% thu nhập cho các khoản đầu tư, chúng ta có thể nghỉ hưu sớm bằng khoản tiền lãi thu được. Có thể hiểu mục tiêu của FIRE là độc lập tài chính để nghỉ hưu sớm.

    Mục tiêu này được thực hiện bằng cách tập trung tối đa hóa tỷ lệ tiết kiệm từ việc tăng thu, giảm chi, đồng thời đầu tư nhằm tăng thêm thu nhập. Mục tiêu là tích lũy tài sản cho đến khi thu nhập thụ động tạo ra có thể trang trải chi phí sinh hoạt đủ để nghỉ hưu. 

    [subscribe]

    Quy tắc FIRE được tính như thế nào?

    Nhắc đến FIRE, người ta thường đề cập đến “quy tắc 25x” và quy tắc 4%. Quy tắc 25x dùng để ước tính số tiền cần tiết kiệm để nghỉ hưu (25 lần số tiền chi tiêu một năm) và 4% là số tiền có thể rút ra từ danh mục đầu tư trong năm đầu tiên nghỉ hưu. Sau đó, sẽ tiếp tục rút số tiền với tỷ lệ tương tự và có điều chỉnh theo lạm phát để ít nhất trong vòng 30 năm không bị hết tiền.

    Thu nhập bình quân của người Nhật năm 2020 là 4,57 triệu yên/năm, khoảng 380 nghìn yên/tháng, nếu chi tiêu khoảng 50 nghìn yên cho chi phí sinh hoạt (và không phải thuê nhà), họ vẫn còn 330 nghìn yên tiết kiệm mỗi tháng. Vậy để đạt được 25x tối thiểu, họ cần tiết kiệm 46 tháng, tức là gần 4 năm.

    tiết kiệm tiền để fire
    Để thực hiện FIRE, giới trẻ Nhật Bản phải nỗ lực làm việc và kiểm soát chi tiêu từ sớm. Ảnh: Yurui

    Do đó để thực hiện FIRE, ngay từ lúc mới đi làm, giới trẻ Nhật Bản đã phải tính toán đến việc kiểm soát chi tiêu và điên cuồng nỗ lực làm việc, thậm chí là làm nhiều công việc một lúc để có thể “đốt cháy giai đoạn” mà vẫn tiết kiệm đủ tiền cho mục tiêu nghỉ hưu sớm.

    Phân loại FIRE

    Thực chất, FIRE còn được chia thành nhiều kiếu khác nhau tùy thuộc vào lựa chọn nghỉ hưu sớm theo cách nào và số tiền tích lũy cần thiết để duy trì cuộc sống sau khi nghỉ hưu. Bên cạnh hình thức FIRE truyền thống (tích lũy theo công thức 25x), dưới đây cũng là những kiểu FIRE thường thấy:

    • Lean FIRE: Lựa chọn nghỉ hưu sớm với một lối sống tối giản và cực kì tiết kiệm nên số tiền cần thiết duy trì sinh hoạt cũng tương đối thấp.
    • Fat FIRE: Trái ngược với Learn FIRE, những người theo đuổi Fat FIRE thường có thu nhập cao hơn, muốn sống thoải mái khi nghỉ hưu sớm nên số tiền tích luỹ cần thiết sẽ rất cao.
    • Barista FIRE: Theo đuổi Barista FIRE là những người đã độc lập tài chính, lựa chọn nghỉ hưu sớm nhưng vẫn duy trì công việc part-time chủ yếu để mua bảo hiểm y tế và một số phúc lợi khác. Họ có thể tận dụng sự độc lập tài chính để làm việc bán thời gian, freelance hoặc theo đuổi một công việc mơ ước được trả lương thấp hơn. 
    • Coast FIRE: Đã có khoản đầu tư hoặc tiết kiệm đủ để không cần phải đóng góp thêm vào danh mục đầu tư. Danh mục này sẽ tăng trưởng để hỗ trợ đầy đủ cho việc nghỉ hưu ở độ tuổi nghỉ hưu truyền thống. Họ vẫn cần phải làm việc, nhưng chỉ để trang trải chi phí sinh hoạt hiện tại, không phải để tích lũy tiền tiết kiệm hoặc đầu tư cho việc nghỉ hưu trong tương lai.
    độc lập tài chính
    Khi đạt được độc lập tài chính, Barista FIRE có thể chọn lựa làm việc vì đam mê. Ảnh: Grow

    Làn sóng FIRE tác động như thế nào đến giới trẻ Nhật Bản? 

    FIRE khởi nguồn ở Mỹ từ những năm 1990 và dần lan rộng đến những khu vực khác. Những năm gần đây, nghỉ hưu sớm trở thành làn sóng ngầm vận động mạnh mẽ trong giới trẻ Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí cả Việt Nam.

    Ở Nhật, thế hệ Gen Y, Gen Z đã có ý thức lập kế hoạch và tuân thủ nghiêm ngặt nhằm tiết kiệm cho mục tiêu nghỉ hưu sớm. Họ không sử dụng rượu, bia, thuốc lá, hạn chế cả mua sắm, du lịch, thậm chí hạ mức sống xuống 30.000 yên/tháng đồng thời tích cực làm nhiều việc một lúc để tiết kiệm chi tiêu.

    Nếu thử tìm kiếm với từ khóa FIRE trên các web bán sách Nhật thì có thể bắt gặp hàng loạt những đầu sách viết về FIRE. Có thể thấy, FIRE đã và đang có những ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ Nhật Bản.

    hướng dẫn nghỉ hưu sớm
    Một cuốn sách về lối sống FIRE xuất bản tại Nhật Bản. Ảnh: Japan Times

    Vì sao giới trẻ Nhật Bản lại chọn nghỉ hưu sớm? 

    Người Nhật luôn được biết đến là một dân tộc trách nhiệm, cần cù, nỗ lực không ngừng để kiến tạo đất nước. Mặt khác, quá trình già hóa dân số, tỉ lệ sinh thấp dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực, cùng với tuổi thọ trung bình của người dân cao, việc người già trên 65 tuổi vẫn tiếp tục lao động là điều không hiếm ở Nhật Bản.

    Vậy nhưng trong bối cảnh đất nước đang thiếu hụt lao động trầm trọng, giới trẻ Nhật Bản ngày nay lại có tư tưởng nghỉ hưu sớm. Phải chăng thế hệ trẻ ngày càng lười lao động, thích an nhàn và đang đi ngược với tinh thần làm việc suốt đời của dân tộc?

    Có nhiều nguyên nhân khiến FIRE trở thành xu hướng sống thịnh hành trong giới trẻ Nhật Bản những năm gần đây.

    Áp lực công việc

    Người ta cho rằng FIRE là cách giới trẻ phản kháng lại lối sống hối hả bào mòn thanh xuân của người lao động. 

    Khi thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, đặt ra những yêu cầu khắt khe về kinh nghiệm, kỹ năng, thì áp lực cũng không ngừng tăng lên. Áp lực tăng, thời gian dành cho bản thân và gia đình trở nên eo hẹp, điều này tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất lẫn tinh thần của con người.

    áp lực công việc

    Áp lực công việc - nỗi khổ không của riêng ai. Ảnh: talentbold

    Lạc lối không đam mê

    Có không ít lao động hiện nay đi làm mà không thực sự đam mê với công việc. Việc bám víu công việc chỉ là để đảm bảo thu nhập hằng ngày trong bối cảnh thị trường lao động hiện đang bất ổn. 

    Tác động từ đại dịch COVID-19

    Thời gian qua, khi xã hội chứng kiến biến động khôn lường bởi những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như các vấn đề chính trị xã hội khác trên thế giới, người trẻ đã càng đặc biệt chú ý đến vấn đề tiết kiệm phòng trường hợp có biến động sau này.

    Nhiều người tin rằng, làn sóng FIRE trở nên mạnh mẽ tại Nhật Bản một vài năm trở lại đây phản ánh tâm lý bất mãn với công việc của người trẻ trong bối cảnh kinh tế bấp bênh sau gần ba thập kỷ lạm phát và tăng trưởng thấp, đặc biệt kể từ sau khi đại dịch bùng phát.

    Có lẽ vì những nguyên nhân trên mà thế hệ trẻ Nhật Bản càng khao khát thực hiện FIRE.

    Rủi ro từ FIRE

    Việc theo đuổi FIRE chắc chắn không đơn giản, và có lẽ không phải ai cũng có thể thực hiện.

    Để đạt được trạng thái độc lập tài chính đòi hỏi bạn phải có một khoản thu nhập đủ lớn để trang trải các chi phí sinh hoạt đồng thời tiết kiệm cho tương lai. Quy tắc 25x và 4% thoạt nghe rất hợp lí, tuy nhiên lí thuyết thì chỉ là lí thuyết, vì cuộc sống luôn tồn tại những biến số.

    Vấn đề về sức khỏe, thay đổi trong công việc, thu nhập và quan trọng là những biến động của xã hội sẽ ập đến bất kỳ lúc nào. Không gì đảm bảo kế hoạch ban đầu của bạn sẽ đi đúng đường. Chính vì vậy, nếu muốn thực hiện FIRE, hãy tìm hiểu thật kỹ, đừng chạy theo FIRE như một trào lưu.

    covid-19 làm xã hội biến động

    Đại dịch COVID-19 khiến thế giới biến động khôn lường. Ảnh: Reuters

    Những điểm tích cực

    Tuy nhiên, lối sống FIRE cũng mang đến những giá trị tích cực kể cả trong và sau quá trình thực hiện FIRE. Khi bắt đầu thực hiện FIRE, bạn sẽ phải học cách cân đối chi tiêu, tiết kiệm triệt để do đó dần dần loại bỏ thói quen tiêu hoang, thay vào đó là cách sống hợp lí, tối giản.

    Sau khi tiết kiệm đủ ngân sách cho FIRE, bạn có thể nghỉ hưu hoặc tiếp tục làm việc, tất cả đều do bạn lựa chọn. Thực hiện FIRE giúp chúng ta tiết kiệm được một khoản đủ để có thể rời bỏ những áp lực công việc và theo đuổi công việc mà mình yêu thích mà không còn nỗi lo tài chính.

    yêu đời không áp lực

    Rời bỏ những áp lực công việc mà không còn nỗi lo tài chính. Ảnh: vietnamnet

    Thiết nghĩ, FIRE là lối sống có kế hoạch cho tương lai, nên dù bạn có ý định nghỉ hưu sớm hay muộn, dù theo đuổi FIRE hoặc không, việc nỗ lực làm việc khi còn trẻ và chi tiêu hợp lí, tích lũy tài chính vẫn là điều nên làm.

    Xem thêm: 30% người lao động Nhật bỏ bữa trưa để tiết kiệm tiền

    kilala.vn

    02/08/2022

    Bài: Bình Dương

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!