Học cách “sống xanh” từ những hành động được khuyến khích ở Nhật Bản
Hành động của một người có thể nhỏ, nhưng khi những khi nhiều hành động nhỏ hợp lại, một khác biệt lớn được tạo ra. “Sống xanh” thực sự không quá khó, chúng ta hãy thử với những điều đơn giản trước nhé!
1. Giảm tiêu thụ thịt
Bạn có biết, ngành chăn nuôi chiếm khoảng 14% lượng khí thải nhà kính toàn cầu và tương đương với tổng lượng khí thải nhà kính của tất cả các phương tiện giao thông cộng lại? Đặc biệt, khí metan do gia súc thải ra khi ợ hơi gây ra hiệu ứng nhà kính gấp 25 lần so với khí CO2 và được coi là tác động xấu nhất đối với môi trường.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng gây ra nhiều vấn đề môi trường khác, bao gồm phá rừng để lấy đất chăn nuôi, làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, tiêu tốn nước và ngũ cốc, gây suy thoái đất.
Bạn có thể bắt đầu thực hiện sống xanh bằng cách tăng số bữa ăn có nguồn gốc thực vật trong tuần. Với sự gia tăng số lượng nhà hàng chay và các sản phẩm thuần chay trong siêu thị, bạn sẽ có thể dễ dàng thực hiện thử thách này.
Xem thêm: Shojin Ryori - nghệ thuật ẩm thực chay truyền thống của Nhật Bản
2. Giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa khi mua rau quả
Do nhu cầu của người tiêu dùng, hầu hết các sản phẩm tươi sống đều được bảo quản và bày bán trong bao bì nhựa. Những tác hại kinh khủng của nhựa đối với môi trường tự nhiên có lẽ không cần phải bàn thêm.
Vì vậy, khi lựa mua rau quả, hãy cố gắng tránh sử dụng bao bì nhựa và thể hiện mong muốn không sử dụng túi nhựa trong đóng gói các mặt hàng tươi sống. Bạn nên mang theo túi/giỏ đi chợ và các loại hộp đựng có thể tái sử dụng để đựng thực phẩm. Nếu ở Nhật, bạn có thể tìm mua rau và trái cây trong các gian hàng và chợ nông sản nơi không sử dụng bao bì nhựa để đóng gói.
Xem thêm: Mottainai: Học người Nhật xưa để sống bền vững hơn
3. Sử dụng bình, ly đựng nước cá nhân
Mang theo bình, ly đựng nước cá nhân khi ra ngoài là việc làm được khuyến khích để giảm thiểu sử dụng ly, cốc nhựa. Ngoài ra, ở Nhật có một ứng dụng gọi là Mymizu có thể được sử dụng để tìm các điểm nạp nước miễn phí trên toàn quốc.
4. Tiêu dùng sản phẩm địa phương
Mua thực phẩm được sản xuất tại địa phương không chỉ làm giảm lượng khí thải CO2 từ quá trình vận chuyển mà còn hỗ trợ nền kinh tế địa phương và đảm bảo thực phẩm luôn tươi ngon.5. Lựa chọn quần áo cũ
Với sự phát triển của thời trang nhanh, giờ đây quần áo giá rẻ đã được sản xuất hàng loạt. Quy trình sản xuất và xử lý vải tạo ra rất nhiều CO2, tiêu tốn nhiều tài nguyên như dầu mỏ, nước.
Xem thêm: Người Nhật, thời trang nhanh và sự phát triển bền vững
Theo một nghiên cứu của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên Nhật Bản, để sản xuất một chiếc áo phông cần tiêu tốn đến 2.720 lít nước.
Để chấm dứt tình trạng sản xuất và tiêu dùng hàng loạt như vậy, chúng ta nên cân nhắc lựa chọn quần áo second-hand hoặc sử dụng đồ chất lượng tốt trong thời gian dài.
6. Tái chế quần áo không dùng nữa
Theo một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hơn 70% quần áo bị loại bỏ được tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Để ngăn chặn việc vứt bỏ lãng phí, chúng ta cần tăng cường tái chế và tái sử dụng.
Gần đây, nhiều thương hiệu thời trang như UNIQLO, H&M, GU, Patagonia, MUJI. đã lắp đặt các hộp thu gom quần áo trong các cửa hàng cố định của họ. Sẽ thật tốt nếu bạn sử dụng các dịch vụ này hoặc mang những quần áo không còn mặc nữa đến các cửa hàng, chợ đồ cũ.
7. Lui tới các cửa hàng sửa chữa, phục hồi đồ cũ
Quần áo bạc màu có thể được nhuộm lại và đồ gốm vỡ có thể được phục hồi bằng kỹ thuật Kintsugi của người Nhật. Hãy mang quần áo bị hư dây kéo, sút chỉ. đến các tiệm sửa đồ, hoặc nếu khéo tay, bạn cũng có thể tự sửa quần áo cho cả nhà với một chiếc máy may gia đình nhỏ gọn. Trước khi vứt bỏ một thứ gì đó, hãy nghĩ xem món đồ đó có thể sửa chữa được hay không.
8. Ủ phân hữu cơ
Ở Nhật, khoảng 80% thức ăn thừa được thu gom là rác đốt được. Vì rác thực phẩm có đến 80% là nước nên chúng làm giảm nhiệt độ của lò đốt và giảm hiệu quả đốt cháy. Vì vậy, một số thành phố thậm chí còn sử dụng chai nhựa (nhựa tái chế) để tăng nhiệt độ lò đốt.
Do đó, chính quyền các địa phương tại đất nước này đang tiến hành giới thiệu việc ủ phân hữu cơ tại nhà và ngày càng có nhiều quận cung cấp các khoản trợ cấp cho hoạt động trên nhằm cải thiện vấn đề rác thải của Nhật Bản.
Để tự chế thùng ủ rác thực phẩm cho gia đình cũng không quá phức tạp, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các hướng dẫn trên internet, hoặc trên thị trường cũng có sẵn một số loại máy ủ phân hữu cơ đáng để cân nhắc. Sử dụng loại phân này để bón cho cây cảnh, rau củ trồng tại nhà sẽ vừa an toàn, tiết kiệm, lại vừa thân thiện với môi trường.
9. Mua sắm ở các cửa hàng bán theo trọng lượng
Hiện nay có những cửa hàng bán lẻ bán bia thủ công, chất tẩy rửa, hạt cà phê và các mặt hàng khác theo trọng lượng. Bằng cách mua hàng với số lượng cần thiết, bạn có thể tránh lãng phí, giảm thiểu lượng rác từ bao bì.
10. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng
Phương tiện giao thông công cộng như xe buýt vừa tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại đảm bảo an toàn khi lưu thông sẽ giúp lối sống của bạn "xanh" hơn.
Tại Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng với hệ thống giao thông công cộng đúng giờ, thường xuyên và thuận tiện, người dân tại đây ưu tiên chọn phương tiện công cộng khi di chuyển. Nhiều người sẽ chọn thuê ô tô khi cần, chẳng hạn để đi du lịch, thay vì sở hữu riêng cho mình một chiếc xe.
11. Sử dụng vải sợi tự nhiên thay cho sợi tổng hợp từ nguyên liệu hóa thạch
Hiện nay, sợi tổng hợp chiếm đến 2/3 tổng số hàng dệt may và dự kiến sẽ tăng lên gần 3/4 vào năm 2030. Với giá thành rẻ, chỉ bằng một nửa so với sợi bông trên mỗi tấn, sợi tổng hợp đã len lỏi vào mọi loại quần áo và trở thành loại sợi yêu thích của ngành công nghiệp thời trang nhanh.
Khi ngành công nghiệp thời trang ngày càng phụ thuộc vào sợi tổng hợp có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, tốc độ vứt bỏ quần áo của chúng ta cũng tăng theo. Cũng giống như nhựa gây ô nhiễm mọi nơi trên hành tinh vì quá bền, sợi tổng hợp gây ra hàng loạt các vấn đề về môi trường.
Trong khi đó, cây gai dầu phát triển nhanh chóng, có thể trồng theo hàng, dễ thích với các vùng khí hậu khác nhau và phát triển mạnh trong môi trường nghèo dinh dưỡng. Ngoài ra, còn có những vật liệu khác tác động đến môi trường tương đối thấp, chẳng hạn như bông hữu cơ được sản xuất bền vững.
Vì vậy, nếu muốn thực hành lối sống xanh, bạn có thể hạn chế sử dụng các sản phẩm may mặc sản xuất từ sợi tổng hợp. Thay vào đó, ưu tiên các mặt hàng đề cao tính bền vững với chất liệu thân thiện môi trường như sợi gai dầu, sợi lanh, sợi bông, sợi tre.
Xem thêm: Sống xanh là một trách nhiệm
kilala.vn
Thông tin ngày diễn ra sự kiện:
+ Thời gian: 09h00 - 18h00, ngày 07/01/2023.
+ Địa điểm: Nam Thi House, 152 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
+ Link sự kiện: https://fb.me/e/2wLegMLpb
+ Đơn vị tổ chức và thực hiện: Kilala.
+ Đơn vị đồng hành: Nam Thi House.
Những lưu ý khi tham gia sự kiện:
+ Không đem thức ăn nước uống bên ngoài.
+ Khuyến khích khách tham gia mang theo bình nước cá nhân.
+ Hoạt động bán hàng không dùng túi, khách tự mang theo túi để đựng hàng hóa.
01/01/2023
Bài: Happy
Nguồn: Zenbird
Đăng nhập tài khoản để bình luận