“Vì thiên nhiên chính là nơi con trẻ và chúng ta đã, đang sống”: Ngẫm nghĩ về thế giới hoạt hình Studio Ghibli

    “Vì thiên nhiên chính là nơi con trẻ và chúng ta đã, đang sống”: Ngẫm nghĩ về thế giới hoạt hình Studio Ghibli

    *Trích dẫn trong tiêu đề được trích từ đoạn phỏng vấn của Hayao Miyazaki.

    Kể từ khi “Nausicaa Valley of The Wind” ra đời, xưởng phim hoạt hình huyền thoại của Nhật Bản liên tục chinh phục khán giả đại chúng qua những thước phim dễ thương, đẹp đến nao lòng về câu chuyện con người học cách sống chan hòa với thiên nhiên. Và để đạt được sự hòa hợp đó, phải có những cá nhân dũng cảm, dám đứng lên kêu gọi nhận thức và hành động từ một xã hội vẫn còn định kiến, bảo thủ và chỉ chăm chú vào lợi ích từ việc tận diệt tài nguyên. 

    Trước khi chờ sản phẩm mới nhất “The Boy and The Heron” của đạo diễn Hayao Miyazaki ra mắt ở thị trường quốc tế vào ngày 8/12, cùng Kilala nhớ về những cảm xúc đầu tiên khiến người lớn chúng ta đến giờ vẫn yêu quý những bộ phim của xưởng hoạt hình lâu năm này: sự trong trẻo, tĩnh lặng của những khu rừng, con sông và biển cả. Thiên nhiên trong phim của Studio Ghibli vừa mang màu sắc của sự dữ dội, lại vừa hiền hòa với những con người được bao bọc bởi nó.

    Hayao Miyazaki: Thông điệp sống chan hòa với thiên nhiên

    Con người không thể sống mà thiếu nguồn cung cấp về vật chất lẫn tinh thần từ môi trường tự nhiên, nhưng chính họ cũng tàn phá, khai thác quá mức gây tổn thương đến nơi nuôi sống mình. Sự nổi giận từ các bộ lạc gắn bó với thiên nhiên, sinh vật tự nhiên và các vị thần cai quản chính là lẽ tất yếu để đáp trả lại sự tận diệt của con người.

    Đó là những thông điệp dễ thấy trong rất nhiều tác phẩm của đạo diễn Hayao Miyazaki. Là người lớn lên trong thời kỳ Showa - khi con người quá tập trung vào phát triển kinh tế mà tàn phá thiên nhiên, vị đạo diễn người Nhật luôn đau đáu về viễn cảnh môi trường sống của mình.

    Trong những bộ phim của ông, con người xuất hiện nhỏ bé trong khung cảnh bát ngát rừng cây, sông hồ, suối biển. Màu xanh lá của cỏ cây, màu xanh nước biển làm chủ phần lớn nhiều khung cảnh. Kể từ bộ phim đầu tiên “Nausicaa Valley Of the Wind”, nhiều tác phẩm của ông đề cập đến những trận chiến nảy lửa giữa loài người và thiên nhiên.

    nausicaa-valley-of-the-wind
    Quan điểm về môi trường đã được xác lập mạnh mẽ kể từ bộ phim đầu tiên “Nausicaa Valley Of the Wind”. Ảnh: cdn.vox-cdn.com

    Đặc biệt trong “Princess Mononoke” và “Spirited Away”, hình ảnh những vị thần tự nhiên, mối hận thù và sự nổi giận của họ trước sự tàn phá của con người là mấu chốt dẫn đến hành trình anh hùng của những nhân vật chính. Hoàng tử San trong quá trình tìm hiểu về căn nguyên hủy hoại vương quốc đã nhận ra con người thiếu tôn trọng Thần Rừng, Thần Sói và các sinh vật trong rừng khác như thế nào.

    Hay như trong “Spirited Away”, vị khách đầu tiên mà Chihiro phải kỳ cọ chính là Thần Sông - vị thần trở nên hôi hám và bẩn thỉu do hệ quả xả rác bừa bãi của con người. Còn “Ponyo” là một bộ phim mang màu sắc đáng yêu nhưng hình ảnh con nước nhấn chìm cả ngôi làng ven biển cũng cho thấy sự nổi giận của Thần Biển.

    ponyo
    mixmag.asia

    “My Neighbour Totoro” – một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của Miyazaki – kể về câu chuyện đáng yêu giữa hai cô bé với những sinh vật trong khu rừng nhằm khích lệ việc bảo vệ rừng cho lớp thế hệ trẻ thơ. Khu rừng quanh thị trấn Tokorozawa, phía đông Bắc Tokyo Nhật Bản là nơi truyền cảm hứng làm phim cho vị đạo diễn khi ông đi dạo quanh khu rừng.

    Biết ơn với nơi đã góp phần cho sự thành công của phim, Studio Ghibli đã hỗ trợ, quyên góp và thực hiện chiến dịch gây quỹ cộng đồng để khu rừng được mua lại và biến thành khu bảo tồn thiên nhiên. 

    princess-mononoke
    Mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên được mô tả với sự kịch tính trong "Princess Mononoke". Ảnh: concreteplayground.com

    Xem thêm: Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên qua phim hoạt hình của Ghibli

    [subscribe]

    Isao Takahata: thông điệp day dứt, thực tế về vấn đề phát triển bền vững ở đô thị

    Nếu những bộ phim hoạt hình của Hayao Miyazaki mang tinh thần hòa giải, tích cực khi kể về sự mâu thuẫn, tranh đấu giữa con người với tự nhiên, thì hai tác phẩm về môi trường của Isao Takahata lại khiến khán giả day dứt sau khi phim kết lại.

    Sự hài hước, mỉa mai đen tối trong “Pom Poko” chính là ví dụ tiêu biểu. Bộ phim năm 1994 kể về bầy tanuki chiến đấu để bảo vệ môi trường. Nhiều tác phẩm ở thời kỳ đầu sự nghiệp (khi còn làm ở xưởng Toei) của Takahata đều sử dụng những nhân vật động vật đặc trưng của Nhật Bản (như trong “Gauche the Cellist”).

    Bên cạnh việc làm phim hoạt hình, vị đạo diễn phim “Mộ Đom Đóm” cũng là người thúc đẩy những hoạt động ý nghĩa về cải tạo môi trường sống. Trước khi Studio Ghibli được biết đến qua hoạt động bảo vệ rừng, bộ đôi người sáng lập được công chúng biết đến qua một bộ phim tài liệu dài 3 tiếng năm 1987 “The Story of Yanagawa's Canals” (Câu chuyện về những con kênh thành phố Yanagawa).

    the story of yanagawa canals
    The Story of Yanagawa's Canals. Ảnh: MUBI

    Sau khi thành công với “Nausicaa of the Valley of The Wind” trong vai trò sản xuất và thất bại trong việc chuyển thể dự án khác, Isao Takahata đã đến thành phố Yanagawa rộng lớn với mạng lưới kênh đào phong phú để tìm cảm hứng cho bộ phim hoạt hình tiếp theo.

    Nhìn thấy được nền văn hóa của người dân gắn liền với những con kênh, ông bắt tay viết kịch bản và làm đạo diễn cho bộ phim này. Vì sử dụng doanh thu của Nausicaa để làm phim, nên ekip của Hayao Miyazaki phải bắt tay làm “Laputa: Castle in the Sky” để bù lại khoản tiền này.

    Sử dụng nhiều cú máy dài và kết hợp một số đoạn phim hoạt hình, “The Story of Yanagawa's Canals” được chia ra làm 10 phần, kể về lịch sử phát triển của kênh rạch, đời sống văn hóa của người dân với con kênh và nỗ lực nạo vét, dọn sạch rác thải của người dân để dòng kênh xanh trở lại.

    Qua bộ phim, ông muốn truyền tải thông điệp về việc đô thị hóa và phát triển bền vững: kênh đào của Yanagawa từng bị ô nhiễm nghiêm trọng trong thời kỳ phát triển kinh tế và từng bị chuyển đổi thành hệ thống cống rãnh trong thập niên 60. Việc nhận thức về nhu cầu đô thị hóa, hiểu giá trị bảo vệ văn hóa bản địa gắn liền với bảo vệ môi trường là tiền đề để ông cùng người cộng sự Hayao Miyazaki làm nên những bộ phim sau này.

    So với phim của Hayao Miyazaki, những nhân vật con người trong Isao Takahata làm chủ khung hình, nhưng những đoạn đối thoại giữa họ đều là nỗi trăn trở về việc tôn trọng thiên nhiên. 

    Mang màu sắc êm ả hơn so với những phim thường thấy của Isao Takahata, “Only Yesterday” đặt ra vấn đề về việc phát triển bền vững trước câu chuyện “bỏ phố về quê” của người trẻ. Chán chường với sự hối hả thành thị, về quê để cải thiện sức khỏe tinh thần vốn không sai, nhưng cũng phải nghĩ đến việc tôn trọng môi trường và người dân bản địa.

    van-de-moi-truong-trong-phim-ghibli
    "Only Yesterday" nhẹ nhàng nhưng mang nhiều thông điệp đáng suy ngẫm về mối quan hệ giữa con người - tự nhiên.

    “Pom Poko” (1994) là bộ phim đậm chất hài hước, buồn bã và đen tối về vấn đề đô thị hóa và hệ quả sinh thái. Isao Takahata đã sử dụng loài động vật trong truyền thuyết dân gian Nhật Bản - tanuki, biểu tượng của sự lém lỉnh, may mắn và tài lộc làm nhân vật chính để kể nên câu chuyện. Tựa phim “Pom Poko” cũng xuất phát từ âm thanh khi bầy tanuki tự gõ bụng mình.

    Phim lấy bối cảnh ở đồi Tama, vùng ngoại ô phía Tây Tokyo. Đất chật người đông, con người đã lên đây phá rừng để cất nhà ở, và điều này đe dọa đến chỗ ở của loài tanuki, cũng như những yokai của khu rừng. Bầy lửng chó quyết định cải trang thành người, đồ vật, con vật khác để đánh lừa, gây họa lại cho những kẻ đã phá nơi chúng sinh sống. Trong quá trình đó, chúng còn bị biến thành vật tiêu khiển trong công viên giải trí.

    pom-poko
    Pom Poko.

    Trong bài phỏng vấn năm 1996 với tạp chí Positif, Isao Takahata nhận định: Cuối cùng, những gì xảy ra với chúng (bầy tanuki) chính là những gì chúng ta đang trải qua. Chúng ta là những tanuki phải cải trang thành cư dân thành thị!” Cái kết có hậu khi bầy tanuki đã giành lại được đất sống cho mình chỉ là sự hy vọng mà ekip Studio Ghibli dành cho quê hương mình.

    Còn với bộ phim hoạt hình “The Red Turtle” - sản phẩm cuối đời mà Isao Takahata hợp tác với đạo diễn Michael Dudok de Wit cũng nhấn mạnh về cách sống chan hòa và bền vững giữa con người với thiên nhiên.

    Dưới đây là bộ phim tài liệu “Journey of the Heart” dài 44 phút kể về cuộc gặp gỡ của đạo diễn Isao Takahata với Frédéric Back, nhà làm phim hoạt hình người Pháp kỳ cựu đã truyền cảm hứng trong sự nghiệp làm phim của ông. Họ cùng nhau đến cánh rừng mà Frédéric tự tay trồng, cùng chia sẻ quan điểm về bảo vệ môi trường và bảo vệ di sản văn hóa bản địa.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!